Kinh tế Mỹ trong năm 2011 có nhiều dấu hiệu khả quan, bất chấp giá dầu mỏ leo thang và sự cố hạt nhân tại Nhật Bản.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2011 sẽ vào khoảng 3%, thậm chí còn cao hơn nữa. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển vì cho đến nay, Mỹ vẫn là nước tiêu thụ lớn và đóng góp tới gần 60% vào tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Với GDP 15.000 tỷ USD và chi tiêu tiêu dùng chiếm đến 70%, một khi kinh tế Mỹ được cải thiện thì hầu như tất cả các khó khăn ngắn hạn sẽ dễ được giải quyết hơn. Tuy nhiên, hệ thống tài chính mong manh, luôn tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ… khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ.
Điểm sáng trong lĩnh vực chế tạo
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, khu vực chế tạo của Mỹ phát triển mạnh hơn so với các ngành khác trong nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng trong khu vực này đã vượt các khu vực khác và khu vực này chiếm hơn 11% sản lượng kinh tế Mỹ. Tháng 2/2011, khu vực chế tạo của Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 7 năm qua. Đây là tháng thứ 19 liên tiếp khu vực chế tạo của Mỹ tăng trưởng.
Các công ty sẵn sàng tuyển dụng lao động. Trong tháng 2, các nhà máy ở Mỹ đã tuyển dụng thêm 33.000 lao động so với tháng 1/2011. Năm 2010, số lao động trong ngành chế tạo tăng thêm 189.000 người (tăng1,6%), mức tăng mạnh nhất kể từ cuối những năm 1990.
Mỹ vẫn là nền kinh tế chế tạo lớn nhất thế giới với giá trị sản lượng đạt 1.600 tỷ USD, chiếm 11% GDP. Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu, lĩnh vực chế tạo của Mỹ trở nên có sức cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, giá năng lượng tăng cao đã và đang gây khó khăn cho kinh tế Mỹ nói chung và lĩnh vực chế tạo nói riêng.
Trong hơn 2 năm qua, giá xăng dầu đã tăng gần 1/3 và giá dầu mỏ lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng, do những lo ngại về tình hình bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi. Các nhà kinh tế ước tính nếu giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ giảm từ 0,2-0,3%.
Tuy nhiên giá dầu tăng như hiện nay khó có thể hủy hoại đà phục hồi kinh tế Mỹ, trừ khi nó tiếp tục tăng cao hơn nữa. Lý do chính là người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ đã rút được bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2008 và đã tập trung hơn vào vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả. Thêm vào đó, kinh tế Mỹ đã ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ so với trước kia. Từ năm 2005 đến nay, tiêu thụ dầu của nước Mỹ đã giảm 5% và tiêu thụ khí đốt tự nhiên tăng 10%. Nguồn cung trong nước dồi dào đã khiến cho giá khí đốt ở Mỹ khá thấp, hỗ trợ tích cực cho các ngành công nghiệp như hoá chất và dược, cũng như giữ giá điện thấp vì phần lớn điện ở Mỹ được sản xuất từ khí đốt.
Nỗ lực ổn định tài chính
Quá trình phục hồi kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn còn chậm chạp. Mặc dù điều kiện tài chính đã được cải thiện đáng kể, nhưng tín dụng ngân hàng vẫn còn thắt chặt trong khi chưa thực hiện được phần lớn các biện pháp cải cách tài chính.
Quản lý thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia, khắc phục tình trạng mất cân đối thương mại và tài khoản vãng lai là những thách thức hết sức gay gắt đối với Mỹ trong thời gian tới.
Tổng nợ công của Mỹ hiện đã vượt quá 14.000 tỷ USD. Nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế Mỹ chính là chu kỳ tín dụng bất ổn định. Chu kỳ này tạo ra tăng trưởng, thậm chí là tăng trưởng cao trong một số năm, nhưng sau đó lại dẫn đến khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho biết mặc dù lãi suất cơ bản đã gần bằng không, nhưng FED cam kết tiếp tục duy trì những công cụ và chiến lược kích thích kinh tế. FED chủ trương tiếp tục thực hiện chương trình mua 600 tỷ USD trái phiếu và áp dụng mức lãi suất ngân hàng cơ bản cực thấp (từ 0-0,25%) trong một thời gian nữa.
FED áp dụng mức lãi suất ngân hàng thấp kỷ lục nói trên từ tháng 12/2008 và đã mua vào 1.700 tỷ USD trái phiếu dài hạn nhằm thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển hơn nữa và giảm nguy cơ thiểu phát. Kinh tế Mỹ đã bắt đầu có những tín hiệu hồi phục vào giữa năm 2010. Bộ Thương mại Mỹ cho biết kinh tế nước này đã tăng trưởng với tốc độ 3,1%/năm trong quý IV/2010. Đây là mức tăng hàng quý cao nhất kể từ đầu năm 2010, nhờ đầu tư doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng được cải thiện.
Nhiều nhà kinh tế tin vào triển vọng tăng trưởng cao của kinh tế Mỹ trong năm nay, khi lòng tin kinh doanh được củng cố và các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư trở lại. Tuy nhiên, một số ít các nhà kinh tế vẫn tỏ ra thận trọng trước những khó khăn mà kinh tế Mỹ đang phải đối mặt như gánh nặng nợ nần và thâm hụt ngân sách cao.
Nguồn: Tamnhin