Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Châu Âu tháng 5: Nợ công sẽ đi đến đâu?

Kinh tế Châu Âu tháng 5 được phản ánh qua các vấn đề tăng trưởng hay chống lạm phát, nhưng chủ đề chính và quan trọng nhất vẫn là xử lý khủng khoảng nợ công, cuộc khủng khoảng đã gây cho Châu Âu và Eurozone rất nhiều "phiền toái" và tốn rất nhiều công sức trong suốt 1 năm qua.
 

 

Hình minh họa, nguồn: internet

 


Những cố gắng, những giải pháp mà EU, IMF và ECB đã và đang đưa ra mặc dù có thể làm cho khủng khoảng hạ nhiệt ở một thời điểm nhất định, nhưng tổng thể dư luận vẫn cảm thấy "mong manh", vẫn "chưa thực sự yên tâm" và lo ngại vào một thời điểm nào đó Châu Âu có thể sẽ "sống chung" với nợ công.

Quan sát các quốc gia phát sinh "bão" nợ công nhận thấy Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đều là các quốc gia có qui mô vừa và nhỏ ở Châu Âu. Sức mạnh kinh tế của từng quốc gia nêu trên cũng không có gì nổi bật. Vai trò và ảnh hưởng của 3 quốc gia đối với kinh tế Châu Âu và Eurozone là không lớn...

Tất cả những điều "bình thường" của 3 nước "bỗng dưng" lại nổi tiếng và gây cho Châu Âu, cho Eurozone những điều "bất thường" trong suốt 1 năm qua và được gọi là khủng khoảng hay "bão" nợ công.

Tuy là các quốc gia vừa và nhỏ tại Châu Âu và Eurozone nhưng khi "bão" nợ công xảy ra, qui mô cứu trợ lại không hề nhỏ mà "lớn" hơn suy nghĩ ban đầu của không ít người.

Nếu nói về qui luật phát triển, là một khối kinh tế mới được hình thành thì khủng khoảng xảy ra trong Eurozone là khó tránh khỏi. Nhưng khủng khoảng liên quan đến tài chính - tiền tệ lại là vấn đề "khó" đối với Eurozone hiện nay.

Một trong những đặc điểm khác biệt của  Eurozone với các nền kinh tế lớn khác đó là sử dụng đồng tiền chung Euro nhưng điều hành kinh tế lại theo đường lối của từng quốc gia riêng biệt. Trong khi đó những vấn đề như lạm phát hay tỷ giá... lại không phụ thuộc vào từng quốc gia mà do ECB xử lý. Cái khó của Châu Âu và Eurozone là như vậy.

Ở góc độ khác, đây cũng có thể là thử thách để chứng minh cho thế giới về xu thế nhất thể hoá ở Châu Âu là không thể đảo ngược trong bối cảnh toàn cầu hóa và hình thành các khối và tổ chức kinh tế khu vực diễn ra mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 20.

Ngoài ra khủng khoảng nợ công cũng là "phép thử" cần thiết để từng bước kiểm nghiệm hiệu quả và "sức sống mãnh liệt" của mô hình liên kết kinh tế rất sâu rộng và chưa có tiền lệ trên thế giới hiện nay.

Quay trở lại việc cứu trợ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Quả thật gói cứu trợ cho 3 quốc gia nêu trên không hề nhỏ như nhận định ban đầu. Tổng cộng 275 tỷ Euro đã hoặc sẽ được "xuất kho" nhằm đỡ cho 3 nước khỏi vỡ nợ, trong đó Hy Lạp được nhận 110 tỷ Euro, Ireland nhận 85 tỷ Euro và 80 tỷ được dành cho Bồ Đào Nha.

Tuy nhiên hiệu quả giải cứu lại là câu chuyện đáng bàn nhất, sau 1 năm tình hình nợ công của Hy lạp có vẻ "giậm chân tại chỗ" nếu không nói là xấu hơn.

