Mặc dù khẳng định đă đạt được nhiều thành công trong việc chế ngự "căn bệnh" nợ công nhưng không thể phủ nhận nền kinh tế "lục địa già" vẫn còn quá mong manh trước cơn bão của nền kinh tế thế giới.
Mặc dù khẳng định đă đạt được nhiều thành công trong việc chế ngự "căn bệnh" nợ công của châu Âu, tuy nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Âu diễn ra tại Bỉ vừa qua cũng không thể phủ nhận nền kinh tế "lục địa già" vẫn còn quá mong manh trước cơn bão của nền kinh tế thế giới.
Những tín hiệu lạc quan
Chỉ diễn ra trong hai ngày, tuy nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu lần này chủ để chính mà các chính trị gia châu Âu tập trung thảo luận không phải là việc làm sao để giải cứu Hy Lạp, hay làm cách nào để ngăn chặn được tình hình nợ công cũng đang ngày một xấu đi tại Italia, Tây Ban Nha... mà thay vào đó là việc tìm các giải pháp giúp châu Âu phục hồi nhanh chóng và giảm nạn thất nghiệp.
Phát biểu trước báo giới, ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu tự hào cho biết: "Các biện pháp nhằm ổn định tình hình khu vưc của các nước thành viên Liên minh Châu Âu EU đang mang lại hiệu quả tích cực. Chúng ta có thể thấy rõ là thị trường tài chính đã hồi phục trở lại và lãi suất tại nhiều nước đã giảm mạnh". Thủ tướng Đức Angela Merkel, người phụ nữ đang điều hành nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng không ngại bày tỏ: "Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể đã qua cơn bĩ cực sau khi gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp đã được thông qua".
Theo các chuyên gia, có lẽ từ khi cuộc khủng hoảng nợ công bắt nguồn từ Hy Lạp lan rộng ra khắp châu Âu thì hiện nay chính là lúc châu Âu cảm thấy tự hào nhất về những gì mình đạt được. Đặc biệt với hai "bức tường lửa" EFSF, và ESM châu Âu một lần nữa chứng minh cho tất cả phần còn lại của thế giới một điều: Sẽ không dễ gì đểt có được một khu vực có tính thống nhất và đồng thuận cao như tại châu Âu.
Phía trước vẫn là mây mù
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc EU tập trung vào đề tài tăng trưởng và việc làm tại Hội nghị thượng đỉnh EU lần này không đồng nghĩa với việc vấn đề nợ công đã được khắc phục, mà trái lại sau thời gian dài tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng để giải quyết khủng hoảng nợ công đã làm cho EU có nguy cơ lâm vào suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Nên đây chính là thời điểm để điều chỉnh các chính sách nhằm kích thích nền kinh tế trước khi quá muộn.
Một trở ngại tiếp theo của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong thời điểm này có lẽ cũng không nằm ngoài vấn đề nợ công của Hy Lạp. Gói cứu trợ thứ 2 trị giá 130 tỷ USD của quốc gia này hiện vẫn chưa được thông qua bởi các nước thành viên đều cho rằng nếu Hy Lạp muốn nhận được viện trợ thì phải nhanh chóng xúc tiến các chính sách cắt giảm mạnh chi tiêu. Tuy nhiên, các chính sách siết chặt chi tiêu này lại đang vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Hy Lạp và làm bùng nổ nhiều cuộc biểu tình bạo động trên khắp đường phố thủ đô Athen trong thời gian qua. Và dĩ nhiên chỉ cần một mình "quả bom" Hy Lạp cũng sẽ đủ sức công phá toàn bộ những nỗ lực của các nước thành viên châu Âu. Tình thế khu vực châu Âu do vậy về cơ bản vẫn đang rất mong manh.
Bên cạnh nguy cơ vỡ nợ đến từ trong khối EU, sự ổn định của nền kinh tế châu Âu cũng phụ thuộc rất nhiều vào căng thẳng Iran, Mỹ. Chỉ cần một biến động tương đối trong giá dầu mỏ thế giới cũng có thể làm chao đảo cả châu Âu trong thời khắc khó khăn này.
Việc kênh truyền hình Press TV bằng tiếng Anh của Iran mới đây đưa tin, một vụ nổ đường ống đã xảy ra tại quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Ả rập Xê út đã khiến cho nguồn cung bị gián đoạn, thông tin ngày ngay lập tức đẩy giá dầu nhảy vọt từ 106 USD lên trên 110 USD/thùng là một ví dụ minh chứng cho sự khó khăn của châu Âu trong tham vọng đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo vốn có của mình.
"Giá dầu tăng mạnh do tin đồn từ Ả rập Xê út cho thấy thị trường thực sự lo sợ trước bất kỳ vấn đề gì xảy ra với nguồn cung", nhà phân tích Gene McGillian người Mỹ nhận định.
Không chỉ là những cú sốc về dầu mỏ có thể xảy ra trong ngắn hạn, theo thống kê của các chuyên gia, trong vòng 5 tháng qua, giá dầu đã tăng xấp xỉ 47%, từ mức 74,95 USD/thùng ngày 4/10. Điều đó đang trở thành mối đe doạ sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu.
Mặc cho sự lạc quan của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, tuần qua xếp hạng tín dụng của Hy Lạp cũng bị Tổ chức xếp hạng tín dụng S&P hạ xuống mức "vỡ nợ chọn lọc". Cùng với bước chân của đoàn người biểu tình chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng của các nước châu Âu tại nơi diễn ra Hội nghị, người dân "lục địa già" đang thể hiện một cái nhìn không đồng nhất với các chính trị gia. Và rõ ràng rằng, họ có lý khi nhận thấy nên kinh tế châu Âu vẫn còn quá nhiều việc phải làm.
Nguồn tin: (VEF.VN)