Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc đổi ngôi

Ông Koichi Yamata, lái taxi tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, nói rằng dạo này ông đón tiếp ngày càng nhiều khách Trung Quốc trong khi người Nhật Bản ngày càng ít đi taxi. Theo ông, điều này khiến người ta nghĩ rằng kinh tế Nhật Bản đã giảm sút xa so với trước.

“Có lẽ không nên nói ra điều này, nhưng nhìn thấy người Trung Quốc đang tận hưởng sự thịnh vượng của nền kinh tế mà chúng tôi từng trải qua trong quá khứ, tôi thực sự cảm thấy bất lực”, ông Yamata nói.

Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 16-8 phát hành báo cáo nhanh cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 2-2010 của nước này chỉ tăng 0,1% so với quí 1-2010, thấp hơn nhiều so với dự báo trung bình 2,3% mà các nhà phân tích kinh tế của hãng tin Kyodo đưa ra.

Hôm thứ hai 16-8, tờ Nihon Keizai Shimbun, báo kinh tế lớn nhất Nhật Bản, đăng bài viết tựa đề “GDP quí 2 đảo ngược kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản”, cho rằng đà tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Nhật Bản có thể khiến Nhật Bản bị Trung Quốc vượt qua trong năm nay.

Bài báo cho rằng Chính phủ Nhật do đảng Dân chủ lãnh đạo đang thực hiện chính sách giảm đầu tư công, khuyến khích người dân mua ô tô, thiết bị điện gia dụng có chức năng tiết kiệm năng lượng khiến nhu cầu thị trường quí 2 trở nên thụ động. Trong quí 2-2010, nhu cầu mua các sản phẩm lâu bền như ô tô, thiết bị điện tử gia dụng thông thường giảm 1% so với quí 1-2010.

GDP đảo ngược

Văn phòng Nội các Nhật Bản, cho biết, sáu tháng đầu năm nay, GDP của Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt là 2.587,1 tỉ đô la Mỹ và 2.532,5 tỉ đô la Mỹ, tức GDP của Nhật Bản vẫn cao hơn của Trung Quốc. Nhưng từ tháng 4 đến tháng 6-2010, tức là quí 2 vừa qua, GDP của Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt là 1.288,3 tỉ đô la Mỹ và 1.336,9 tỉ đô la Mỹ, tức GDP của Nhật Bản thấp hơn của Trung Quốc.

 

Các nhà phân tích cho rằng không loại trừ khả năng cả năm 2010, Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ và là nền kinh tế dẫn đầu châu Á.

Trước đó, trong năm 2009, GDP của Nhật Bản đạt 5.100 tỉ đô la Mỹ, chỉ hơn 200 tỉ đô la Mỹ so với GDP của Trung Quốc, nhưng vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Năm 1968, Nhật Bản vượt qua Tây Đức, trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ và giữ vị trí đó cho đến ngày hôm nay. Đứng lên từ những tàn tích của Thế chiến II, Nhật Bản dần dần trở thành cường quốc về sản xuất công nghiệp và tài chính.

Tuy nhiên, kinh tế Nhật bị đình trệ do bong bóng bất động sản vào những năm 1980, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng năm 1991. Kể từ đó, Nhật Bản bước vào thời kỳ dài phát triển chậm chạp.

Trong hơn 20 năm qua, kinh tế Nhật Bản trì trệ, hoàn toàn tương phản với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc khoảng 10%, trong khi tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản chỉ khoảng 3%. Trong vài năm qua, Nhật Bản dường như đã chấp nhận thực tế sẽ mất vị trí nền kinh tế dẫn đầu châu Á.

Báo cáo dữ liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản được công bố chỉ 10 phút trước khi mở cửa thị trường chứng khoán ngày 16-8 đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Tokyo vừa mở cửa đã rớt điểm. Chỉ số trung bình Nikkei giảm xuống còn 9.100 điểm, thấp nhất từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của các tập đoàn ô tô và thiết bị điện tử gia dụng bị bán tháo.

Rủi ro tiềm ẩn do đồng yen tăng giá

Báo cáo nhanh của Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng cho thấy tăng trưởng GDP của Nhật Bản được dẫn dắt bởi xuất khẩu sang các nước châu Á, đứng đầu là Trung Quốc.

