Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Đông Nam Á: ngã ba đường?

Dòng tiền từ những quốc gia phát triển đang gây áp lực tăng giá đồng tiền tại những khu vực khác trên thế giới. Kết quả là các nhà điều hành chính sách đang thử nhiều phương thức khác nhau để kiểm soát dòng vốn nóng này.

Bài viết trích dẫn nhận định của các nhà phân tích Deyi Tan, Shweta Singh và Chetan Ahya – Giám đốc quản lý và nhà kinh tế học về Châu Á Thái Bình Dương thuộc Morgan Stanley

Khi dòng vốn trở nên quá nóng, các nhà quản lý trở nên bối rối trước các câu hỏi liệu đồng nội tệ tăng giá ở mức nào là hợp lý, mức độ kiểm soát của các chính sách tiền tệ và độ mở của tài khoản vốn? Tại ASEAN, các nhà điều hành chính sách nỗ lực hết sức bằng cách tìm điểm trung hòa. Một mặt, họ kìm hãm đà tăng giá của đồng tiền bằng dự trữ ngoại hối và tung đồng nội tệ ra thị trường. Mặt khác, họ kiểm soát dòng vốn ngày càng gia tăng. Những phương pháp này nhằm duy trì tính toàn diện của chính sách tiền tệ và phòng ngừa việc nguồn vốn quá lớn có thể đẩy lãi suất nội địa xuống mức thấp dẫn tới tăng trưởng tín dụng lớn và áp lực lạm phát.

Tuy nhiên chi phí trực tiếp bắt nguồn từ việc đưa ra các nghiệp vụ thị trường mở cũng như chi phí gián tiếp khi dự trữ ngoại hối bằng đồng tiền của các quốc gia phát triển chứng kiến sự mất giá của các đồng tiền này, là cái giá phải trả cho sự lựa chọn này. Bên cạnh đó, không phải tất cả các dòng tiền đều có thể được kiếm soát, điều đó đồng nghĩa với một chi phí tiềm ẩn do sự rò rỉ vốn gây ra áp lực lạm phát. Những chi phí này sẽ trở nên lớn hơn nhiều nếu biện pháp nới lỏng định lượng được FED thông qua.

Trong khu vực Đông Nam Á, có lẽ quốc gia phải đối mặt với thách thức này nhiều nhất là Indonesia, theo sau đó là Thái Lan. Malaysia và Singapore chịu áp lực yếu hơn.

Thái Lan là nước có tài khoản vốn lớn nhất, 4,8% GDP. Trong khi đó, tài khoản vốn của Indonesia và Singapore dừng ở mức 1,8% và 1,6% GDP. Riêng Malaysia có tài khoản vốn ở mức -6,2% GDP. Kể từ tháng 4/2009, đồng tiền của Indonesia so với USD đứng ở mức tăng mạnh nhất, tiếp sau đó là ringgit của Malaysia, SGD và baht Thái. Ngoài ra, khi đo lường chi phí sử dụng các công cụ chính sách tại các quốc gia này, Morgan Stanley dựa trên hai chỉ tiêu lợi nhuận từ dự trữ ngoại hối và lợi nhuận so với chi phí sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở nhằm kiểm soát dòng thanh khoản từ dự trữ ngoại hối, và thấy rằng chi phí này ở Indonesia là lớn nhất.

Khi áp lực từ dòng vốn nòng ngày càng gia tăng, các nhà quản lý phải ra quyết định lựa chọn ưu tiên mục tiêu nào cho định hướng kinh tế quốc gia, tất yếu phải hi sinh một lợi ích cho những lợi ích khác:

1. Kiểm soát tài khoản vốn

2. Cho phép đồng tiền tăng giá mạnh hơn

3. Tăng dự trữ ngoại hối và kiểm soát lãi suất – có thể dẫn tới lạm phát

Nhằm kiểm soát dòng vốn, các nhà điều hành chính sách của Indonesia đã thực hiện một số biện pháp tác động dòng vốn ngoại nhằm giảm thiểu khả năng tổn thương tiền tệ của nước này. Ngân hàng Trung ương Indonesia thông báo tỷ lệ dữ trữ bắt buộc tối thiểu sẽ tăng từ mức 5% lên 8% kể từ tháng 11/2010 nhằm giúp rút bớt dòng vốn nóng khỏi hệ thống.

Trong khi đó, một vài năm gần đây, tại Thái Lan, các nhà quản lý đã thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch vốn ra nước ngoài như tăng hạn mức của tiền gửi bằng ngoại tệ, nới rộng phạm vi đầu tư và cho vay ra nước ngoài cũng như mua sắm tài sản ở nước ngoài. Mới đây, nội các Thái Lan cũng chấp thuận thu hồi sắc lệnh miễn thuế thu nhập cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trái phiếu chính phủ và áp mức thuế 15% đối với các khoản lợi nhuận thu được từ đầu tư trái phiếu.

Nguồn: Stox

ĐỌC THÊM