Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Nhật Bản hậu thảm họa

Sau trận động đất và sóng thần, nền kinh tế Nhật Bản sẽ phải gánh chịu những hậu quả nào và tác động của nó tới nền kinh tế thế giới là câu hỏi đang được nhiều người quan tâm hiện nay.

Trước ngày 11/3, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, tạm đứng sau Mỹ và Trung Quốc. Quốc gia này đang phải đối mặt với vấn đề sức khỏe tài chính khi ước tính tới cuối năm 2010, nợ công của Nhật Bản đã tương đương 198% GDP. Nhật Bản tránh được bất kỳ căng thẳng trên thị trường trái phiếu một phần nhờ vào việc khoảng 95% nợ công hiện thuộc sở hữu trong nước.

Lần lượt Standard & Poor’s và Moody’s đã đưa ra các nhận định không mấy tích cực về tình hình tài khóa trong những năm tới của Nhật Bản.

Sau ngày 11/3, những vấn đề Nhật Bản phải đối mặt thậm chí còn lớn hơn. Theo hãng Societe Generale SA, ước tính thiệt hại sơ bộ tại Nhật Bản có thể lên tới con số 120 tỷ USD, tương đương 2% GDP Nhật Bản.

Hôm nay, EIU, một đơn vị trực thuộc tờ The Economist đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Nhật Bản năm 2011 từ 1,6% truớc đó xuống 1,4%. Tuy nhiên, đơn vị này kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ bật trở lại, tăng trưởng GDP lên mức 1,5% trong năm 2012, trên mức dự báo 1,4% trước đó.

Sau thảm họa vừa qua, chắc chắn tình hình tài khóa của Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, ít nhất trong vòng hai năm tới. Hiện thâm hụt ngân sách của Nhật Bản đã tương đương 8% GDP do đó bất kỳ một sự gia tăng ngân sách nào trong thời điểm này cũng sẽ là nhiệm vụ khó khăn cho chính quyền Thủ tướng Naoto Kan.

Đứng trên phương diện doanh nghiệp, hàng loạt các hãng ô tô, điện tử và các công ty sản xuất khác như Sony, Canon, Honda, Nissan và Toshiba… đã phải đóng cửa nhiều nhà máy, vô số các hãng kinh doanh nhỏ lẻ khác cũng bị xóa sổ. Tác động gián tiếp đến từ sự tàn phá cơ sở hạ tầng.

Trong ngắn hạn, những yếu tố kể trên sẽ làm suy yếu các ngành công nghiệp của Nhật Bản trong đó có nhiều ngành dựa trên mô hình “just – in - time”. Điều này, ngược lại, sẽ gây ra cú shock tới chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Tuy nhiên, tác động của nó khó có thể nghiêm trọng trừ khi những ngành sản xuất những bộ phận quan trọng trong các thiết bị ngưng trệ trong nhiều tuần hay nhiều tháng thay vì chỉ vài ngày.

Đặc biệt, các công ty công nghệ sẽ chịu tác động nặng nề do Nhật Bản chiếm tới 20% sản lượng sản xuất chất bán dẫn của thế giới, bao gồm cả 40% chip thẻ nhớ sử dụng ở nhiều thiết bị từ smartphone, máy tính bảng tới máy tính…

Các công ty đa quốc gia mua các bộ phận thiết bị từ Nhật Bản hoặc có nhà máy đặt tại đây đang phải đối mặt với việc cắt điện luân phiên, các nhà máy phải tạm đóng cửa và khó khăn trong hoạt động vận chuyển khi đường xá, đường sắt và cảng biển tại khu vực Đông Bắc Nhật Bản bị phá hủy sau thảm họa kép cuối tuần qua.

Việc thiếu hụt nguồn điện cũng trở thành thách thức cho hoạt động kiểm tra và sửa chữa các nhà máy sản xuất phía Bắc Nhật Bản. Bên cạnh đó, các dư chấn và rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân chịu ảnh hưởng động đất cũng đang đe dọa tới sản lượng sản xuất tại Nhật Bản.

Các công ty và các nhà phân tích đều cho rằng hiện quá sớm để có thể xác định được những khó khăn này sẽ kéo dài trong bao lâu. Nguồn cung năng lượng là hết sức quan trọng cũng như giao thông vận tải. Hàng hóa qua các cảng biển chiếm khoảng 7% tổng sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong khi những cảng này đã hứng chịu nhiều thiệt hại từ động đất và song thần, chỉ có thể trở lại hoạt động sớm nhất sau vài tháng nữa.

