Nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro đang phải đối mặt với một sự thật không mấy dễ chịu: sự tăng trưởng gần như bằng không trong quý II năm nay. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chung châu Âu.
CHLB Đức bước vào năm 2011 với nhiều thuận lợi: trong quý I GDP tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức của năm tiền khủng hoảng 2008. Nhưng sau đó đà tăng trưởng chậm lại. Theo số liệu ban đầu của Cơ quan Thống kê liên bang, mức tăng GDP trong quý II chỉ là 0,1%. Đây là chỉ số thấp nhất kể từ đầu năm 2009, khi cơn khủng hoảng kinh tế quốc tế đạt đỉnh.
Các nhà phân tích… tính nhầm
Phần lớn các nhà phân tích kinh tế Đức từng dự đoán mức tăng GDP trong quý II sẽ là 0,5%. Cơ quan Thống kê liên bang cho rằng một trong những nguyên nhân chính của sự tăng trưởng ì ạch là do nhập khẩu vượt xuất khẩu.
Nước Đức vốn định hướng vào xuất khẩu đã không thể lặng yên quan sát các vấn đề kinh tế của Mỹ hoặc là của Pháp (GDP nước này hoàn toàn ngừng tăng trưởng trong quý II). Ông Christoph Schmidt, thành viên Hội đồng Chuyên viên kinh tế của Chính phủ Đức, nhận xét: “Các nước có nền kinh tế đang phát triển hiện chưa thể lấp lỗ thủng do sự trì trệ (của các nền kinh tế đã phát triển) tạo ra”.
Nguyên nhân nữa là do người tiêu dùng giảm chi tiêu bởi nạn lạm phát tăng cao và tình trạng đầu tư quá nhiều vốn vào ngành xây dựng. Chỉ riêng trong tháng 4/2011 lạm phát lên tới 2,4%, mức cao nhất tính từ tháng 10/2008. Ngay cả yếu tố tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ khi nước Đức thống nhất đến nay cũng không thể chặn được đà suy giảm nhu cầu chi tiêu. Trong bối cảnh nhu cầu nội địa kém cỏi thì nhu cầu nhập hàng Đức từ các đối tác nước ngoài lại tăng và khoản tiền đầu tư vào ngành chế tạo máy của nước này cũng được nâng lên.
Kết thúc thời tăng vũ bão
GDP của Đức giảm đà tăng trưởng cũng có cả những nguyên nhân bên ngoài. Ông Carsten Brzeski, chuyên viên kinh tế của ngân hàng ING, không thấy lý do để hoảng loạn cho dù về mặt thống kê thì nền kinh tế Đức chỉ còn một bước nữa là sa vào trì trệ. Ông nói: “Sau những chỉ số tăng chóng mặt của quý I và tính đến những yếu tố bên ngoài bất lợi như động đất ở Nhật Bản, giá dầu mỏ tăng, tình hình kinh tế của Mỹ xấu đi thì tôi nhận thức các số liệu hiện nay như sự trở lại bối cảnh bình thường chứ không phải cái cớ để thất vọng”.
Ông Andreas Rees, chuyên viên kinh tế của ngân hàng Unicredit, cho rằng trong những tháng tới GDP sẽ không tăng nhanh vì các chỉ số kinh tế cao “đã ở lại cùng với năm ngoái”.
Các dự báo về mức tăng trưởng kinh tế của Đức năm 2012 đã bị điều chỉnh. Viện Kinh tế Đức (IW) tại Cologne trong tuần này đã giảm dự báo mức tăng GDP từ 3,5% xuống còn 2,25%.
Đức ở chót đuôi khu vực đồng euro
Trong tương lai gần Đức – nền kinh tế hàng đầu của châu Âu, tỏ ra khiêm tốn hơn đa phần các nước láng giềng. Êxtônia khá nhất với mức tăng GDP 1,8%, Phần Lan – 1,2% và Áo – 1%. Theo đánh giá của các nhà phân tích, mức tăng yếu ớt xét về toàn cục này sẽ làm xấu đi vấn đề nợ công tại các nước thuộc khu vực đồng euro.
Nếu ta xem bức tranh GDP của các nền kinh tế phát triển trên thế giới trong 3 tháng gần đây thì thấy rằng cụm từ “khủng hoảng kinh tế” vẫn chưa mất hết ý nghĩa cho dù lúc này mà nói đến từ “suy thoái” vẫn còn quá sớm. Mức tăng GDP của Mỹ trong quý II là 0,3%, Nhật Bản suy giảm 0,3%.
Nguồn tin: Deutsche Welle