Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế châu Á cũng lao đao vì sóng thần tại Nhật Bản

Thảm họa động đất và sóng thần ập đến Nhật Bản trong lúc các quốc gia châu Á đang phải đấu tranh với tình trạng lạm phát cao do giá dầu và lương thực ngày một leo thang. Điều này làm dấy lên lo ngại những hậu quả của thảm họa kinh hoàng này sẽ lan ra toàn khu vực châu Á trong thời gian tới, làm tăng thêm tình trạng rối ren cho bức tranh kinh tế tại khu vực này.

Nhật Bản - Nền kinh tế đầu tàu của khu vực

Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khu vực châu Á mặc dù đã bị Trung Quốc soán ngôi vị nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Nước này là nguồn cung FDI lớn nhất cho phần còn lại của châu Á và nguồn thu từ du lịch chính của một số nước đặc biệt là Thái Lan, với khoảng 1 triệu lượt khách du lịch Nhật Bản đến nước này mỗi năm. Nhật Bản còn là thị trường xuất khẩu lao động chính của nhiều nước, ví dụ như Philippines với trên 200.000 lao động làm việc tại Nhật Bản, bao gồm hàng ngàn người nằm trong tâm chấn của trận động đất.

Theo chuyên gia kinh tế của ING tại Singapore, Tim Condon, Nhật Bản cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất trong khu vực. Nước này nhập khẩu một khối lượng lớn quặng sắt, than đá, khí tự nhiên và nhiều loại mặt hàng khác của Indonesia, Astralia và các quốc gia khác chiếm khoảng 10% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực.

Chuyên gia này cũng nhận định: “Thương mại giữa Nhật Bản và các nước châu Á khác có thể sẽ giảm trong thời gian trước mắt. Cùng với các vấn đề khác như lạm phát tăng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại châu Á trong thời gian tới sẽ giảm”.

Trước đó, kinh tế tại toàn châu Á vẫn được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay, với GDP ước đoán tăng 7,5% đến 8%, chưa kể Nhật Bản. Nhưng thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản đã khiến các chuyên gia kinh tế xem xét lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này. Theo các chuyên gia, kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng chậm hơn so với năm ngoái khi mà GDP của khu vực đã vượt mức 9% sau khi phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bức tranh kinh tế khu vực thêm rối ren

Thiên tai tại Nhật Bản đã làm tăng thêm sự bất ổn cho nền kinh tế châu Á ít nhất là trong thời gian tới. Trận động đất hôm thứ 6 đã tàn phá một số cơ sở hạ tầng quan trọng của Nhật Bản và có thể đẩy nhiều nhà máy sản xuất của nước này vào tình cảnh thiếu điện trầm trọng trong những tuần tới, các nhà máy sản xuất giấy, thép và điện dân dụng đã đóng cửa hôm thứ 2. Tình trạng này lại ảnh hưởng trực tiếp tới những nhà xuất khẩu lớn nhất châu Á khi mà các nhà máy sản xuất của Nhật Bản là nơi nhập khẩu nguyên vật liệu chính của họ.

Trong một bản báo cáo gửi tới khách hàng, JP Morgan cho rằng trận động đất đã bất ngờ tạo ra một cú sốc nữa trong một loạt những cú sốc đang làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu trong đầu năm 2011.

Kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong hầu hết mọi lĩnh vực từ sản xuất ô tô, sản xuất điện cho đến du lịch và buôn bán thép. Liên quan đến ngành công nghiệp điện, Liu Xiaojun - Giám đốc bán hàng của Shanghai Lunsure Technology, nơi chủ yếu sản xuất chất bán dẫn trong các linh kiện điện tử khác, cho biết: “Tôi không nghĩ thảm họa động đất có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh lắp ráp điện tử của Trung Quốc vì phần lớn chúng ta đã có thể tự sản xuất được nguyên vật liệu. Nhưng chúng ta có thể sẽ khan hiếm một số linh kiện như các con chíp silic và một vài thành phần đặc biệt khác vì Nhật Bản là nước sản xuất chíp silic tốt nhất”.

Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng từ sự biến động mạnh của thị trường năng lượng đặc biệt là khi Nhật Bản và các quốc gia khác trong những tháng tới có thể sẽ tăng nhu cầu nhiên liệu tự nhiên do năng lượng hạt nhân bị các nước xem xét lại kỹ lưỡng sau một loạt vấn đề các lò phản ứng hạt nhân Nhật Bản gặp phải.

Gao Shixian - chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu năng lượng thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc nhận định: “Nhật Bản sẽ sử dụng nhiều nhiên liệu tự nhiên hơn như dầu và than đá, điều này có thể khiến giá dầu tăng trong thời gian ngắn”.

Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc, hôm thứ 2, cũng nhấn mạnh trong một phát ngôn chính thức rằng xuất khẩu của Hàn Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu tình trạng tại Nhật Bản ngày càng tồi tệ hơn. Bộ này đã chỉ ra việc nhập khẩu một số linh kiện quan trọng từ Nhật Bản như các con chíp tích hợp hệ thống cho các sản phẩm điện tử và linh kiện cho các bản màn hình phẳng sẽ bị gián đoạn. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp tàu thủy của nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, một số nước khác trong khu vực đang lo ngại Nhật Bản sẽ cắt giảm hoặc trì hoãn các khoản vốn đầu tư từ lâu là nguồn vốn chính cho các dự án hạ tầng tại nước mình. Trong một cuộc phỏng vấn trên sóng phát thanh cuối tuần qua, Chủ tịch thượng viện Philippines, Juan Ponce Enrile cho biết ông lo ngại nguồn vốn phát triển từ Nhật Bản có thể sẽ bị trì hoãn do thiên tai tại nước này. “Nhật Bản sẽ dùng những khoản tiền đó để tái thiết, và vì thế Nhật Bản sẽ giảm mức vốn đầu tư như đã cam kết và sau đó là giảm các dự án phát triển tại Philippines”.

Lạc quan trong khủng hoảng

Các chuyên gia kinh tế cho biết một thông tin tốt lành là việc chi mạnh cho các dự án tái thiết có thể sẽ giúp nền kinh tế Nhật Bản phục hồi, từ đó nhu cầu về gỗ và các loại mặt hàng khác của châu Á sẽ tăng theo. Nhưng họ cũng cho rằng kinh tế Nhật Bản sẽ không thể phục hồi cho hết năm nay, với sự sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng thậm chí là bị co lại được dự đoán trong 1 hoặc 2 quý tới.

“Nỗ lực phục hồi của Nhật Bản có thể sẽ tạo ra chất xúc tác cần thiết để tái khởi động chu kỳ ảm đạm của thị trường nhà đất, khiến nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng mạnh và ổn định như gỗ, vật liệu dẻo và các bản thiết kế cho một trong những thị trường nhà gỗ lớn nhất thế giới” - Peter Ruschmeier, chuyên gia phân tích tại Barclays Capital cho biết.

Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thái Lan Charoen Wangananont, những ngành công nghiệp khác, như du lịch sẽ khó có thể điều chỉnh để phục hồi. Ví dụ như ở Thái Lan, khoảng 70.000 khách du lịch đã hủy các chuyến du lịch đến Nhật Bản do lo ngại rò rỉ bức xạ. Một lượng du khách Nhật Bản cũng có thể hủy chuyến đến Thái Lan. Hiệp hội đang yêu cầu các công ty thành viên của họ cũng như các hãng hàng không hoàn trả 100% số tiền mà khách du lịch Thái Lan đã hủy bỏ kế hoạch du lịch.

Ông Charoen Wangananont vẫn tỏ ra lạc quan: “Tôi hi vọng sự sụt giảm lượng khách du lịch đến Nhật Bản sẽ không là một vấn đề đáng lo ngại. Rất nhiều khách du lịch có thể chuyển đến các địa điểm du lịch khác trong khu vực, điều này sẽ không làm giảm doanh thu của mạng lưới các công ty khách sạn lớn. Tôi vẫn lạc quan vào một năm làm ăn tốt lành”.

Nguồn: The Wall Street Journal)

ĐỌC THÊM