Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Nhật Bản khó khởi sắc

Tháng 8 năm ngoái, ông Yukio Hatoyama lãnh đạo đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử hạ viện, đưa DPJ lên nắm quyền. Thế nhưng, chỉ sau hơn nửa năm thủ tướng Yukio Hatoyama đã phải từ chức vì nhiều lý do.

Thủ tướng kế vị là ông Naoto Kan chỉ sau hai tháng cầm quyền lại nhận lấy thất bại đầy cay đắng khi đảng DPJ đã về sau đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong cuộc bầu cử thượng viện vừa qua, nên liên minh cầm quyền của đảng này không còn kiểm soát được thượng viện vì DPJ chỉ có 106 trong tổng số 242 ghế thượng viện.

Tuy vẫn cầm quyền, và vẫn còn kiểm soát hạ viện, nhưng DPJ sẽ điều hành đất nước ra sao khi thượng viện nằm trong tay liên minh đối lập? Hiện tại, các đảng phái chính trị Nhật Bản hình như tập trung vào việc giải quyết bế tắc chính trị hơn là nỗ lực phục hồi kinh tế. Như thế, khả năng bật dậy của nền kinh tế Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn, vì chính phủ khó có được sự đồng thuận của quốc hội khi hoạch định và ban hành chính sách. Đây cũng chính là nỗi lo của nhiều cơ quan quốc tế lẫn các doanh nghiệp Nhật Bản.

Cơ quan đánh giá Standard & Poor’s nhận định rằng Chính phủ Nhật Bản cần tập trung hơn vào tình hình bế tắc của nền kinh tế. Một số chuyên gia trong nước cũng lo lắng điều này, điển hình là ông Tadashi Okamura, cựu Chủ tịch tập đoàn Toshiba và hiện là Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Ông Okamura cảnh báo: “Chúng ta không có khả năng trì hoãn các chính sách quốc gia dù chỉ một giây”. Theo ông Okamura, Nhật Bản đang đứng tại một ngã tư quan trọng và ông kêu gọi cả phía đối lập cũng cần chia sẻ những khó khăn của cuộc khủng hoảng hiện tại.

Quả thật kinh tế Nhật Bản đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, Nhật Bản đang gánh một khoản nợ công lớn gần gấp đôi GDP và là nước có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất thế giới. Thâm hụt ngân sách của Nhật Bản cũng đang ở mức báo động với con số thâm hụt 30.800 tỉ yen (khoảng 340,3 tỉ đô la Mỹ) tương đương 6,4% GDP. Năm ngoái, chính phủ của ông Hatoyama còn hào phóng thông qua ngân sách quốc gia cho năm tài chính hiện tại ở mức kỷ lục là 92.300 tỉ yen (tương đương 1.015 tỉ đô la Mỹ). Có vẻ như chưa có một tín hiệu khả quan nào về việc Nhật Bản có thể cắt giảm ngân sách một cách hiệu quả, dù đây là điều họ cam kết thực hiện trong hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Toronto, Canada, vừa qua.

Khi tình hình kinh tế đang khó khăn muôn bề thì các doanh nghiệp Nhật Bản lại giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế bởi đồng yen đã tăng giá 4,7% so với đô la Mỹ và tăng 13% so với đồng euro trong suốt ba tháng qua. Mới đây, một báo cáo của bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy các tập đoàn của Nhật đã chậm chân hơn rất nhiều doanh nghiệp của các quốc gia khác trong việc thâm nhập các thị trường đang phát triển, nơi có tới 4 tỉ người tiêu dùng cùng doanh số lên đến 5.000 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Như vậy, các nhà xuất khẩu Nhật đã kém cạnh tranh ở các thị trường truyền thống là EU và Mỹ, lại cũng đang chậm chân ở các thị trường mới nổi. Tình trạng này của các nhà xuất khẩu Nhật Bản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi kinh tế của nước này. Chính vì vậy, người ta cũng đang đánh mất dần sự kỳ vọng đối với doanh nghiệp Nhật Bản. So với cùng kỳ năm ngoái, hiện tại chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã giảm 15%. Trong thực tế, Nhật Bản cũng đã cố gắng thực hiện nhiều biện pháp kích thích kinh tế như ngân hàng trung ương nước này đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống chỉ còn 0,1% vào cuối năm 2008 hay họ cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ trị giá hàng chục nghìn tỉ yen, nhưng kết quả đạt được thì không mấy khả quan.

Trong lúc này, những cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn không chỉ giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập, mà ngay trong nội bộ đảng cầm quyền DPJ cũng lắm bất đồng. Kế hoạch tăng thuế bán hàng để giảm thâm hụt ngân sách và nợ công của thủ tướng Kan đã bị phản đối ngay trong đảng, cựu lãnh đạo đảng DPJ là ông Ichiro Ozawa đã kịch liệt chỉ trích rằng nếu tăng thuế là “chúng ta đã dối trá cử tri”. Tăng thuế cũng bị xem là nguyên nhân khiến đảng DPJ thất bại trong cuộc bầu cử thượng viện vừa qua.

Mặt khác, thử thách giảm phát cũng đang khiến cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải đau đầu bởi họ chưa có một chính sách đủ mạnh để giải quyết bài toán này. Vừa rồi, khi lãnh đạo các nước G20 thống nhất việc cắt giảm nợ và thâm hụt ngân sách thì nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Kinh tế 2008 là Paul Krugman đã lớn tiếng chỉ trích và cho rằng điều đó sẽ dẫn đến bị mắc bẫy giảm phát. Hiện tại, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát nên việc thắt lưng buộc bụng có thể khiến cho giảm phát sâu hơn. Và đây cũng chính là mâu thuẫn quan trọng của Nhật Bản khi vừa phải giảm nợ công và thâm hụt ngân sách, vừa phải chống giảm phát.

Nhiều khả năng tình trạng dùng dằng trong việc lựa chọn chính sách giảm nợ hay chống giảm phát sẽ còn tiếp diễn, gây chia rẽ chính trường Nhật Bản, chia rẽ quốc hội và chính phủ. Khi chính phủ của ông Kan thì muốn tăng thuế để tránh tăng nợ thì một số khác lại muốn giải quyết tình trạng giảm phát.

Rõ ràng, ông Tadashi Okamura không hề quá lời khi nói không thể trì hoãn “dù chỉ một giây” bởi kinh tế Nhật Bản đang có quá nhiều khó khăn và bất cập. Nhưng chắc chắn với những rối rắm hiện tại của chính trị Nhật Bản, sẽ khó có những quyết định tức thời về chính sách kinh tế. Cứ như vậy, việc kinh tế Nhật Bản khó khởi sắc cũng là điều tất yếu.

Nguồn: TBKTSG

ĐỌC THÊM