Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại trong những tháng gần đây. Nguyên nhân chủ yếu do gặp khó khăn cả đầu vào (thiếu vốn, lãi suất vay vốn cao, chi phí đẩy tăng) và đầu ra. Ngành xây dựng còn tăng chậm hơn, vì gắn với bất động sản, trong khi vốn vay khó, lãi suất cao, đầu ra lại giảm cả về giao dịch, cả về giá cả. Đây là cảnh báo cần thiết về khả năng GDP cả năm chỉ đạt 5,8%, mà không đạt 6% như dự kiến. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tính từ đầu năm đến 20/11, theo số đăng ký, đạt xấp xỉ 12,7 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó đăng ký mới đạt trên 9,9 tỷ USD, giảm 25,4%, đăng ký bổ sung đạt gần 2,8 tỷ USD, cao gấp rưỡi cùng kỳ. Vốn thực hiện ước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ; khả năng cả năm sẽ vượt mức 11 tỷ USD của năm 2010. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng ước đạt 1.814 nghìn tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì tăng 4,1%. Tốc độ này vừa thấp hơn tốc độ tăng 14,7% của cùng kỳ năm trước, vừa thấp hơn tốc độ tăng 8,6% của 4 tháng đầu năm. Đây là một trong những yếu tố làm cho tăng trưởng GDP năm nay thấp hơn năm trước, đồng thời cũng góp phần làm cho CPI tăng chậm lại trong mấy tháng nay. Khả năng cả năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng chỉ tăng khoảng 4,2%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 14% của năm 2010. Những điểm sáng Xuất khẩu là điểm sáng nhất trong 11 tháng qua và khả năng của cả năm với nhiều điểm vượt trội so với các năm trước. Quy mô xuất khẩu đạt gần 87,2 tỷ USD; ước cả năm có thể đạt 95 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước tới nay. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu 11 tháng tăng 34,7%; ước cả năm tăng 31,6%. Đây là tốc độ tăng thuộc loại cao nhất trong nhiều năm qua. Xuất khẩu tăng ở cả 2 khu vực: kinh tế trong nước tăng 27,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt quy mô cao hơn (gần 49,4 tỷ USD so với 37,8 tỷ USD) và tăng cao hơn (40,7% so với 27,7%). Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu, trong đó có nhiều mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung, như hạt tiêu, sắn và sản phẩm của sắn, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, cà phê, xăng dầu, dầu thô, cao su. Tăng trưởng xuất khẩu đạt chủ yếu do giá tăng, một số mặt hàng tăng về lượng (sắn, sắt thép, xăng dầu, hạt tiêu, gạo, dầu thô, cà phê, cao su…). Mới qua 11 tháng đã có 21 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 3 mặt hàng so với trước. Mới qua 10 tháng đã có 21 thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, nên nhập siêu đã giảm cả về quy mô tuyệt đối (8,9 tỷ USD so với 11,3 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (10,2% so với 17,4%). Ước cả năm nhập siêu khoảng 10 tỷ USD, thấp nhất so với 4 năm trước đó (2007 là 14,2 tỷ USD, 2008 là 18 tỷ USD, 2009 là 12,9 tỷ USD, 2010 là 12,6 tỷ USD). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng ước đạt 5,33 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Ước cả năm có thể vượt qua mốc 5,8 triệu lượt người, vượt xa so với kỷ lục 5,05 triệu lượt người của năm 2010. Lượng ngoại tệ thu được từ dịch vụ du lịch có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD, vượt so với mức kỷ lục 4,45 tỷ USD của năm trước. Thu, chi ngân sách đạt kết quả tích cực. Kết quả tích cực được thể hiện ở nhiều điểm. Tổng thu ngân sách tính đến 15/11 đạt 586,2 nghìn tỷ đồng, bằng 98,5% dự toán năm. Trong 3 khoản thu chủ yếu, thu từ dầu thô đã vượt xa so với dự toán năm (130,3%); thu cân đối từ xuất, nhập khẩu đạt cao thứ hai (95,2%); thu nội địa đạt 94%. Trong thu nội địa thì thuế thu nhập cá nhân cũng đã vượt 13,5% dự toán năm. "Tiến độ" này là tín hiệu khả quan để cả năm có thể vượt tương đối cao trên 12% dự toán năm. Chi ngân sách ước đạt 639,1 nghìn tỷ đồng, bằng 88,1% dự toán năm, trong đó chi trả nợ, viện trợ đạt 100,4% dự toán năm. Do tỷ lệ so với dự toán của tổng thu cao hơn của tổng chi, nên bội chi/dự toán thấp hơn. Đây là tín hiệu khả quan để bội chi/GDP cả năm thấp hơn dự toán và thấp hơn năm trước.
Nguồn tin: KTĐT