Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế châu Âu 2013 - Gam màu tối

Sau khi giảm 0,6% vào năm 2012, GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) có thể tiếp tục giảm thêm 0,3% trong năm nay. Thất nghiệp sẽ còn tăng trong năm 2013 và có tới 9 thành viên không thể giảm thâm hụt ngân sách nhà nước xuống dưới ngưỡng 3% như quy định. Đó là bức tranh kinh tế đầy ảm đạm của eurozone mà Ủy ban châu Âu (EC) đã phác họa ra.

Một cuộc biểu tình phản đối tình trạng thất nghiệp tăng cao tại Pháp.

Chỗ nào cũng khó khăn

Báo cáo kinh tế của EC dự báo với tỷ lệ tăng trưởng gần như ở số 0, Pháp không đạt được mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống còn 3% vào cuối năm 2013. Chỉ số tiêu thụ vốn được coi là động lực chính, sẽ chỉ tăng 0,2% trong năm 2013; sức mua của người dân tuột dốc do thất nghiệp và một số các biện pháp tăng thuế... Thâm hụt ngân sách của Pháp xuống còn 3% vào cuối năm 2013 chỉ có thể hoàn thành nếu kinh tế vững mạnh và tăng trưởng GDP tối thiểu phải ở mức 0,8% - 1,2%. Với một tỷ lệ tăng trưởng chỉ là 0,1% như dự báo của EC, bội chi ngân sách của Pháp trong tài khóa 2013 sẽ vào khoảng 3,7%.

Chính phủ Pháp tiếp tục nhận thêm một gáo nước lạnh khi cơ quan môi giới việc làm Pole Emploi thông báo thất nghiệp tăng liên tiếp trong 20 tháng qua. Hiện có 3,2 triệu người đang phải tìm việc làm và 1/4 trong số đó đã mất việc từ một năm nay. Tham vọng đảo ngược tình thế trên thị trường lao động Pháp của Tổng thống Pháp F.Hollande vào cuối 2013 coi như tiêu tan. Theo chuyên gia kinh tế Mathieu Plane, để hoàn thành như tham vọng của Tổng thống Pháp F.Hollande, Paris phải bảo đảm tỷ lệ tăng trưởng tối thiểu là 1,5%.

Tây Ban Nha cũng đang lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Theo EC, thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2013 của Tây Ban Nha sẽ là 6,7% GDP và sẽ tăng lên thành 7,2% vào năm tới. Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy đã thông qua một kế hoạch khắc khổ 150 tỷ EUR trong 3 năm. Theo giới quan sát, những hứa hẹn vực dậy kinh tế, cải thiện tình trạng ngân sách hay đẩy lùi thất nghiệp của Madrid đều sẽ khó thực hiện khi biết rằng GDP của nước này trong năm 2013 giảm 1,4%.

3 năm tăng trưởng ở số âm, GDP Bồ Đào Nha năm 2013 tiếp tục giảm 3,2%. Nội các của Thủ tướng Pedro Coelho đã thương lượng với các nhà tài trợ để dời mục tiêu 3% thâm thủng ngân sách sang năm tới. Theo báo cáo của EC, GDP của 7/17 thành viên eurozone trong 2013 sẽ tiếp tục đi xuống, trong khi GDP đầu tàu kinh tế của eurozone là Đức cũng chỉ tăng 0,5%.

Nan giải

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng báo cáo của EC là bằng chứng rõ nhất về chính sách khắc khổ mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) áp dụng từ hơn 3 năm qua không đem lại kết quả mong muốn. Điều này đặt các nhà lãnh đạo của khối vào tình huống hết sức nan giải. Một mặt, vẫn phải duy trì chính sách khắc khổ để tạo lòng tin với các nhà đầu tư, nhưng mặt khác, sức chịu đựng của người dân trước các chính sách thắt lưng buộc bụng cũng có hạn.

Chính vì vậy, Ủy viên châu Âu đặc trách về chính sách kinh tế và tiền tệ Olli Rehn vừa  tuyên bố trong vấn đề quản lý ngân sách, châu Âu sẽ xem xét từng trường hợp, đồng nghĩa với việc EC có thể cho phép một quốc gia tạm ngưng áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu triệt để hòng dành ưu tiên cho tăng trưởng. Điểm đáng lưu ý tiếp theo, đó là việc giới chức Liên minh châu Âu (EU) đã đề cập đến mức “bội chi ngân sách cơ cấu”, tức là khoản thâm hụt ngân sách trung bình được tính trên một khoảng thời gian nhất định.

Ví dụ như Pháp, nếu căn cứ vào mức thâm hụt ngân sách trong một năm thì tỷ lệ thâm hụt so với GDP của Pháp trong năm 2013 là 3,7%, nhưng nếu tính theo tiêu chuẩn bội chi ngân sách cơ cấu thì tỷ lệ đó rơi xuống còn 1,9%. Tuy nhiên, đây là một công cụ đo lường khá phức tạp nên đến nay các chuyên gia của EU chưa hoàn toàn đồng ý về phương thức tính toán.

Nguồn tin: SGGP

ĐỌC THÊM