Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế châu Á chưa thể lạc quan

Mặc dù có vẻ ổn thỏa hơn so với các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU), song các nền kinh tế châu Á chưa thể lạc quan với đà phục hồi cũng như chất lượng tăng trưởng.

Chứng khoán châu Á trồi sụt thất thường

So với năm trước, các số liệu thương mại của châu Á trông “khá bắt mắt", song phân tích sâu hơn người ta sẽ thấy nhiều nước đã “dậm chân tại chỗ” sau giai đoạn tăng trưởng nhanh. Điều này đặc biệt đúng với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Mặc dù hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng mạnh, song kim ngạch xuất khẩu của các nước này xem ra vẫn còn khá trì trệ.

Ngay cả Trung Quốc cũng không còn là “vị cứu tinh” như một thời người ta lầm tưởng. Mặc dù nhu cầu của Trung Quốc là yếu tố lớn nhất đằng sau sự phát triển bùng nổ hàng hóa, song nó cũng chỉ đủ bù đắp đôi chút cho sự giảm sút nhu cầu của phương Tây - vốn đã hồi phục phần nào từ sự sa sút năm 2009, nhưng hiện thời xem ra đang chững lại.

Các loại tiền tệ trong khu vực châu Á xem ra đang khá mạnh, nhờ sự kết hợp giữa giá xuất khẩu tăng và nhu cầu quốc nội yếu dẫn đến thặng dư thương mại lớn. Là dấu hiệu của sự yếu ớt chứ không phải mạnh mẽ, khi Malaysia thặng dư tài khoản vãng lai tới 15% GDP. Ngay cả Philippin, vốn luôn cần vốn đầu tư, cũng thặng dư 3%. Giá tài sản đang tăng chủ yếu nhò sự thặng dư này hơn là vì vốn nước ngoài đổ vào.

Đối với các nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Á, ảnh hưởng tiêu cực của chính sách mà Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) mới đưa ra đang bị phóng đại. Năm ngoái, mức tăng nguồn tiền tại các nền kinh tế cỡ trung bình ở Đông Á và Đông Nam Á nằm trong phạm vi từ 4,6% ở Đài Loan đến 8-9% ở Hàn Quốc, Thái Lan, Hong Kong, Malaysia và Singapore. Bong bóng giá dường như đang xuất hiện ở lĩnh vực bất động sản cao cấp, chủ yếu là do người mua đến từ Trung Quốc.

Trong khi chỉ trích việc Mỹ nới lỏng tín dụng đang tạo ra một làn sóng “tiền rẻ” đe dọa nhấn chìm các nước khác, nhưng Trung Quốc cần nhìn lại chính mình. Năm 2009, nguồn cung tiền của Trung Quốc đã tăng thêm 19% sau khi tăng tới 30% trong năm 2008. Trong khi đó, dù nới lỏng từ đầu năm nay, mức tăng tiền của Mỹ cũng chỉ ở mức 3,2%.

Kích thích tiền tệ của Trung Quốc thông qua tín dụng ngân hàng (chứ không phải qua thâm hụt tài chính) là thủ phạm chủ yếu không chỉ tạo nên các bong bóng bất động sản mà còn cả tình trạng lạm phát gia tăng. Đây là điều tất yếu với một Trung Quốc đang giữ tỷ lệ lãi suất giống như kinh tế Mỹ suy thoái, trong khi lại tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.

Giới phân tích cảnh báo rằng việc Trung Quốc đòi quyền quyết định giá trị đồng nội tệ nghe qua có vẻ công bằng, song nước này sẽ phải chịu hậu quả nếu mục đích chỉ để dùng tiền tệ để tạo ra thặng dư lớn với bên ngoài. Điều này dẫn đến hai nguy cơ. Thứ nhất, lạm phát sẽ làm tăng các chi phí sản xuất và tổn hại đến các ngành xuất khẩu vốn đang được bảo hộ nhờ đồng NDT được định giá thấp. Thứ hai, phản ứng chậm trễ đối với lạm phát sẽ dẫn tới sự tàn phá nguy hiểm khi tỷ lệ lãi suất tăng đến mức sẽ kiềm chế tiêu dùng và làm nổ tung các khoản vay ngân hàng “kém chất lượng". Dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc không bảo đảm tạo ra được một hàng rào phòng ngự chống lại cuộc khủng hoảng vay mượn trong nước làm gợi nhớ lại những gì đã xảy ra tại Thái Lan và khắp mọi nơi trong thập niên 90, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Nguồn: Asia Sentinel

ĐỌC THÊM