Quy mô của các quỹ cứu trợ tài chính châu Âu chưa đủ lớn
Mặc dù các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí rót thêm 500 tỷ euro từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) và khoảng 200 tỷ euro nữa để hỗ trợ cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ailen, giới phân tích vẫn cho rằng quy mô của các gói cứu trợ vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế của các nền kinh tế đang trong khủng hoảng. Thỏa thuận đạt được mới đây tại Hội nghị mùa thu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và ngân hàng thế giới (WB) tại New York về việc cung cấp thêm 400 tỷ USD cho IMF sẽ vẫn không đủ để giải quyết được tình trạng nợ công hiện nay của EU.
Ngân hàng và các chính phủ đồng loạt mất chỉ số tín nhiệm tín dụng
Các chuyên gia phân tích của tập đoàn Citi Group dự báo Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ailen sẽ tiếp tục bị hạ điểm tín nhiệm tín dụng trong năm nay. Tác động của nó sẽ lan tới cả các cường quốc kinh tế khác khiến chỉ số tín nhiệm của Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ bị hạ trong 2-3 năm tới. Việc 1 hoặc 2 hãng xếp hạng tín dụng hạ điểm của một nền kinh tế sẽ khiến các thể chế tài chính thắt chặt điều kiện cho vay. Điều này sẽ càng làm căng thẳng thị trường tài chính châu Âu vốn đang thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và gia tăng sự lo ngại trong giới đầu tư.
Hãng xếp hạng tín dụng Moody's đã đánh tụt hạng tín dụng của hầu hết các ngân hàng thuộc khu vực đồng tiền chung và thông báo đầu tháng 5 này sẽ cho ra quyết định cuối cùng về xếp hạng tín dụng của hệ thống ngân hàng châu Âu hiện nay. Hệ thống ngân hàng của 13 nước châu Âu đã được Moody's đưa vào tầm ngắm, gồm có: Italia, Tây Ban Nha, Áo, Thụy Điển, Na Uy, Đức, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Anh, Luxembourgm, Bỉ, Hà Lan.
Vòng luẩn quẩn giữa độ tín nhiệm tín dụng và ngân hàng
Ngân hàng trung ương châu Âu có lẽ đã cảm nhận được những tác động tiêu cực của các hoạt động tái cấp vốn ưu đãi kỳ hạn 3 năm cho các ngân hàng. Việc các ngân hàng của Tây Ban Nha và Italia đang nắm giữa số lượng lớn các khoản nợ công đang làm giới đầu tư lo ngại bởi chúng liên quan trực tiếp tới việc xếp hạng tín dụng quốc gia và của cả ngành tài chính.
Giới phân tích đang bắt đầu nghiên cứu mối quan hệ của cái vòng luẩn quẩn này và cho rằng các biện pháp thanh khoản của ECB giống như con dao hai lưỡi. Một mặt nó làm tăng nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ, mặt khác cũng làm tăng rủi ro biến động cho các ngân hàng.
Khủng hoảng kép: kinh tế - chính trị
Trong những tuần cuối tháng 4 vừa qua, châu Âu liên tục đón nhận những tin xấu từ chính trường. Ngay từ đầu tuần cuối của tháng 4, hung tin đã ập tới từ xứ sở hoa tulip khi liên minh cầm quyền Hà Lan tan rã. Dư âm cuộc ra đi của Thủ tướng Mark Rutte của Hà Lan còn chưa kịp qua đi, thì ngày 27/4, Chính phủ Séc và Romani lại phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầy may rủi tại Quốc hội. Kết quả là liên minh cầm quyền Romania buộc phải giải tán sau chưa đầy hai tháng thành lập.
May mắn hơn, Chính phủ của Thủ tướng Czech Petr Necas đã một lần nữa "thoát hiểm" qua khe cửa hẹp.Tuy nhiên, uy tín của Chính phủ bị giảm mạnh khi liên tiếp dính phải nhiều vụ bê bối tham nhũng, mâu thuẫn nội bộ và đặc biệt là các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân.
Còn lúc này, dư luận châu Âu đang hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2 vào ngày 6/5 tới, với nhiều dự đoán ứng cử viên đảng Xã hội Hollande sẽ chiến thắng. Điều này có thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu bởi ông Hollande có ý định "cho đàm phán lại" hiệp ước ngân sách mà lãnh đạo 25 nước thành viên EU đã ký ngày 2/3. Ông Hollande phản đối chính sách của đương kim Tổng thống Sarkozy về cắt giảm chi tiêu chính phủ, giảm nợ và không tin rằng các biện pháp khắc khổ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Âu.
