Dự thảo chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” cần thay bằng “kinh tế nhà nước giữ vai trò hướng đạo”. Ở đây, cần xem trọng năng suất, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, mà “hướng đạo” được hiểu là san cao, lấp trũng, tạo dòng chảy thông thoát cho nền kinh tế quốc dân.
Nguồn: VNR500
LTS: Góp ý vào Dự thảo chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, nhiều bài viết gửi đến Diễn đàn VNR500 đồng thuận quan điểm: Cần xem xét lại, thậm chí gạch bỏ cụm từ "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo".
Chuyên viên kinh tế Lê Văn Tứ, nguyên Chủ nhiệm bộ môn tài chính Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, nguyên là chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lại cho rằng, chỉ cần thay chữ "chủ đạo" bằng từ "hướng đạo".
VNR500 xin trân trọng giới thiệu bài viết này, mời bạn đọc cùng tranh luận. Mọi ý kiến xin gửi về vnr500@vietnamnet.vn hoặc nhấn vào phần Thảo luận cuối bài.
Chỉ phù hợp với một giai đoạn lịch sử
Trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước giai đoạn 2011-2020, cụm từ “kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo” đã được thay bằng cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Tuy nội hàm kinh tế nhà nước có thể rộng hơn kinh tế quốc doanh, nhưng tinh thần cơ bản vẫn là “chủ đạo”.
Có người đã nêu vấn đề nên tiếp tục hay rút bỏ cụm từ này ra khỏi văn kiện Đảng. Tất nhiên, các tác giả Dự thảo chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 chủ trương tiếp tục giữ, nhưng không thấy giải trình nội dung luận điểm có gì mới hơn và lý do sửa đổi từ ngữ.
Còn những người đề nghị rút bỏ cho rằng, luận điểm này không thích hợp với điều kiện kinh tế thị trường nhiều thành phần, trái với những luận điểm đã được nêu trong nhiều văn kiện Đại hội và Hội nghị Trung ương sau Đại hội VI: các thành phần kinh tế đều là những bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, đều bình đẳng trước pháp luật, cùng hợp tác, cạnh tranh lành mạnh.
Thêm nữa, nếu giữ lại, nó càng củng cố tâm lý dựa dẫm, ỷ lại vào Nhà nước - một trong những nguyên nhân làm cho năng suất và hiệu quả kinh tế nhà nước thấp, lãng phí và thất thoát nhiều.
Ý kiến nêu trên không phải không có cơ sở. Tuy nhiên để hiểu vấn đề sâu hơn, cần lần theo lịch sử.
Cụm từ “kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo” không phải xuất hiện từ Cương lĩnh 1991, mà sớm hơn vài chục năm. Từ những năm 1958-1960, khi miền Bắc bắt đầu thời kỳ quá độ lên CNXH, cụm từ này đã được ghi trong nhiều văn kiện Đảng như một luận điểm trong đường lối cải tạo nền kinh tế nhiều thành phần thành nền kinh tế công hữu hóa.
Cần tạo môi trường bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế phát triển (ảnh worldradio) |
Hồi đó người ta thường nói đến “ai thắng ai?”, hiểu với nghĩa là quốc doanh phải thắng bằng mọi giá. Nhà nước phải dành mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế quốc doanh, hạn chế và đi tới xóa bỏ tư doanh. Với nhận thức và hành động như thế, kinh tế quốc doanh dễ dàng chiếm vị thế độc tôn. Nhưng lịch sử đã cho thấy đường lối kinh tế như thế là sai lầm và từ đó khủng hoảng kinh tế - xã hội đã xảy ra trong những năm cuối thập kỷ 1970, đầu thập kỷ 1980, khi cả nước đi vào hoà bình xây dựng.
Để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, Đại hội Đảng VI (1986) đã khẳng định đường lối đổi mới, bắt đầu từ đổi mới kinh tế, chuyển nền kinh tế công hữu hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần định hướng XHCN.
Thực hiện đường lối đó, kinh tế tư doanh, cá thể tái sinh và phát triển nhanh chóng, đầu tư nước ngoài không ngừng tăng. Đến nay, kinh tế quốc doanh tuy vẫn lớn và nắm giữ những lĩnh vực quan trọng, nhưng không còn ưu thế tuyệt đối như trước và cũng chỉ là một trong những thành phần kinh tế.
Cương lĩnh 1991 được thông qua tại Đại hội VII, trong một chừng mực nhất định, đã xác định được những luận điểm thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội mới. Song, vẫn còn nhiều hạn chế cũng do điều kiện lịch sử lúc đó, một trong những hạn chế đó là vẫn giữ luận điểm “kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo”.
Đến nay, đổi mới đã có 25 năm lịch sử, tư duy mới về nhiều vấn đề đã rõ hơn, sâu hơn. Thành tựu đã đủ để khẳng định thành tựu là “to lớn và có ý nghĩa lịch sử”.
Nhưng tình hình năm 1991 không phải như vậy. Ta làm đổi mới từ dưới lên, tư duy mới về nhiều vấn đề cụ thể còn trong quá trình hình thành, thời gian đổi mới tính từ Đại hội VI mới được 5 năm, thành tựu còn rất khiêm tốn, chưa đủ để giải tỏa tâm trạng lo “chệch hướng”, nhất là vào thời điểm đó, chủ nghĩa xã hội lại đổ vỡ ở các nước châu Âu.
Trong bối cảnh đó, Cương lĩnh 1991 ra đời có mặt nhằm thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về con đường phát triển theo chủ nghĩa xã hội của nước ta, đồng thời lại phải rất chú ý yếu tố an dân. Luận điểm “kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo” được giữa lại trong Cương lĩnh 1991 là trong bối cảnh đó.