Trong đó, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang hứng chịu nhiều ảnh hưởng rõ ràng hơn cả. Các đại gia trong ngành ô tô như Toyota, Honda, Nissan,… đều phải tạm ngừng hoạt động. Theo Efraim Levy, thuộc Standard & Poor’s, “Tôi coi đây như một vấn đề tạm thời của ngành công nghiệp ô tô. Nhưng câu hỏi mà không ai có thể trả lời là nó sẽ kéo dài bao lâu.”

Ngược lại, nhiều nhà kinh tế học cảnh báo ảnh hưởng lâu dài của sự kiện này có thể trầm trọng hơn dự kiến. Dave Andrea, nhà kinh tế học thuộc Original Equipment Supplier Association, cho biết trận động đất có thể có tác động lớn nhất từ Thế Chiến II tới nay đối với ngành công nghiệp ô tô.

Bên cạnh đó là các sản phẩm cấu thành nên nhiều mặt hàng công nghệ khác như kính của màn hình LCD, thiết bị chip, lát silic, và các vật liệu sản xuất chất bán dẫn khác đều là mặt hàng chủ lực của Nhật Bản với nhiều công ty đa quốc gia.

Một vài nhà máy sản xuất thép tại Nhật Bản cũng đã chịu cảnh ngưng trệ. Đây là vấn đề thực sự đối với các công ty đóng tàu Hàn Quốc khi Nhật Bản xuất khẩu tới 40% lượng thép tiêu thụ tại các công ty này. Trong khi đó, Hàn Quốc lại là quốc gia đứng thứ ba thế giới về công nghiệp đóng tàu

Hôm nay, chỉ số Nikkei 225 đã giảm khoảng 11% trong khi ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bổ sung thêm 8 nghìn tỷ Yên bên cạnh 15 nghìn tỷ Yên được đưa ra chiều qua để hỗ trợ cho thị trường tiền tệ của nước này. Đồng Yên cũng tiếp tục đà tăng với suy đoán các nguồn ngân quỹ sẽ được rút về để tái thiết đất nước. Một đồng Yên mạnh sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn vốn có của các công ty xuất khẩu, đang chật vật đối mặt với sự tàn phá cơ sở hạ tầng và sự đổ vỡ của chuỗi cung ứng.

Chính phủ Nhật Bản có thể nỗ lực can thiệp ngăn chặn đà tăng của đồng Yên nhưng những biện pháp như vậy thường ít cho hiệu quả. Nhiều tuần bất ổn đang treo trên đầu cơ quan quản lý nước này với vấn đề đến từ thị trường ngoại hối, trái phiếu và chứng khoán.

Trong khi đó, thị trường hàng hóa cơ bản thế giới vẫn đang hấp thụ những thông tin từ Nhật Bản với nhiều tác động trái chiều tiềm tàng. Đối với hàng hóa nông nghiệp, tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu trong ngắn hạn nhưng giới đầu cơ cũng như các nhóm sản xuất sẽ đoán trước một sự tăng trưởng về nhu cầu khi các kho dự trữ được xây dựng lại.

Tương tự, thị trường kim loại cũng chắc chắn sẽ được hưởng lợi một khi hoạt động tái thiết bắt đầu nhưng đồng thời cũng phải hứng chịu tác động trong trung hạn vì sự đóng cửa của các nhà máy và hoạt động kinh tế đình trệ.

Đối với dầu mỏ, sự gián đoạn trong hệ thống vận chuyển đồng nghĩa với hoạt động tiêu dùng hạ bớt. Tuy nhiên, vẫn có khả năng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng lên để đáp ứng những yêu cầu về năng lượng hiện nay. Nhật Bản chỉ sở hữu một số ít nguồn năng lượng tự nhiên và phụ thuộc phần nhiều vào nhập khẩu. Vì vậy, tái thiết chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng hóa cơ bản trên thị trường quốc tế.

Những bài toán mà Nhật Bản đang phải đối mặt hiện nay có thể là động lực, tạo đà tăng truởng trở lại, kéo nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi nhiều năm giảm phát nhưng cũng có thể là gánh nặng, kéo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới lún sâu hơn trong hố sâu suy thoái, không thoát nổi chính cái bóng của mình, “sự thần kỳ Đông Á”.

Nguồn: Stox.vn

ĐỌC THÊM