Như vậy là những khó khăn về kinh tế đang chuyển thành khủng hoảng chính trị khi chính phủ ở hàng loạt quốc gia châu Âu liên tiếp bị quật ngã. Nếu tính cả Romania, đến nay, đã có 11 chính phủ ở Châu Âu phải ra đi. Một cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và chính trị đang đe dọa châu Âu và sẽ càng khiến tương lai của EU và số phận đồng euro thêm khó đoán.
Xung đột giữa Đức và ECB
Khi đề cập tới vấn đề lạm phát trong một cuộc họp báo mới đây, Giám đốc ngân hàng Đức Bundesbank Jens Weidmann đã công khai phản đối chính sách sách tiền tệ mở rộng của ECB. Ông cho rằng việc ECB bơm lượng tiền quá lớn vào thị trường đã khiến gia tăng tốc độ lạm phát trong khu vực.
Tới nay, ECB đã bơm hơn 1,3 nghìn tỷ USD mua trái phiếu chính phủ của các nuớc trong khu vực nhằm kiềm chế tăng chi phí lãi vay. Mặt khác, khi thị trường trái phiếu chính phủ do chính các định chế trong nước kiểm soát thì mức độ sẵn sàng ứng cứu của lực lượng bên ngoài sẽ ít đi. "Về cơ bản ECB đang gieo hạt giống cho sự tan rã của Eurozone", Stephane Monier, trưởng bộ phận quản lý tài sản cố định và tiền tệ tại Quỹ đầu tư Lombard Odier Investment đánh giá.
Ngân hàng Tây Ban Nha: Mắt xích yếu nhất
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Tây Ban Nha đã đạt kỷ lục mới 8.16% vào tháng 2 vừa qua. Các biện pháp khắc khổ của chính phủ nhằm kiểm soát tình trạng thâm thủng ngân sách chỉ khiến tình trạng nợ xấu của ngân hàng thêm trầm trọng khi số lượng các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng hoàn trả các khoản vay ngày càng ít.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế bắt đầu dự đoán rằng ngân hàng Tây Ban Nha sẽ cần một khoản cứu trợ trong tương lai gần từ chính phủ hoặc các thể chế tài chính của châu Âu hay IMF. Hơn nữa, chính phủ Tây Ban Nha đang phải chịu áp lực lớn từ thị trường khi ngày càng phụ thuộc vào ngân hàng để thanh toán các khoản nợ. Việc sáp nhập 5 ngân hàng của Tây Ban Nha trong tháng 5 này hy vọng sẽ giúp hạn chế được tỷ lệ nợ xấu nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng điều đó vẫn chưa đủ để khôi phục lòng tin vào lĩnh vực tài chính của nuớc này.
Bầu cử tại Hy Lạp
Ngày 6/5 tới, sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lập sau khi Thủ tướng Lucas Papademos chính thức tuyên bố giải tán quốc hội hồi tháng 4. Đây là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên kể từ Hy Lạp rơi vào khủng hoảng nợ công, đánh dấu sự thất bại của các cải cách kinh tế và chính sách khắc khổ không được lòng dân của chính phủ.
Hai đảng Pasok và Dân chủ mới đang được dự đoán là những lực lượng sẽ nắm giữ quyền lực tại Quốc hội lại tỏ ra không có khả năng giải quyết những khó khăn của nền kinh tế nước vốn đã trong tình trạng suy thoái suốt 5 năm qua. Khó khăn từ chính trường Hy Lạp chắc chắn sẽ cản trở không nhỏ những nỗ lực cải cách của EU.
Ailen và cuộc trưng cầu ý dân về Hiệp ước tài chính eurozone
Ailen sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về Hiệp ước tài chính khu vực đồng euro theo đó sẽ cho phép trừng phạt các quốc gia thành viên nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn về nợ công và tỷ lệ thâm hụt ngân sách. Mặc dù kết quả thăm dò dư luận trước đó cho thấy nhiều khả năng cuộc trưng cầu sẽ thành công nhưng việc người Ailen từng hai lần bác bỏ các Hiệp ước châu Âu cũng khiến nhiều người không tin tưởng vào sự thành công này.
Tới nay, có 30% người dân Ailen trả lời đồng ý, 23% nói không và tới 39% chưa quyết định. Trong khi đó, 58% người dân tin rằng Ailen vẫn cần gói cứu trợ.
Nguồn tin: VEF