Trong thực tế, luận điểm “quốc doanh chủ đạo” thể hiện trong tình trạng phân biệt đối xử theo thành phần kinh tế. Hệ quả là tâm lý ỷ lại được dung dưỡng trong khu vực quốc doanh, động lực trong khu vực ngoài quốc doanh bị triệt tiêu.
Để khắc phục tình trạng tiêu cực này, nhiều văn kiện Đại hội và Hội nghị Trung ương sau Đại hội VI, đặc biệt trong Dự thảo chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, đã xác định rõ các luận điểm chỉ đạo xử lý các mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế như đã nêu ở trên (tất cả đều quan trọng, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh).
Nhưng vấn đề đáng quan tâm là vẫn giữ luận điểm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, mà cũng không diễn giải gì rõ thêm những nội dung mới trong luận điểm này.
"Hướng đạo" để nền kinh tế thông thoát
Trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay, để định hướng các chính sách kinh tế cụ thể, Đảng cần xác định vị trí, vai trò của mỗi thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế nhà nước.
Trong thời đại ngày nay, Nhà nước không chỉ có chức năng hành chính, mà còn có chức năng kinh tế. Đó là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đã khẳng định khi phân tích nguyên nhân khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và nhiều nước phát triển khác.
Ở Việt Nam hiện nay, tuy các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đã khá phát triển, nhưng kinh tế của Nhà nước vẫn rất lớn. Nhà nước phải biết sử dụng lực lượng vật chất hùng hậu đó của mình vì lợi ích của toàn dân, của toàn bộ nền kinh tế.
Để hướng tư duy tập trung vào mục tiêu đó, trong Dự thảo chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” cần được thay bằng cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò hướng đạo” (hoặc “hướng dẫn” hay “dọn đường”, hoặc một từ ngữ nào đó phù hợp hơn với những ý tưởng trình bày dưới đây. Đây không phải là thay đổi từ ngữ, mà là thay đổi cơ bản tinh thần luận điểm.
Nội hàm “kinh tế nhà nước” rộng hơn “kinh tế quốc doanh”. Nó không chỉ bao gồm các DNNN, mà còn bao gồm tất cả các lực lượng kinh tế của Nhà nước và trước hết là tất cả các doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước (chỉ những doanh nghiệp này mới được gọi là DNNN).
Tiếp đến là phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần. Các công ty cổ phần là doanh nghiệp sở hữu hỗn hợp, không thể gọi là DNNN, dù Nhà nước có nắm giữ cổ phần khống chế. Nhưng Nhà nước phải coi phần vốn này là lực lượng kinh tế của mình và thông qua cơ chế quản lý công ty cổ phần hướng hoạt động của các công ty này theo những mục tiêu Nhà nước mong muốn.
Ngoài ra, kinh tế nhà nước còn gồm các đầu tư của ngân sách nhà nước và của các quỹ đầu tư công, trong đó đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có vị trí rất quan trọng. Rồi đến các chính sách tín dụng, thuế, chi tiêu công, v.v… đều là những lực lượng kinh tế mà Nhà nước cần biết tận dụng.
Với hàm nghĩa rộng như vậy, quản lý kinh tế nhà nước không hề đơn giản và vượt quá tầm của một doanh nghiệp, dù đó là những tập đoàn hàng đầu. Quản lý và điều hành kinh tế nhà nước là vấn đề tầm quốc gia. Do đó người điều hành phải có phẩm chất nhà chính trị, đồng thời cũng là doanh nhân, có tầm nhìn quốc gia và quốc tế, có bộ máy giúp việc cần thiết.
Về nội hàm “hướng đạo”. Trước đây thường nói là “chủ đạo”, nhưng cũng chưa có định nghĩa rành mạch. Cả một thời kỳ dài nó được hiểu đồng nghĩa với nắm các vị trí then chốt (dẫn tới thâu tóm dành độc quyền), phải đi đầu về mọi mặt (dẫn tới đòi ưu tiên, đòi điều kiện thuận lợi).
“Chủ đạo” được hiểu nặng về đòi hỏi đối với Nhà nước và xã hội. Còn “hướng đạo” cần hiểu ngược lại, nặng về nghĩa vụ mà kinh tế nhà nước phải đảm nhiệm với Nhà nước và xã hội.
Trong nền kinh tế, luôn có những lĩnh vực khó, đòi hỏi vốn lớn, trình độ kỹ thuật cao, lãi suất lại thấp, do đó khu vực ngoài nhà nước hoặc không đủ sức làm, hoặc không muốn làm. Nếu những lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng bảo đảm sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế thì với tư cách lực lượng kinh tế của Nhà nước, kinh tế nhà nước phải đứng ra gánh vác, dù rằng năng suất, hiệu quả trực tiếp không cao.
Ở đây cần xem trọng năng suất, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế. Cho nên “hướng đạo” cần hiểu là san cao, lấp trũng, tạo dòng chảy thông thoát cho nền kinh tế quốc dân.
Chẳng hạn, ngành điện có thể coi đang là một vùng trũng. Tất nhiên, đó là hậu quả của những yếu kém kéo dài của Tập đoàn điện lực (EVN), song cũng cần thấy rằng muốn lấp được vùng trũng này rất cần kinh tế nhà nước ghé vai.
Đã đến lúc cần thống nhất quan điểm kinh tế nhà nước không cạnh tranh với kinh tế ngoài nhà nước, mà tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng phát triển. Bây giờ không có chuyện “ai thắng ai”, mà phải là “cùng thắng”. Cái gì tư doanh làm được và làm tốt, kinh tế nhà nước không cần tham gia vì còn nhiều việc khác khó hơn đang chờ. Làm vậy mới thể hiện đúng tinh thần của đường lối đổi mới của Đảng và bản chất của Nhà nước ta.