Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Mỹ: Càng gỡ càng rối

Ngày 14/12, trong tuyên bố sau cuộc họp Ủy ban thị trường mở (FOMC), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khẳng định: "Để đẩy mạnh đà phục hồi kinh tế và đảm bảo lạm phát đứng ở các mức hợp lý, FOMC quyết định gia tăng lượng chứng khoán nắm giữ như đã công bố trong tháng 11".

Như vậy, gói nới lỏng định lượng trị giá 600 tỷ USD sẽ tiếp tục được duy trì, ngoài ra, lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục được duy trì ở mức 0-0,25% trong một thời gian nữa do kinh tế Mỹ phục hồi chưa đủ mạnh để cải thiện tình trạng thất nghiệp tăng cao. Mặc dù Chủ tịch FED Ben Bernanke tỏ ra tin tưởng vào các biện pháp giải cứu kinh tế, tuy nhiên ngày càng xuất hiện nhiều chỉ trích quanh quyết định gây tranh cãi bơm thêm 600 tỷ USD ra thị trường vừa qua. Ông Ron Paul, lãnh đạo cơ quan giám sát FED tại Hạ viện cảnh báo: "Chúng ta đang tiến gần hơn tới cuộc khủng hoảng tiền tệ, nếu xảy ra nó sẽ tác động đến tất cả mọi người vì USD là đồng tiền quan trọng". Điều mà Ron Paul và nhiều chuyên gia lo ngại là bơm tiền vào thị trường sẽ khiến áp lực lạm phát tăng cao khiến các nhà điều hành gặp khó khăn trong ban hành các chính sách kinh tế.

Động thái này của FED đã đẩy lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 0,22% lên 3,49% và gây sức ép lên cổ phiếu tài chính khiến chốt phiên 14/12, cổ phiếu tài chính sụt giảm mạnh. Đối với thị trường vàng, các chuyên gia nhận định việc FED tăng cường mua trái phiếu và vấn đề nợ công tại Châu Âu có khả năng diễn biến theo chiều hướng xấu sẽ khiến mọi người đổ xô đi mua vàng đẩy giá vàng tăng mạnh. Chuyên gia phân tích Julien Garran của Ngân hàng UBS nhận định, vàng có thể lên 1.550 USD/ounce trong năm tới. Quyết định của FED cũng khiến đồng USD sụt giảm so với 11/16 tiền tệ giao dịch chính mặc dù doanh số bán lẻ tháng 11 tăng 0,8%, cao hơn mức dự báo 0,6% được đưa ra trước đó.

Ngoài quyết định của FED, một vấn đề gây chia rẽ chính trường Mỹ là việc duy trì chương trình cắt giảm thuế cho mọi đối tượng thêm 2 năm. Ngày 13/12, mặc dù vấp phải sự phản đối của một số nghị sĩ Đảng Dân chủ, thoả thuận khung về thuế giữa Tổng thống Barack Obama và Đảng Cộng hoà đã nhận được 60/100 phiếu để chuyển thành dự luật thuế cho Hạ viện thông qua. Tuy nhiên, tuần trước một nhóm hạ nghị sỹ Dân chủ đã thông qua một nghị quyết bác bỏ các nội dung trong thoả thuận khung về thuế và nêu rõ văn kiện này sẽ không được thông qua trong năm nay nếu không có những thay đổi cơ bản.

Trước đó, theo tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's, việc thông qua 2 dự luật này sẽ "ảnh hưởng xấu đến thâm hụt ngân sách liên bang và mức độ nợ nần của Chính phủ". Theo đó, tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ có thể lên tới 72-73% do tổng chi phí của gia hạn cắt giảm thuế cho mọi đối tượng, trợ cấp thất nghiệp và các biện pháp kích thích kinh tế khác có thể lên tới 700 - 900 tỷ USD. Nếu để mất hạng tín dụng Aaa, trái phiếu kho bạc Mỹ - một trong những kênh đầu tư được đánh giá là an toàn nhất thế giới sẽ mất đi tính hấp dẫn và bị "ế", có thể gây thất thu hàng nghìn tỷ USD.

Cuối tuần trước, hệ thống tài chính Mỹ lại rơi vào tình trạng báo động khi 2 ngân hàng buộc phải đóng cửa do làm ăn thua lỗ kéo dài, nâng tổng số ngân hàng Mỹ bị phá sản từ đầu năm đến nay lên con số 151. Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) thông báo số ngân hàng "có vấn đề" trong quý 3 là 860, tăng 31 ngân hàng so với quý trước đó và là con số cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 1992. FDIC cũng dự đoán số ngân hàng bị phá sản trong năm nay sẽ cao hơn cuộc khủng hoảng năm 1992 khiến cơ quan này sẽ phải chi khoảng 22 tỷ USD tiền bảo hiểm.
Tất cả những vấn đề trên khiến chính quyền Tổng thống Obama lâm vào tình trạng càng gỡ càng rối do tác động qua lại lẫn nhau của các hoạt động trong nền kinh tế vĩ mô. Việc tìm kiếm và ban hành các biện pháp hợp lý nhằm phục hồi nền kinh tế là yêu cầu bức thiết được đặt ra lúc này đối với các nhà điều hành kinh tế Mỹ.

Nguồn: KTĐT

ĐỌC THÊM