Theo chuyên gia G. Sivalingam của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), kinh tế Châu Á không thể tách rời với kinh tế Phương Tây.
Việc thị trường chứng khoán Châu Á mất điểm khi nước Mỹ không tạo thêm việc làm... đã thể hiện phần nào mối liên hệ trên. Hầu hết các chỉ số của thị trường chứng khoán Châu Á đều sụt giảm đáng kể vì Mỹ đã không tạo ra việc làm trong tháng 8/2011 cho thấy trên thực tế Châu Á không thể đứng vững một mình và cũng không tách khỏi kinh tế Phương Tây.
Kinh tế thực ở nhiều nền kinh tế Châu Á phụ thuộc vào việc Mỹ tiêu thụ hàng xuất khẩu đã được sản xuất từ các tập đoàn đa quốc gia (MNC) hoạt động ở Châu Á. Các thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán Châu Á cũng mở cửa cho đầu tư gián tiếp do các quỹ tự bảo hiểm nước ngoài quản lý.
Trong thực tế, “đỉnh và đáy” của Sàn giao dịch chứng khoán Malaysia (Bursa Malaysia) được xác định bởi sự đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Hệ thống ngân hàng Châu Á cũng có quan hệ chặt chẽ với Phương Tây vì có nhiều chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Châu Á và số lượng các ngân hàng Châu Á lập chi nhánh ở Phương Tây để tham gia vào tài chính thương mại ngày càng tăng. Các mối liên kết tài chính này sau đó được nuôi sống bởi các ngân hàng và các thị trường vốn.
Nếu Mỹ không tạo ra việc làm, thì kinh tế phục hồi chậm và đồng nghĩa với thu nhập sẽ không tăng và do đó sức tiêu thụ cũng không tăng. Trong khi đó, hầu hết hàng xuất khẩu của các nước Đông Á được đưa sang Mỹ và Châu Âu. Nếu tiêu thụ ở Mỹ không tăng, nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất từ các nước như Malaysia sẽ giảm.
Người ta thấy rằng nền kinh tế châu Á đang rất nhạy cảm với những thay đổi GDP của Mỹ. Một nghiên cứu của Bank of America Mỹ (BoA)/Merrill Lynch cho thấy nếu GDP của Mỹ giảm 1%, nó sẽ có tác động làm giảm đến 1,7% GDP của Singapore, 0,8% GDP Malaysia, 0,4% GDP Thái Lan, 0,3% GDP của Philippines và Indonesia.
Rõ ràng một nền kinh tế càng phụ thuộc vào thương mại, thì càng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ. Singapore phụ thuộc vào thương mại nhiều hơn so với Indonesia, nên GDP của nước này nhạy cảm hơn với những thay đổi GDP của Mỹ.
Nếu hàng xuất khẩu của Châu Á sụt giảm, điều này sẽ gây ra sự mất giá của các đồng tiền châu Á. Một khi việc cung cấp tiền suy giảm, lãi suất sẽ tăng lên và điều này sẽ khiến cho giá cổ phiếu và trái phiếu sụt giảm.
Nguồn tin: Tamnhin