Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Mỹ và châu Âu: Trước bờ vực tái khủng hoảng

Niềm vui từ những con số dương trong tăng trưởng hứa hẹn sự khởi sắc của nền kinh tế toàn cầu chưa kéo dài bao lâu đã nhường chỗ cho nỗi lo về nguy cơ một cuộc tái suy thoái trên hành tinh. Những số liệu ảm đạm kèm theo lời cảnh báo về tốc độ hồi phục chậm dần, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu đã đưa thế giới trở lại tâm trạng bất an như khi cơn bão khủng hoảng tài chính cuối năm 2007.

Đúng vào lúc các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới nói về một nền kinh tế Mỹ chưa thoát khỏi những áp lực dai dẳng của cơn suy thoái tồi tệ thì có một thực tế đã buộc người ta phải quan ngại. Đó là tỷ lệ thất nghiệp đã tăng tới mức kỷ lục, lên tới 9,5%, cao nhất trong 26 tháng qua và sự èo uột của thị trường nhà đất Mỹ đang là mối hiểm nguy tiềm tàng sẵn sàng đẩy xứ Cờ hoa vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng mới.

Dòng người xếp hàng chờ xin việc tiếp tục làm lộ diện nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ.

Khu vực kinh tế tư nhân Mỹ đang tiếp tục sa thải thêm nhiều nhân công không chỉ làm khó khăn thêm nỗ lực cải thiện thị trường lao động của Chính phủ Mỹ mà còn phản ánh tình trạng làm ăn thất bát của các doanh nghiệp nước này. Doanh số bán nhà trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua là bằng chứng rõ ràng cho thấy thị trường nhà đất, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Mỹ chưa hề khởi sắc. Quyết định duy trì dài hạn chương trình lãi suất cơ bản siêu thấp, tới 0%, áp dụng chính sách mua lại các khoản nợ thế chấp, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến nhiều người phải quay lại với nhận định tuyên bố nước Mỹ đã thoát khỏi suy thoái chỉ là sự lạc quan sớm. Trên thực tế, những nguy cơ của nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạm được che giấu bởi những con số tăng trưởng nhờ gói kích thích khổng lồ 787 tỷ USD của Nhà Trắng. Cho đến nay, khi tác động của yếu tố này đang yếu dần đã làm lộ rõ những bất cập. Điều này được thể hiện qua những con số khi tăng trưởng quý II của Mỹ giảm còn 2,4%, so với 3,7% của quý trước. Có tới 22 thành phố của Mỹ, chủ yếu tại bờ Đông đang bị đẩy tới mép khủng hoảng là hồi chuông báo động về giới hạn đỏ của kinh tế Mỹ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến đà giảm tốc đáng quan ngại này là chủ trương thắt chặt hầu bao của người dân Mỹ. Tâm lý lo xa cho tương lai tại đất nước được xem là "thiên đường mua sắm" đã khiến tỷ lệ tiết kiệm tiền mặt của các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ duy trì ở mức cao chưa từng có. Con số 837 tỷ USD tiền mặt mà các công ty đang nắm giữ, tăng 26% so với năm ngoái và tỷ lệ tiết kiệm 6,4% của các gia đình Mỹ là một dấu hiệu rất bất bình thường. Người ta bắt đầu ủng hộ giả thuyết sự thăng hoa của nền kinh tế đầu tàu thế giới thời gian qua chỉ là cú tăng trưởng ngắn như một "khoảng lặng" trước xu thế suy giảm mới.

Cắt giảm chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần 3% GDP khiến các công ty đồng loạt cắt giảm việc làm cũng được nhìn nhận là tác nhân lớn đưa châu Âu cùng Mỹ tiến gần bờ vực suy thoái kép. Nhiệm vụ vừa phải thúc đẩy kinh tế, vừa hạn chế kích thích tài chính khi cơn bão khủng hoảng nợ công vẫn để lại di chứng nặng nề đang hãm đà hồi phục tại khu vực có tốc độ tăng trưởng thấp nhất thế giới. Các ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ - thế mạnh tạo đòn bẩy cho đà cất cánh của châu Âu - đã bất ngờ giảm mạnh hơn dự báo của các nhà kinh tế trong tháng 8 vừa qua là bước lùi của giấc mơ tăng trưởng tại châu Âu. Chỉ số lòng tin của các nhà đầu tư vào Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) xuống mức thấp nhất trong 16 tháng và chỉ số sức mua (PMI) giảm xuống mức thấp nhất của nhiều tháng qua phát đi tín hiệu cảnh báo về nhịp hồi phục đang bị co hẹp bởi chính sách kinh tế khắc khổ mà Lục địa già đang phải thực thi.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo nên sự thay đổi trong cấu trúc kinh tế của nhiều quốc gia. Nếu như thói quen tiêu dùng phung phí, bắt nguồn từ lạm phát tài sản nợ được xem đã dẫn thế giới đến "tâm bão" thì việc áp dụng những chính sách kinh tế hà khắc lại đang mang lại nguy cơ giảm phát với độ hiểm nguy không kém. Những chính sách nhằm cứu thế giới khỏi cơn bệnh suy thoái nguy kịch mới chỉ tạo nên sự hưng phấn nhất thời. Những trụ cột kinh tế hàng đầu vẫn đang thiếu một chiến lược tăng trưởng dài hạn hợp lý để có thể vững bước trên con đường hồi phục thực sự, lâu dài và ổn định.

Nguồn: HNM

ĐỌC THÊM