Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Mỹ 2010: Phục hồi mong manh

Đầu năm 2010, nhờ gói kích thích và những chính sách nới lỏng tiền tệ được chính quyền Mỹ tung ra cuối năm 2009, nhiều người đã cảm thấy lạc quan khi kinh tế Mỹ đạt mức phục hồi mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng với mức tăng GDP 3,7%.

 

Nhưng sang đến quý II, tốc độ phục hồi đã chậm lại với mức tăng GDP tụt xuống 1,7%. Theo số liệu mới nhất, GDP quý III đã tăng trở lại ở mức 2,5%. Theo các chuyên gia kinh tế Mỹ, mức tăng trưởng này là quá chậm và chưa đủ để khắc phục những khó khăn hiện nay.

Giáo sư Barry Bosworth, Viện Brookings (Mỹ): "Theo đánh giá của tôi, năm 2010, tình hình kinh tế Mỹ có thể nói là khá xấu. Sự phục hồi kinh tế diễn ra rất chậm chạp. Chúng ta đều nhất trí là tình trạng suy thoái đã qua, không còn ai lo ngại việc rơi trở lại giai đoạn suy thoái nữa. Nhưng thông thường ở Mỹ, nền kinh tế phục hồi rất nhanh sau suy thoái, như vậy thì lẽ ra tại thời điểm này nền kinh tế sẽ phải đang tăng trưởng rất nhanh. Nhưng thay vào đó, nó đã không tăng trưởng đủ nhanh để giảm bớt tình trạng thất nghiệp, mà thực tế lại bị đình trệ, tình trạng thất nghiệp vẫn giữ ở mức cao với tỉ lệ 9,5% lực lượng lao động, cao gấp đôi so với mức thông thường".

Tổng thống Obama đã tung ra hàng loạt các biện pháp chưa từng có trong lịch sử như giữ lãi suất cho vay ở mức thấp gần bằng không, gia hạn chương trình cắt giảm thuế, mua vào các trái phiếu chính phủ... Nhưng kết quả chưa được như mong đợi.

Giáo sư Barry Bosworth: "Vấn đề hiện nay đó là, Chính phủ đã phản ứng như vậy, vẫn chưa phải là đủ, nhưng sẽ không thể làm gì thêm nữa. Tôi muốn nói là hiện thâm hụt ngân sách đã ở mức trên 10% GDP, chúng ta chưa bao giờ có mức thâm hụt ngân sách lớn hơn thế; mức lãi suất cơ bản gần như bằng không, do đó các nhà quản lý cũng sẽ không thể làm gì hơn được. Đó là hai giải pháp chính sách chính mà chính phủ Mỹ thường sử dụng và giờ thì nó đã bị kiệt dụng... trong đó thì cả hai đảng chính trị dành rất nhiều thời gian để đổ lỗi cho nhau và không có nhiều nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết những khó khăn kinh tế ".

Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, hiện có hai vấn đề cấp thiết chính phủ Mỹ cần phải tập trung giải quyết trong ngắn hạn. "Tồn tại cấp thiết nhất hiện nay đó là tình trạng thất nghiệp đang ở mức cao và hệ quả là người dân có thể sẽ tiếp tục bị mất việc làm trong 1 đến vài năm nữa. Đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng và chúng ta phải giảm chỉ số này xuống, ít nhất phải xuống 8%. Một vấn đề trong ngắn hạn khác, đó là thâm hụt ngân sách công lớn. Chúng ta cần phải cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế. Điều này đòi hỏi phải có một sự cải tổ toàn diện".

Mặc dù kinh tế Mỹ năm 2010 phục hồi chậm chạp, mong manh và còn chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn, song cũng đã có những dự báo lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ trong năm 2011.

Giáo sư Garry Clyde Hufbauer, Viện nghiên cứu kinh tế thế giới Peterson: Thực ra thì tôi rất lấy làm lạc quan về kinh tế Mỹ năm 2011 bởi vì: Thứ nhất là lãi suất đang được giữ ở mức cực thấp và FED còn đang có ý định giữ mức lãi suất này trong 10 năm tới thông qua chính sách được gọi là nới lỏng định lượng tiền tệ. Đó là một loại hình kích thích kinh tế có kiểm soát chưa từng được áp dụng trong lịch sử kinh tế Mỹ và tôi nghĩ rằng, nó sẽ có hiệu quả.

Thứ 2 là các tập đoàn lớn của Mỹ đang giữ một lượng tiền mặt rất lớn, vào khoảng 2 nghìn tỷ USD. Tất cả những gì họ cần hiện giờ là có thêm một chút lạc quan, khi đó họ sẽ đầu tư nhiều hơn... Tôi cho rằng điều này sẽ xảy ra trong năm 2011.

Thứ ba đó là người tiêu dùng dường như đã cảm thấy tình hình có chút tốt lên. Nếu nhìn vào chỉ số lòng tin của người tiêu dùng chúng ta thấy là nó đã tăng dần lên... Tất cả những yếu tố đó khiến người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn. Tổng hợp các yếu tố đó lại, tôi dự báo rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 3,5% đến 4% trong năm tới.

Mặc dù có không ít dự báo lạc quan như thế, song vẫn khó nói trước về đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ... Chính Tổng thống Obama đã từng phải thừa nhận, nền kinh tế nước này vẫn còn phải đi một chặng đường dài nữa trước khi phục hồi mạnh hơn, cân bằng hơn và bền vững hơn.

Nguồn: VTV

ĐỌC THÊM