Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế gặp khó, ngân hàng vẫn lãi to

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang vật lộn với khó khăn do giá cả đầu vào tăng cao, lãi suất ngân hàng “ngất ngưởng”, các ngân hàng vẫn tiếp tục đưa ra kế hoạch đạt lợi nhuận năm nay cao hơn năm ngoái.
 
Trong bối cảnh chính sách siết chặt tín dụng, 
các NHTM lớn tiếp tục có lợi thế còn các NHTM nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn

Những con số trong mơ

Kết thúc năm 2010, nhiều ngân hàng vẫn đạt kế hoạch đã đề ra với mức lợi nhuận khổng lồ dù nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều khó khăn. Hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2010 với mức tăng trưởng lợi nhuận khá cao từ 20 - 30% so với năm trước đó, nhất là những NHTM lớn. Chẳng hạn NHTM Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt lợi nhuận trước thuế 2.426 tỉ đồng, tăng 28% so với năm 2009. NHTM Xuất nhập khẩu Việt Nam đạt lợi nhuận trước thuế 2.383 tỉ đồng, tăng 55% so với năm 2009; NHTM Việt Nam Thịnh Vượng (VIB) cũng đạt lợi nhuận trước thuế tăng hơn 72% so với năm 2009 và cao hơn 11,2% kế hoạch 1.057 tỷ đồng đề ra… Con số lợi nhuận và tỉ lệ tăng trưởng này luôn là điều mơ ước cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Theo ước tính, tỉ lệ lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2010 đã giảm khá mạnh, thậm chí ở nhiều doanh nghiệp tỉ lệ này chỉ còn dưới 5%. Thế nhưng tỉ lệ ROE của các NHTM vẫn đứng ở mức cao từ 20-30%. Báo cáo của các NHTM cho thấy lợi nhuận đạt được chủ yếu vẫn đến từ hoạt động truyền thống là cho vay. Kế đến là lợi nhuận từ các hoạt động khác (bao gồm cả kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh vàng). Năm 2010, hoạt động từ đầu tư chứng khoán của các ngân hàng đều bị thua lỗ, tương tự như hoạt động tự doanh của nhiều công ty chứng khoán do thị trường khá ảm đạm. Trong khi đó, dù không thể hiện rõ nhưng nhiều NHTM lớn đã thu được mức lợi nhuận khổng lồ từ việc đầu tư trái phiếu Chính phủ và cho vay lại trên thị trường liên ngân hàng. Ví dụ khi NHNN bơm tiền qua thị trường mở và lãi suất tái cấp vốn chỉ 7% thì một số NHTM lớn nhanh tay thế chấp trái phiếu Chính phủ để vay vốn rồi cho ngân hàng nhỏ vay lại với lãi suất 10%-20%/năm. Đó là chưa kể các nguồn vốn giá rẻ như vay ngoại tệ lãi suất thấp, thanh toán xuất nhập khẩu, tiền thu chi ngân sách, tiền lương... đều được ưu tiên cho các ngân hàng có tên tuổi.

Tiếp tục tăng trưởng tốt

Thừa thắng xông lên, các NHTM tiếp tục đề ra kế hoạch tăng trưởng kinh doanh ấn tượng trong năm 2011 bất chấp tình hình khó khăn của thị trường tài chính tiền tệ. Sacombank đặt kế hoạch năm 2011 đạt lợi nhuận trước thuế 2.700 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2010. Với Eximbank, dù con số cuối cùng đang đợi đại hội cổ đông thông qua nhưng ngân hàng này dự kiến lợi nhuận sẽ tăng 26% so với năm 2011, đạt tối thiểu 3.000 tỉ đồng; NHTM Quân đội vẫn theo định hướng chung là tăng trưởng cho các chỉ tiêu từ 30-40% so với năm 2010 (năm 2010 ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 2.100 tỉ đồng):…

 

Lợi thế của các NHTM cơ bản là do ngành ngân hàng vẫn độc quyền trong việc cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trong điều kiện kinh tế khó khăn chung thì ROE của các NHTM cũng giảm đi so với trước đó, nhưng vẫn khá cao so với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác. “Lợi thế của các NHTM cơ bản là do ngành ngân hàng vẫn độc quyền trong việc cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Thị trường chứng khoán và những nguồn phi chính thức khác hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 3% nguồn vốn cho doanh nghiệp, phần còn lại chủ yếu vẫn từ NHTM. Bất kỳ hoạt động nào nếu là độc quyền thì vẫn chiếm ưu thế và đều có lợi nhuận cao”, TS. Lê Thẩm Dương khẳng định.

