Thời hạn cuối là ngày mai (2/8), các nghị sĩ Mỹ cần phải thống nhất kế hoạch nâng mức trần nợ, cắt giảm chi tiêu nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde
Nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng yếu kém nhất trong nửa đầu năm nay, khi chi tiêu trong nước, chiếm đến 70% hoạt động kinh tế Mỹ, chỉ tăng 0,1% trong quý 2 vừa qua. Đây là chỉ số tiêu dùng trong nước kém nhất của Mỹ trong 2 năm qua, tính từ thời điểm kết thúc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bộ Thương mại thông báo, tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Mỹ hàng năm đạt mức tăng trưởng 1,3% trong quý 2/2011, thấp hơn dự đoán tăng 1,8% của các chuyên gia kinh tế. Trong khi đó, GDP quý 1 đã được điều chỉnh giảm mạnh từ 1,9% xuống 0,4%.
Ông Gus Faucher, Giám đốc bộ phận Kinh tế vĩ mô của Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết: “Rõ ràng, người tiêu dùng Mỹ đang lo lắng về vấn đề giá xăng tăng, khiến họ phải cân nhắc lại các kế hoạch chi tiêu. Bên cạnh đó là những tác động từ bên ngoài, như thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Lượng ô tô bán ra và sản xuất ô tô tại Mỹ đều bị ảnh hưởng do thiếu linh kiện cung cấp từ Nhật Bản”.
Nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ khác cũng dự báo, giá cả tăng cao, thất nghiệp…, sẽ khiến người dân Mỹ thắt chặt chi tiêu nhiều hơn trong thời gian còn lại của năm 2011. Sự giảm tốc kinh tế có thể sẽ làm phức tạp thêm cuộc đàm phán nâng trần nợ tại Quốc hội, đang là bước đi quan trọng để đưa Mỹ tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ. Những tranh cãi chưa đến hồi kết của các nhà lãnh đạo Mỹ đang đe dọa niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Trong khi đó, việc cắt giảm chi tiêu sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái.
IMF lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Mỹ. Đây là phát biểu của Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde đưa trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNN ngày 31/7.
Bà Lagarde bày tỏ lo ngại trước cuộc tranh cãi dường như không có hồi kết của các nghị sĩ Mỹ trong cuộc đàm phán nâng trần nợ công tại Quốc hội. Người đứng đầu IMF cho biết, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và nguy cơ vỡ nợ của nước này là một vấn đề lớn gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.
Với thời hạn cuối là ngày 2/8 tới, các nghị sĩ Mỹ cần phải thống nhất kế hoạch nâng mức trần nợ, cắt giảm chi tiêu nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Tổng nợ công của Mỹ đã chạm đến mức tối đa 14.294 tỷ USD, tương đương gần 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ ngày 16/5 vừa qua và nước Mỹ đang bên bờ vực vỡ nợ./.
Nguồn tin: CCTV&THX