Trong bối cảnh một năm sau khi chạm đáy, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng phập phù, tỷ lệ thất nghiệp ở mức quá cao và sản xuất có nguy cơ bị đình trệ trong những tháng tới...
Trong bối cảnh một năm sau khi chạm đáy, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng phập phù, tỷ lệ thất nghiệp ở mức quá cao và sản xuất có nguy cơ bị đình trệ trong những tháng tới, Hạ viện Mỹ mới đây đã bất ngờ gián đoạn kỳ nghỉ hè để các nghị sỹ trở lại Thủ đô Washington trong một ngày biểu quyết đạo luật trị giá 26 tỷ USD nhằm cấp cứu các tiểu bang.
Các chuyên gia đều thừa nhận kinh tế Mỹ vẫn chưa thể thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng vì chính sách kích thích tài chính của chính phủ đã không mang lại kết quả mong muốn, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng, sức mua của người dân giảm, các ngân hàng không cho vay tín dụng. Theo chuyên gia kinh tế Grigori Beglaryan, nền kinh tế Mỹ đang bị dồn nén, và sức mua, động cơ chính của tăng trưởng kinh tế, đã "giậm chân tại chỗ". Ngoài ra, món nợ khổng lồ và những cam kết tài chính của Mỹ có thể làm thâm hụt ngân sách quốc gia lên tới 14% GDP.
Mỹ hiện đang là con nợ khổng lồ của Trung Quốc
Kinh tế Mỹ bị suy trầm từ cuối năm 2007, bị khủng hoảng tài chính năm 2008, nên sản xuất sụt giảm mạnh tới giữa năm 2009. Tới cuối năm nay, sản xuất sẽ sa sút hơn và có khả năng kinh tế chạm đáy lần thứ hai, với tăng trưởng của quý II/2010 chỉ đạt 2,4% so với ước tính trước đó là 3,7%. Để cứu nguy nền kinh tế, Chính phủ Mỹ cần phải giảm khoản chi từ ngân sách hoặc tăng gấp đôi mức thuế. Song, giới chuyên gia cảnh báo rằng những biện pháp này sẽ đánh mạnh vào chỉ số uy tín của Tổng thống Barack Obama. Do tình hình đáng lo ngại trên, Ủy ban Tiền tệ (FOMC) của FED mới đây quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0%, đồng thời còn "bơm" thêm tiền qua việc mua lại các khoản nợ - một biện pháp khá hãn hữu nhưng báo hiệu FED sẽ còn khả năng can thiệp mạnh như vậy.
Theo giới phân tích kinh tế tài chính, kết quả của biện pháp này sẽ làm cho tiền rẻ hơn vì khi lãi suất bằng không, việc tung tiền mua trái phiếu khiến phần lời giảm và trị giá trái phiếu tăng. Nhưng hậu quả là do tiền quá rẻ, gây nguy cơ lạm phát hay bong bóng đầu cơ, và gây ra hiện tượng gọi là "cái bẫy thanh khoản"- đó là lãi suất hạ quá thấp, người dân giữ tiền mặt, không gửi ngân hàng hoặc mua cổ phiếu, do vậy vô hiệu hóa các biện pháp tiền tệ. FED đã cân nhắc rủi ro này khi quyết định "bơm" tiền vì tình hình trước mắt xem ra tiềm ẩn đầy nguy kịch bất ngờ.
Giới phân tích cho rằng nguyên nhân khiến hai kế hoạch kích thích kinh tế của Mỹ trong vòng một năm trị giá hàng nghìn tỷ USD không phát huy được tác dụng như mong muốn, thậm chí còn khiến kinh tế Mỹ có nguy cơ chạm đáy lần nữa, là do: Giới chính trị dự đoán sai mức sụt giảm việc làm quá mạnh; Kế hoạch kích thích của ông Obama tập trung vào cải cách xã hội nhiều hơn là tạo ra việc làm; Kế hoạch tăng cường kiểm soát sau khủng hoảng tài chính làm nản chí giới đầu tư; Đạo luật cải tổ y tế khiến các doanh nghiệp sẽ lãnh thêm nhiều chi phí y tế cho nhân viên nên càng ngần ngại đầu tư và tuyển dụng nhân viên; Vì kích thích kinh tế mà Quốc hội Mỹ gây bội chi quá cao và đi vay quá nhiều, khiến dân Mỹ lo ngại về tương lai khi sẽ phải trả nợ; Ai cũng nghĩ đến viễn cảnh sẽ phải trả thuế cao hơn kể từ năm tới nên chờ đợi nghe ngóng…
Trong bối cảnh như vậy, người Mỹ chỉ có thể hy vọng vào dự đoán lạc quan của giới chuyên gia tài chính. Tuy nhiên, nhà phân tích nổi tiếng Nuriel Rubini, người đã từng dự đoán về cuộc khủng hoảng năm 2008, tin chắc rằng, từ nay đến năm 2013, nền kinh tế Mỹ sẽ không có những thay đổi tích cực.
Nguồn: phapluatxahoi