Không có tín hiệu tích cực ở nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng cho dù 53/110 tỷ  Euro đã được chuyển đến Hy Lạp, cụ thể Hy Lạp đã nợ đến 340 tỷ Euro, nợ công không giảm mà tăng từ 115% lên đến 130% GDP, thâm hụt ngân sách vượt quá 10% GDP...

Điều nguy hiểm hơn cho Châu Âu, cho Eurozone là 110 tỷ Euro dành cho Hy Lạp là chưa đủ, rất có thể gói cứu trợ 2 cho quốc gia này với trị giá tương đương 110 tỷ Euro sẽ "miễn cưỡng" được ban hành.

Sự không hiệu quả trong các giải pháp mà Châu Âu và Eurozone thực thi trong thời gian vừa qua đã được các nhà phân tích nêu ra, đó là đánh giá không đúng bản chất cuộc khủng khoảng, "ngay từ đầu, họ đã chẩn đoán sai vấn đề. Họ không hiểu rõ thực chất căn bệnh là gì nên đã kê đơn thuốc sai", quan điểm của chuyên gia kinh tế Simon Tilford thuộc Trung tâm cải cách Châu Âu.

Trong khi đó Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng đây là "cuộc khủng hoảng đồng Euro". Tuy nhiên "ở Bồ Đào Nha, EU coi đây là một cuộc khủng hoảng về thanh khoản, song trên thực tế, đó là một cuộc khủng hoảng nợ", vẫn quan điểm chuyên gia kinh tế Simon Tilford.

Điều này khẳng định nợ công ở Châu Âu, ở Eurozone là dạng khủng khoảng rất "đặc biệt" và có tính lan tỏa rất nhanh. Trong khi đó "kinh nghiệm" của Châu Âu và Eurozone đối với "loại" khủng khoảng này là chưa tương xứng, do vậy hiệu quả ngăn chặn nợ công không được như dự tính.

Trong việc xử lý khủng khoảng nợ công, phải ghi nhận những cố gắng của EU, ECB và IMF đã có nhiều giải pháp và bước đi cụ thể nhằm hạn chế hậu quả do khủng khoảng gây ra trong phạm vi Eurozone cũng như toàn Châu Âu.

Tuy nhiên với khả năng Hy Lạp rất có thể phải thực hiện cứu trợ lần 2 đã nói lên những nỗ lực của EU, ECB và IMF thực sự chưa đủ và một lần nữa dư luận lại đặt ra câu hỏi điều "tồi tệ" gì sẽ tiếp theo nếu khủng khoảng Hy Lạp phiên bản II xảy ra.

Vấn đề chính của Châu Âu và Eurozone hiện nay là chưa tìm ra "nút thắt" hay "điểm mấu chốt" của khủng khoảng nợ công để dẫn tháo gỡ. Các nhận định, đánh giá trong suốt 1 năm qua có lẽ đúng nhưng chưa đủ, cần có sự đánh giá toàn diện hơn, thực tế hơn và khách quan hơn.

Với những gì đã và đang xảy ra ở Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, Châu Âu và Eurozone đang đứng trước nhiều kịch bản tốt và xấu lẫn lộn.

Nếu năm 2011 không phát sinh thêm "điểm nóng" nào khác và khủng khoảng tại Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha dần hạ nhiệt, tăng trưởng và lạm phát không có biểu hiện xấu hơn... Châu Âu và Eurozone sẽ qua "ngưỡng" trụ hạng và khởi động cho quá trình làm mới trong năm 2012.

Nếu hiệu ứng Đô-mi-nô nợ công được kích hoạt tại nhiều nơi khác và phát triển thành nhiều điểm "nóng", Một Châu Âu "già cỗi", một Eurozone "mong manh" đang và sẽ là tâm điểm của kinh tế thế giới, nhưng không phải là điểm sáng.

Nguồn tin: Tamnhin

ĐỌC THÊM