Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế châu Á nổi chìm cùng Âu - Mỹ

Hầu hết các chỉ số của thị trường chứng khoán châu Á đều sụt giảm đáng kể vì những thông tin không mấy tốt lành từ Mỹ và châu Âu, cho thấy trên thực tế, kinh tế châu Á vẫn chưa thể đứng vững một mình và cũng không thể tách khỏi kinh tế phương Tây.
Triệu chứng

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường chứng khoán (TTCK) tại các nước đang phát triển đã bị thiệt hại nặng nề và dòng vốn chảy vào các nền kinh tế này bắt đầu chậm lại từ tháng 8, khi cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trở nên xấu đi. Lần đầu tiên, hãng đánh giá tín dụng uy tín toàn cầu S&P đã hạ bậc tín nhiệm của Mỹ khỏi hạng cao nhất AAA.

Theo chủ tịch WB, ông Zoellick, mặc dù đến nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang các nước đang phát triển vẫn duy trì được mức tăng. Tuy mới ở giai đoạn đầu, song số liệu về chỉ số quản lý thu mua (PMI) - thước đo niềm tin trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ - của các nước đang phát triển cũng đã có dấu hiệu sụt giảm. Đây là lý do để WB lo ngại về những tác động tới niềm tin tại châu Âu và Mỹ đang bắt đầu lây lan sang châu Á và các thị trường đang nổi.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, các nước đang phát triển và các thị trường đang nổi hiện là những động lực chủ chốt cho tăng trưởng toàn cầu. Bất kể một sự tăng trưởng chậm lại nào tại những nước này cũng đều có thể kéo lùi sự phục hồi vốn vẫn còn hết sức mong manh của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khi "thế giới đang theo dõi và chờ đợi châu Âu, Mỹ và Nhật Bản giải quyết các vấn đề của họ. Thế nhưng một số quan chức ở các nước phát triển lại tỏ ra như thể các cam kết của họ chỉ là công việc của riêng họ." ông Zoellick tỏ rõ thái độ không đồng tình.

Hy vọng mong manh

Trên thực tế, nhiều nền kinh tế châu Á đã phụ thuộc quá nhiều vào người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là nguồn hàng hóa xuất khẩu được sản xuất từ các tập đoàn đa quốc gia ở châu Á. Các thị trường trái phiếu và TTCK châu Á cũng mở cửa cho đầu tư gián tiếp do các quỹ tự bảo hiểm nước ngoài quản lý. Hệ thống ngân hàng châu Á cũng có quan hệ khó tách rời, bởi số lượng lớn các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở châu Á và ngược lại, các ngân hàng châu Á lập chi nhánh ở phương Tây để tham gia vào hệ thống tài chính thương mại ngày càng tăng. Các mối liên kết tài chính này sau đó được nuôi sống bởi các ngân hàng và các thị trường vốn.

Nếu nền kinh tế Mỹ không tạo được việc làm, tức là kinh tế phục hồi chậm và đồng nghĩa với thu nhập sẽ không tăng, do đó sức tiêu thụ cũng không thể tăng. Cầu không tăng có nghĩa là hàng hóa từ các nước dựa vào xuất khẩu như Malaysia, Thái Lan, các nước Đông Á… sẽ tiếp tục giảm. Nếu hàng xuất khẩu của châu Á sụt giảm, điều này ắt sẽ gây ra sự mất giá của các đồng tiền châu Á. Một khi việc cung cấp tiền suy giảm, lãi suất sẽ tăng lên và điều này sẽ khiến cho giá cổ phiếu và trái phiếu sụt giảm.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Mỹ cho thấy, nếu GDP của Mỹ giảm 1%, nó sẽ có tác động làm giảm đến 1,7% GDP của Singapore, 0,8% GDP Malaysia, 0,4% GDP Thái Lan, 0,3% GDP của Philippines và Indonesia. Như vậy, nền kinh tế châu Á đang rất nhạy cảm với thay đổi GDP của Mỹ.

Sự phụ thuộc này cũng không lỏng lẻo hơn trong mối quan hệ Âu - Á. Nợ nần tại các quốc gia châu Âu đang kéo theo sự ảm đạm trên thị trường và sự bất ổn của các nước châu Á, từ lĩnh vực chứng khoán, tài chính đến tăng trưởng kinh tế. Trong sự quan ngại rằng châu Âu chẳng có kế hoạch rõ ràng nhằm cứu nguy kinh tế, thì giá trị chứng khoán tất cả các thị trường châu Á đều giảm 2-3%, các ngân hàng cũng như công ty xuất khẩu cũng bị thiệt hại hết sức nặng nề. Giá trị chứng khoán Australia giảm tới gần 4% (khoảng 45 tỷ USD). Chỉ số thị trường chứng khoán Tokyo sụt giảm nhiều nhất kể từ 2 năm qua.

Dường như việc Liên minh châu Âu tỏ ra thiếu đoàn kết hoặc thiếu tầm nhìn đã khiến tình hình vốn đã xấu lại càng xấu hơn, ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại ở châu Á. Trưởng nhóm Kinh tế Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ANZ tại Singapore - Paul Gruenwald cho rằng tình trạng “hoảng hốt” này sẽ còn tiếp diễn cho tới khi châu Âu có được một kế hoạch vững chắc.

Tuy nhiên, trong cơn bão tài chính, hầu hết nhà phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn có khả năng thoát khỏi tình trạng rối loạn hiện nay. Theo số liệu vừa công bố tháng trước, số thặng dư thương mại bị giảm gần 50%, nhưng không phải vì xuất khẩu giảm mà vì nhập khẩu tăng tới 30%. Trên thực tế, xuất khẩu của nước này vẫn tăng tới 25%. Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới nay, gần như mọi yếu tố thúc đẩy kinh tế Trung Quốc đều do mức cung cầu và sức mua nội địa tạo ra. Dựa trên các yếu tố này, mức phát triển trong năm nay của Trung Quốc được dự đoán sẽ là 9%.

Nguồn tin: TGVN

ĐỌC THÊM