Mây đen che phủ bầu trời Bồ Đào Nha
Hội đồng EU cho biết mức dự báo có tăng hơn đôi chút là dựa trên hai nguyên nhân cơ bản.
Một là, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hai năm tới nhìn chung được các nhà kinh tế thế giới dự báo lạc quan hơn, nhất là nhu cầu của các thực thể kinh tế mới trỗi dậy trên thị trường tăng lên, từ đó xuất khẩu của EU sang thị trường này có cơ may tăng trưởng nhiều hơn.
Hai là niềm tin của các nhà doanh nghiệp và đầu tư đối với kinh tế EU có tăng lên, nhất là trao đổi buôn bán trong nội khối có triển vọng sáng sủa hơn, các nước thành viên đang tiến hành điều chỉnh kết cấu có lợi cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, Hội đồng EU cũng cho biết mức tăng trưởng của các nước thành viên không đồng đều, trong đó một số thành viên nòng cốt có mức tăng trưởng cao hơn như GDP của Đức năm 2011 và 2012 tăng lần lượt 2,2% và 2%, GDP của Anh năm 2011 và 2012 tăng lần lượt 2,2% và 2,5%, GDP của Pháp năm 2011 và 2012 lần lượt đạt 1,6% và 1,8%, GDP của Italia năm 2011 và 2012 lần lượt đạt 1,1% và 1,4%, GDP của Tây Ban Nha năm 2011 và 2012 lần lượt đạt 0,7% và 1,7%.
Mức tăng này vẫn không đủ lôi kéo các nước khác thoát khỏi khủng hoảng nợ nần. GDP của Bồ Đào Nha năm 2011 và 2012 vẫn lần lượt tăng trưởng âm là -2,2% và -1,8%, cao hơn mức dự báo mùa thu năm 2010 là -1% và -0,8%, trong khi tỉ lệ thất nghiệp cao ở mức 12,3%. GDP của Hy Lạp năm 2011 tăng trưởng âm tới -3,5%.
Hội đồng EU cho biết nhìn chung kinh tế EU vẫn bao trùm sắc xám ít sắc hồng, nhất là tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao. Tỉ lệ thất nghiệp chung của cả khối vẫn ở mức cao tới 9% trong năm 2011. Tỉ lệ thất nghiệp một số nước vẫn khá cao trong năm 2011 và 2012 như Hà Lan, Áo từ 4% - 5%, Tây Ban Nha và các nước vùng Baltic tới 20%.
Tình trạng lạm phát cao vẫn chưa được kiềm chế có hiệu quả. Giá năng lượng, lương thực thực phẩm tăng vọt như ở Anh tới 5,2%. Đây là sức ép lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong hai năm 2011 và 2012. Năm 2011 tỉ lệ lạm phát của EU và các nước Khu vực đồng EUR từ 2,5% tới 3%, trong đó nước Anh tháng 4/2011 tới 4,5% cao hơn mức 4% của tháng 3/2011. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2008 tới nay. Lạm phát ở Đức tới 2,4%, mức cao nhất từ trước tới nay. Dự báo năm 2012 có thể giảm xuống nhưng vẫn ở mức từ 2% tới 1,75%. Lạm phát khiến Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) phải tiếp tục tăng lãi suất.
Thâm hụt ngân sách, tình trạng nợ công cao vẫn là những yếu tố đáng lo ngại. Hiện nay nợ công của các nước EU chưa có dấu hiệu giảm xuống, dự báo năm 2012 vẫn chiếm tới 83% GDP, tuy nhiên thâm hụt ngân sách có giảm đối chút do chính sách thắt chặt tài chính, chi tiêu, thực hiện khắc khổ, thắt lưng buộc bụng của chính phủ các nước, nhưng dự báo năm 2011 vẫn ở mức 4,75% và năm 2012 là 3,75% GDP.
Báo cáo của Hội đồng EU cho rằng tình hình phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn chậm chạp, thị trường tiền tệ quốc tế vẫn chứa đựng nhiều rủi ro, thị trường chứng khoán của nhiều nước vẫn đáng lo ngại và vẫn chưa thể loại trừ khả năng xảy ra những tác động mang tính phá hoại, trong khi đó thị trường ngoại tệ vẫn chao đảo. Những nhân tố này sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới và từ đó dội vào kinh tế EU.
Nguồn tin: Tamnhin