Gần đây, chính quyền Mỹ liên tục đưa ra những thông tin đáng mừng về nền kinh tế, đặc biệt là báo cáo mới nhất ngày 2/4 về con số việc làm được tạo ra ở nước này. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại tỏ ý nghi ngờ về việc liệu kinh tế Mỹ có thực sự khả quan như giới chức Mỹ nhận định hay không? Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 3/2010, nền kinh tế nước này đã tạo thêm 162,000 việc làm, thấp hơn so với mức dự đoán 19,000 việc làm nhưng đây lại là tốc độ gia tăng nhiều nhất trong vòng 3 năm qua khi các nhà tuyển dụng lĩnh vực tư nhân tăng cường thuê thêm nhân công.
Đặc biệt, đây là lần thứ ba trong vòng 27 tháng qua (sau tháng 11/2009 và tháng 01/2010) số việc làm lĩnh vực dịch vụ gia tăng khi các nhà tuyển dụng thuê thêm 48,000 công nhân tạm thời. Trong khi đó, số việc làm lĩnh vực tư nhân cũng tăng vọt thêm 123,000 việc, mức cao nhất kể từ tháng 5/2007. Như vậy, bình quân mỗi tháng Mỹ tiếp nhận hơn 50.000 việc làm trong quý I của năm 2010.
Một thông tin đáng mừng nữa đến từ Viện quản lý nguồn cung cho thấy, chỉ số sản xuất ở nước này đã tăng từ mức 56,5% trong tháng 2 lên mức 59,6% trong tháng 3. Ngoài ra, các nhà máy Mỹ cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng sản xuất hơn so với trước, tăng 0,2% trong tháng 2 năm 2010.
Bộ trưởng Tài chính Geithner cho biết, kinh tế Mỹ đang dần phục hồi và trở nên mạnh mẽ hơn. “Chúng ta là một đất nước mạnh và đang bình phục tốt sau cuộc khủng hoảng”. “Chúng ta đang bình phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn cả dự đoán – nhanh hơn và mạnh mẽ hơn cả châu Âu và Nhật Bản”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, có được kết quả này không phải hoàn toàn do người Mỹ làm ra, mà họ cần sự “giúp đỡ” từ nhiều nước khác.
Điều này đã phần nào lý giải tại sao Mỹ gây sức ép với các nước lớn nâng giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong nước. Đây không phải là điều mới mẻ trong chính sách của Mỹ. Washington đã làm điều tương tự khi nước này thoát khỏi cuộc suy thoái những năm 1930. Khi đó, Mỹ đã gây sức ép với Anh, Nhật Bản và Australia nâng giá đồng nội tệ lên tới 40%.
Ngoài ra, Mỹ phục hồi kinh tế “nhanh và mạnh” là do các nước khác vẫn còn phải điêu đứng vì tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong khi khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ nần. Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi “thập kỷ suy thoái” trước, nhưng lại có nguy cơ đối mặt với một “thập kỷ suy thoái” nữa do nước này nâng giá đồng nội tệ vào giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Dù có những thông tin lạc quan trên, song Mỹ vẫn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Christina Romer cảnh báo rằng, rõ ràng thị trường lao động Mỹ vẫn là vấn đề nan giải khi mà cả Cục dự trữ liên bang Mỹ và chính quyền Obama đều dự đoán tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn trên 9% trong giai đoạn từ nay cho tới cuối năm.
Kể từ khi kinh tế bắt đầu suy thoái vào tháng 12/2007, nước Mỹ đã bị mất tới 8,4 triệu việc làm. Cho đến nay, 15 triệu người Mỹ vẫn trong tình trạng thất nghiệp.
Mặc dù tình trạng thất nghiệp vẫn chưa thoát khỏi đáy khủng hoảng, song bong bóng bất động sản chỉ chờ cơ hội bùng nổ và làm cho nền kinh tế thêm lao đao.
Trong khi đó, các nhà phân tích thị trường lo ngại rằng sẽ lại xảy ra một làn sóng thế chấp tài sản mới bất chấp việc chính phủ Mỹ vừa công bố kế hoạch ngăn chặn tình trạng này vào cuối tuần trước. Phố Uôn thì cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng nợ thế chấp tại Mỹ có thể sẽ vẫn còn tiếp tục kéo dài.
Người dân Mỹ cũng có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ tương tự như những gì mà người Hy Lạp đang phải trải qua.
Trong tháng 2, Tổng thống Mỹ dự đoán rằng thâm hụt liên bang của nước này có thể lên tới 1,56 nghìn tỷ đôla trong năm tài khoá 2010. Trong đó hơn 10 bang của nước Mỹ, trong đó có bang lớn nhất là California, đang đứng bên bờ vực vỡ nợ.
Ngoài những vấn đề trên, người dân và chính phủ Mỹ cũng không thể chắc chắn rằng liệu các chương trình cải cách tài chính đầy hứa hẹn có thể ngăn chặn được các cuộc khủng hoảng trong tương lai hay không.
Even Paul Volcker, cố vấn cải cách tài chính của tổng thống Mỹ, cũng phải thừa nhận trước Quốc hội rằng, bản thân ông không thể chắc chắn rằng liệu những cải cách của tài chính của chính phủ Mỹ có mang lại hiệu quả gì hay không.
Xinhua