Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng trung ương và Bộ Kinh tế và Dầu mỏ Iran cảnh báo kinh tế Iran đang bị “điêu đứng” bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Hai phần ba nguồn thu của Iran đến từ xuất khẩu dầu thô (Ảnh minh họa: Internet)
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia nói trên chỉ rõ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) và các biện pháp trừng phạt bổ sung hồi tháng 7/2010 của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã và đang tác động mạnh đến các lĩnh vực thương mại, tài chính và dầu mỏ của Iran.
Do nguồn thu dầu mỏ chiếm tới 2/3 nguồn thu quốc gia, Iran hiệnđang phải chịu nhiều áp lực từ việc các công ty, tập đoàn phương Tây phải lựa chọn lợi ích giữa Mỹ và Iran, nên buộc phải rút kế hoạch đầu tư ở Iran. Việc các tập đoàn dầu mỏ Total (Pháp), Shell (Anh và Hà Lan), Statoil (Na Uy) và ENI (Italia), đã đình chỉ mọi hoạt động đầu tư - có thể sắp tới là Inpex (Nhật Bản) - đang khiến cho sản lượng dầu của Iran giảm từ 4,2 triệu thùng/ngày vào giữa năm 2009 xuống còn 3,5 triệu thùng trong mùa hè năm 2010.
Nguồn cung ứng xăng đang là một vấn đề nan giải đối với Iran. Do thiếu đầu tư vào hệ thống lọc dầu, nên mặc dù có trữ lượng dầu mỏ thứ 3 thế giới, Iran vẫn phải nhập khẩu 1/3 lượng nhiên liệu tiêu thụ. Là nhà cung cấp 50% nhiên liệu nhập khẩu của Iran, công ty Tupras có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các hoạt động ở Iran từ cuối tháng 8/2010, sau các công ty Vitol và Glencore (Thụy Sĩ), Reliance (Ấn Độ) và Lukoil (Nga). Iran giờ đây phải dựa vào các nguồn cung cấp nhiên liệu ở Turkmenistan, Trung Quốc, Venezuela và thậm chí là giới buôn lậu ở Iraq. Trong lĩnh vực công nghiệp, các tập đoàn Kia (Hàn Quốc), Thyssen (Đức) từ cuối tháng 9/2010 đã theo gót các tập đoàn Caterpillar, Toyota, Daimler và Hewlett-Packard tạm ngừng các hoạt động sản xuất ở Iran. Cho đến nay, các công ty bảo hiểm lớn như Allianz, Munich Ré hay Lloyds đã từ chối bảo hiểm cho các tàu chở hàng và máy bay cung ứng sản phẩm cho Iran. Trong khi đó, nguồn đầu tư tài chính cho hoạt động ngoại thương của Iran rất hạn hẹp vì tất cả ngân hàng phương Tây tránh mọi tiếp xúc với Iran.
Đánh giá tác động đáng kể của các biện pháp trừng phạt phương Tây lên tới hàng chục tỷ USD, nghiên cứu trên đề nghị Giáo chủ Khamenei – nhà lãnh đạo tối cao ở Iran - đưa ra những biện pháp hà khắc nhằm tránh dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, có thể làm tê liệt đất nước thời gian tới. Trong những đề xuất biện pháp được nêu ra có nhanh chóng chuyển hướng quan hệ hợp tác thương mại sang Trung Quốc, Nga và Ấn Độ; tăng lượng dự trữ lương thực, thực phẩm và nhiên liệu và ưu tiên chuyển sang sử dụng các đồng ngoại tệ khác như đồng NDT, thay vì ngoại tệ dự trữ của ngân hàng trung ương Iran chỉ là đồng USD và euro.
Theo AFP, trong một diễn biến có liên quan đến nguồn thu nhập của Iran, ngày 15/10, Chủ tịch OPEC đồng thời là Bộ trưởng Tài nguyên Ecuador, Pastor-Morris, cho hay các nước thành viên OPEC đã "đồng ý" về việc giữ nguyên hạn ngạch khai thác dầu thô ở mức 24,84 triệu thùng/ngày.
Do giá dầu thô đã tăng gần gấp ba lần so với mức thấp khoảng 30 USD/thùng vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính hồi cuối năm 2008, các nước thành viên OPEC đều đang sản xuất quá hạn ngạch nhằm tăng doanh thu. Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu của OPEC - cho biết nước này hài lòng với việc giá dầu thô đứng ở mức 70-80 USD/thùng, biên độ mà dầu thô đã giao dịch trong hầu hết năm 2009. Tuy nhiên, ba nước thành viên OPEC khác là Algeria, Lybia và Venezuela lại muốn giá dầu thô dao động trong biên độ 90-100 USD/thùng vào thời điểm OPEC đang tìm cách đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ. Trong những tháng gần đây, sự suy yếu của đồng USD đã hỗ trợ rất nhiều cho đà tăng giá dầu thô.
Các nước thành viên OPEC nói rằng mức giá dầu thô hiện nay phản ánh các yếu tố cơ bản về cung-cầu trên thị trường. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/10 ước đoán giá dầu thô sẽ dao động trong biên độ 75-80 USD/thùng.
Nguồn: Les Echos, AFP