Các thị trường chứng khoán châu Âu mất điểm hơn 5% và nhiều ngân hàng của châu lục này bị hút vào bão táp do ‘‘thái độ mất tin tưởng ngày càng tăng đối với kế hoạch cứu Hy Lạp’’.
Hàng trăm nghìn người biểu tình ở Rome chống chính sách "thắt lưng buộc bụng"
Nhật báo Pháp Le Figaro viết đối với giới kinh tế tình hình tài chính Hy Lạp là vô phương cứu chữa và nạn nhân đầu tiên của sự mất tin tưởng này là các ngân hàng châu Âu.
Tờ Les Echos nói đến “Ngày Thứ Hai đen tối” trong một bài viết mang tựa đề “Các ngân hàng chao đảo đã thúc đẩy thị trường chứng khoán tuột dốc “. Tờ báo cũng đánh giá là tình hình trên xuất phát từ lo ngại về nợ công các quốc gia yếu nhất của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), trong đó đứng đầu là Hy Lạp có nguy cơ sẽ vỡ nợ nay mai.
Việc các ngân hàng châu Âu tham gia vào kế hoạch cứu Hy Lạp, triển hạn nợ của Athens... là một yếu tố then chốt. Chính vì vậy sự mất tin tưởng đã lây sang các ngân hàng châu Âu. Trong bài xã luận, hai tờ báo Le Figaro và Les Echos nêu bật tình hình rất nguy hiểm hiện nay.
Dưới tựa đề “Ngân hàng: Hiểm họa Hy Lạp”, Le Figaro ghi nhận là đèn báo động đã chuyển sang màu đỏ báo hiệu thảm họa mà vận xui đối với các ngân hàng và thị trường chứng khoán là triệu chứng đáng ngại. Giới ngân hàng sẽ không bao giờ công nhận công khai, nhưng bóng ma mùa thu 2008 đang ám ảnh họ. Lần này không phải do khủng hoảng nhà đất Mỹ, không phải do tín dụng thứ cấp (subprimes” mà do nợ của Hy Lạp.
Theo Le Figaro, tình trạng mất tin tưởng hiện nay bắt nguồn từ hai yếu tố và yếu tố trước tiên là không có sự hợp tác tích cực từ phía Hy Lạp. Hai năm sau khi nhận tiền cứu trợ của châu Âu, Hy Lạp vẫn không có một sự tiến bộ nào, không có một sự thay đổi nào. Guồng máy hành chính vẫn vô tổ chức, Athens vẫn không lập được một danh sách các tập đoàn để tư hữu hoá theo yêu cầu của châu Âu. Hiện tượng gian lận thuế vẫn tràn lan cho nên ngân khố quốc gia... vẫn trống rỗng.
Trong khi đó, các đối tác của Hy Lạp cũng khiến cho người ta mất tin tưởng. Mặc dù đã ký thoả thuận chung, nhưng sau đó Phần Lan lại đòi những điều kiện riêng. Bà Lagarde, lãnh đạo IMF, lại đưa ra một kế hoạch trợ giúp, trước khi khuyên các ngân hàng tìm thêm nguồn vốn để khỏi bị vỡ nợ.
Trong bài xã luận, Les Echos cho rằng tình hình sắp đến hồi nguy kịch ở châu Âu. Nhiều lãnh đạo ngân hàng nói toạc đã đến mức báo động đối với một số cơ sở tài chính và không ít người so sánh tình hình hiện nay với tình hình khủng hoảng năm 2008.
Thế nhưng theo Les Echos, so sánh như vậy là không đúng, vì khủng hoảng hiện nay không những khác với năm 2008 mà nó còn có thể nghiêm trọng hơn. Nó khác ở chỗ khó khăn mà các ngân hàng gặp phải không do hoạt động của chính họ mà do những mối lo ngại kinh tế suy thoái và tác động của suy thoái đối các quốc gia nợ nần chồng chất, mất khả năng thanh toán, trong khi các ngân hàng lại đầy ắp công trái các nước này.
Les Echos cho rằng cần khẩn cấp phê duyệt kế hoạch giúp Hy Lạp ngày 21/07 và đồng thời đưa ra biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng vấn đề ở chỗ là các quốc gia không còn khả năng tài chính ngân sách như năm 2008.
Các nhật báo khác như La Croix và L’Humanité lại chú trọng đến kế hoạch thắt lưng buộc bụng của Pháp đưa ra trước quốc hội ngày 6/9. Trên trang nhất L’Humanité chỉ trích gây gay gắt “những kẻ gây ra khủng hoảng” buộc các hộ gia đình, người làm thuê phải chịu gánh nặng nhất. L’Humanité còn tố cáo các chính sách ở châu Âu làm giảm sức mua, bóp nghẹt tăng trưởng, khiến cho ho khủng hoảng thêm nghiêm trọng.
Về phần mình, La Croix đặt câu hỏi: Làm thế nào để dung hoà được giữa “thắt lưng buộc bụng” và tăng trưởng?
Nguồn tin: Tamnhin