 

Hướng lợi từ chính sách

Ở một góc độ khác, ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chương trình Kinh tế Fullbright nhận xét, các NHTM đã được hưởng lợi nhờ vào một số chính sách vĩ mô. Từ đó đẩy gánh nặng trở lại cho nền kinh tế và các doanh nghiệp khác. Đó là qui định trần lãi suất huy động giúp NHTM có điều kiện mua rẻ, bán đắt. Ví dụ hiện nay qui định trần lãi suất huy động ở mức 14%/năm nhưng đầu ra lại thả nổi. Chỉ một số ít khách hàng khi gửi số tiền lớn mới có thể thỏa thuận được với NHTM mức lãi suất cao hơn. Trong khi đó, với việc khan hiếm nguồn vốn, các NHTM cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất cao hơn nhiều, lên đến 19-20%/năm.

Đồng quan điểm trên, TS. Lê Thẩm Dương cũng cho rằng, việc áp dụng biện pháp hành chính cho lãi suất đầu vào nhưng không áp dụng cho đầu ra càng khiến các NHTM có điều kiện nâng cao tỉ suất biên lợi nhuận cho hoạt động tín dụng của mình (chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra). Bên cạnh đó, cơ chế trần tỉ giá USD cũng tạo điều kiện cho các NHTM kiếm được lợi nhuận với mức phí tùy ý quyết định khi doanh nghiệp cần giao dịch. Người bán chỉ được bán với giá qui định nhưng người mua phải chịu thêm phí cho ngân hàng (tương đương ở mức cao như tỉ giá của thị trường tự do). Nói chung mọi phí tổn đều do doanh nghiệp gánh chịu. TS. Lê Thẩm Dương nhấn mạnh: Trong chính sách siết chặt tín dụng với mức tăng trưởng dưới 20% cho năm 2011, các NHTM lớn sẽ tiếp tục có lợi thế còn các NHTM nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt những NHTM đã thu được lợi nhuận lớn với mức dư nợ cho vay bất động sản và chứng khoán khá nhiều trong năm qua sẽ phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2011.

Theo chỉ thị của NHNN, năm nay các NHTM phải khống chế mức tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 20%. Dự kiến tín dụng cả năm của cả hệ thống sẽ tăng khoảng 460.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng không cao đồng nghĩa với việc các NHTM phải siết chặt việc cho vay vốn, nhưng cho vay số lượng ít với giá cao. Do đó lợi nhuận của các NHTM sẽ ít bị ảnh hưởng. Bởi vậy, theo TS. Lê Thẩm Dương, câu chuyện chia sẻ khó khăn của các NHTM với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam đang được đặt ra là đúng. Các cơ quan quản lý nhà nước phải làm thế nào để các chính sách kinh tế vĩ mô phát huy hiệu quả công bằng cho tất cả mọi thành phần trong nền kinh tế, hơn là tạo lợi thế riêng biệt cho ngành ngân hàng. Về phía các ngân hàng, thiết nghĩ họ cũng cần phải sẻ chia khó khăn với các doanh nghiệp. Chỉ khi đó, cả doanh nghiệp và ngân hàng mới cùng phát triển bền vững được.

Kiểm soát tốc độ tăng tín dụng

Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ trong năm 2011, kiểm soát tốc độ tăng tín dụng dưới 20% và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15%-16%; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý. Các tổ chức tín dụng xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp với mục tiêu tốc độ tăng tín dụng dưới 20%. Các tổ chức tín dụng phải thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%. Trường hợp tổ chức tín dụng chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, NHNN áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

Nguồn: DDDN

ĐỌC THÊM