Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Mỹ năm 2012: Khó dự đoán

Năm 2011, Mỹ đã hai, ba lần đứng trước nguy cơ đóng cửa chính phủ, nguy cơ tuyên bố vỡ nợ do không nâng được trần vay nợ, hệ số tín nhiệm của trái phiếu kho bạc…

Dù Mỹ, nền kinh tế được mệnh danh là số 1 thế giới với nhiều chương trình kích thích kinh tế trị giá hàng trăm tỷ USD nhưng vẫn không nằm ngoài cảnh tăng trưởng thấp, tình trạng thất nghiệp cao năm 2011.

Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ phỏng vấn Tiến sỹ Kinh tế Lê Hồng Lam, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ về tình hình kinh tế Mỹ.

 

Tác động lớn nhất của phong trào chiến phố Wall  là gây sức ép chính quyền
phải can thiệp mạnh hơn để giúp người nghèo, người thất nghiệp (ảnh: KT)

** Phóng viên: Thưa Tiến sỹ Lê Hồng Lam. Xin ông đánh giá chung về tình hình kinh tế Mỹ năm 2011?

TS Lê Hồng Lam: Năm 2011, kinh tế Mỹ năm 2011 tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải, có thể nói rằng thấp so với kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, không có đột biến lớn. Mỹ đã hai, ba lần đứng trước nguy cơ đóng cửa chính phủ, nguy cơ tuyên bố vỡ nợ do không nâng được trần vay nợ, hệ số tín nhiệm của trái phiếu kho bạc bị công ty đánh giá chỉ số tín nhiệm S&P đánh tụt một bậc, thiên tai ở Nhật và khủng hoảng nợ châu Âu.

** PV: Thưa ông, đầu năm 2011 các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã không như mong đợi, thấp hơn so với dự báo vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

TS Lê Hồng Lam: Theo tôi có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về mặt chủ quan, kinh tế Mỹ tiếp tục quá trình điều chỉnh sau khủng hoảng tài chính được coi là nghiêm trọng nhất từ thời Đại khủng hoảng (1929- 1933).

Xây dựng là ngành có vai trò thúc đẩy đầu tư rất mạnh và tạo nhiều việc làm nhưng vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn. Đầu tư tư nhân tăng không nhiều do tâm lý chờ đợi nên chưa bù đắp được chỗ trống khi cầu chính phủ giảm do các chương trình kích thích đi vào giai đoạn cuối.

Xuất khẩu có tăng nhưng chưa đủ mạnh để được coi là nguồn tăng trưởng mới, khó khăn chính vẫn là vấn đề thị trường, nước Mỹ chưa mở được các thị trường mới. Ngoài ra, đấu đá chính trị nội bộ cũng có vai trò gây bất ổn trong lòng tin đầu tư và tiêu dùng.

Về khách quan, thiên tai ở Nhật và cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, khu vực này nhập 400 tỷ USD hàng hóa Mỹ hàng năm và nơi trú ngụ của 1.000 tỷ USD đầu tư của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng nắm một khoản tiền vay của châu Âu lên tới hơn 2.700 tỷ, do vậy tôi cho rằng đó là những nguyên nhân làm cho tốc độ kinh tế Mỹ không tăng trưởng cao như mong muốn.

** PV: Thưa ông, trong năm 2011 tại Mỹ đã xảy ra phong trào “Chiếm phố Wall”, nó bắt đầu tại New York và lan mạnh ra tất cả các thành phố lớn của Mỹ, phong trào này đã ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Mỹ?

TS Lê Hồng Lam: Theo đánh giá của cá nhân tôi, đây là phong trào mang nặng tính tự phát, xuất phát từ sự bất bình của người dân trước tình trạng kinh tế kém cải thiện, thất nghiệp cao, tỷ lệ nghèo khổ tăng và nguy cơ phúc lợi xã hội giảm, trong khi đó khu vực tài chính vẫn thu được những khoản lợi nhuận lớn.

Tác động lớn nhất của phong trào này với kinh tế Mỹ là gây sức ép chính quyền phải can thiệp mạnh hơn để giúp người nghèo, người thất nghiệp và không được giảm phúc lợi.

Hiện nay, đây là cuộc đấu tranh ác liệt giữa 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa về vấn đề này. Phong trào này có thể làm xã hội Mỹ thêm phân hóa, từ đó làm chính trị Mỹ tăng chia rẽ và khó đạt được thỏa hiệp xử lý các vấn đề kinh tế cấp bách cũng như lâu dài. Thỏa thuận này sẽ gây ra những đau đớn nhất định trong xã hội Mỹ.

** PV: Vấn đề nổi cộm trong nền kinh tế Mỹ hiện nay là gì và nước Mỹ đã giải quyết vấn đề đó như thế nào, thưa ông?

TS Lê Hồng Lam: Tôi cho rằng có 4 vấn đề trước mắt và lâu dài mà nước Mỹ cần phải giải quyết. Đó là: Tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao. Chương trình kích thích cả bằng tài khóa và tiền tệ giúp được một phần cải thiện tình hình này, nhưng không giải quyết được triệt để, vì khả năng can thiệp của chính phủ có hạn.

Các chương trình phúc lợi như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tìm việc làm liên tục được kéo dài, góp phần giữ ổn định xã hội. Tuy nhiên, với tốc độ tăng hiện nay của lực lượng lao động khoảng 200.000 người/tháng, nước Mỹ cần 7 năm với tăng trưởng liên tục ở mức 4% để kéo mức thất nghiệp xuống bằng mức tự nhiên trước khủng hoảng (5%). Đây là điều rất khó.

Thứ hai, nợ liên bang và thâm hụt ngân sách cao (lần lượt là gần 89% và 9% GDP. Để bền vững, thâm hụt ngân sách cần giảm còn 3% GDP bằng mức tăng trưởng và nợ liên bang còn 50% GDP. Mục tiêu này cần nhiều thời gian, ít nhất là 1 thập kỷ trong điều kiện kinh tế liên tục tăng trưởng. Vừa qua chính quyền chưa làm được nhiều về vấn đề này.

Thứ ba, giá nhà chưa được cải thiện nhiều, tỷ lệ tịch biên nhà còn khá cao. Điều này ảnh hưởng đến đầu tư bất động sản và tăng trưởng ngành xây dựng.

Thứ tư, các chương trình phúc lợi đang ngày càng trở thành thách thức lớn với khả năng thanh toán của chính phủ. Chính quyền Obama đã cố gắng ban hành được Luật Cải cách bảo hiểm y tế, nhưng chưa dám đụng đến cải cách An sinh xã hội là vấn đề rất nhạy cảm trong năm bầu cử.

**PV: Ông nhận định thế nào về sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2012, liệu nó có vượt lên để kéo kinh tế thế giới, hay bị tụt dốc hoặc phải chịu một cú sốc nào trong năm tới hay không?

TS Lê Hồng Lam: Rõ ràng trong tình hình kinh tế bất ổn như hiện nay để có một dự báo chắc chắn về kinh tế Mỹ trong năm 2012 không phải là dễ. Theo tôi, có mấy kịch bản có thể xảy ra: Thứ nhất, kịch bản lạc quan thận trọng: Nếu những yếu tố khách quan mà đã đề cập ở trên không diễn biến theo hướng bất lợi, kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải từ 2 – 2,5%, thất nghiệp sẽ vấn tiếp tục ở mức cao 8-8,5%. Đấu đá chính trị tiếp tục tiếp diễn trong năm bầu cử.

Kịch bản thứ hai mang tính bi quan hơn, người ta nói rằng sẽ xảy ra cuộc suy thoái mới. Kịch bản này có thể xảy ra khi châu Âu không giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ của mình và một vài nước châu Âu phải tuyên bố vỡ nợ sẽ tác động rất mạng đến nền kinh tế Mỹ, ít nhất là về tâm lý và lòng tin. Tôi ít thiên về khả năng kinh tế Mỹ tụt dốc hoặc rơi vào cú sốc nào đó, tuy nhiên cũng không loại trừ bất kỳ một khả năng nào./.

Nguồn tin: VOV

ĐỌC THÊM