Tuy nhiên, tờ Sankei Shimbun phân tích, đồng yen Nhật tăng giá mạnh trong thời gian gần đây không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản mà còn khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất ô tô, thiết bị điện gia dụng xuất khẩu giảm xuống. Đây thực sự là một đòn mạnh đối với ngành sản xuất của Nhật Bản. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ tại Trung Quốc đẩy chi phí sản xuất của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc tăng cao, làm cho triển vọng kinh tế của Nhật Bản ngày càng u ám.

Đồng yen tăng đáng kể cũng làm cho quỹ dự trữ ngoại tệ của Nhật giảm mạnh. Lấy tỷ giá 1 đô la Mỹ ăn 91 yen để tính, quỹ dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản đã thiệt hại đến 26.300 tỉ yen (khoảng 310 tỉ đô la Mỹ) so với giá trị hồi đầu năm, mà hiện nay tỷ giá này đang dao động quanh mức 1 đô la Mỹ ăn 85 yen Nhật, nghĩa là khi đổi ra đồng tiền bản địa, quỹ dự trữ ngoại tệ của Nhật lại càng bị suy giảm thêm nữa.

Điều này làm cho kế hoạch dùng quỹ dự trữ ngoại tệ để bổ sung một phần thâm hụt ngân sách năm tiếp theo của chính quyền đảng Dân chủ trở nên khó khăn hơn. Đồng yen tăng lên cũng ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Trên thị trường ngày 16-8, đồng yen giao dịch ở mức 1 đô la Mỹ ăn 85 yen, 1 euro ăn 109 yen. Trước đó một tuần, đồng yen từng tăng lên mức cao nhất trong 15 năm qua, 1 đô la Mỹ ăn 84 yen khiến Chính phủ Nhật Bản lo lắng hơn.

Tờ Sankei Shimbun ngày 15-8, ngày mà 65 năm trước Nhật Bản tuyên bố đầu hàng trong Thế chiến II, đăng bài viết tựa đề “Đồng tiền Nhật Bản chiến bại”, nói rằng nền kinh tế Nhật Bản sau khi bị bại trận trong Thế chiến II và hiện tại có một điểm chung là tiền tệ không có tính thanh khoản trên thị trường tiêu dùng.

Ngoài ra, bài báo cũng so sánh chính sách ứng phó với khủng hoảng kinh tế của Nhật Bản và Mỹ và cho rằng chính sách tài chính của Nhật Bản là một thất bại.

Di dời nhà máy

Để chống lại xu hướng chung của sự tăng giá đồng yen, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ di dời nhà máy ra nước ngoài, nơi có chi phí sản xuất thấp hơn, khiến ngành công nghiệp trong nước của Nhật Bản bị rỗng nghiêm trọng, cơ hội tìm kiếm việc làm trong nước khó khăn hơn.

Tuy nhiên, sự tăng giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc trong năm nay, và vụ bùng nổ các cuộc đình công đòi tăng lương tại các nhà máy của Nhật Bản ở Trung Quốc, đang khiến doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc phải thăm dò khả năng đầu tư xây dựng nhà máy tại các nước châu Á khác có chi phí thấp hơn Trung Quốc.

Các cuộc đình công đòi tăng lương tại nhà máy của Nhật Bản ở Trung Quốc càng rầm rộ thì càng đẩy nhanh xu hướng này.Hiện tại, các nhu yếu phẩm hàng ngày, hàng dệt may chất lượng tốt và giá rẻ của Nhật Bản “sản xuất tại Bangladesh” hay “sản xuất tại Myanmar” xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường Nhật Bản, thay thế sản phẩm “sản xuất tại Trung Quốc”.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Hiện tại, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu, tiêu thụ ô tô và sản xuất thép lớn nhất thế giới, sức ảnh hưởng quốc tế ngày càng gia tăng.

Về phương diện nào đó, Trung Quốc đang đi trên con đường bùng nổ kinh tế của Nhật Bản hồi những năm 1980. Lúc đó, Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế mới, các doanh nghiệp của nước này không ngừng mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy trên toàn châu Á. Tuy nhiên hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc mới chỉ vào khoảng 4.000 đô la Mỹ/năm, bằng 1/10 của Nhật Bản thời kỳ ấy.

Để nâng cao địa vị quốc tế, Trung Quốc luôn chú trọng đến việc trấn an các nước lân cận để họ yên tâm với kế hoạch “phát triển hòa bình”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc xuất khẩu văn hóa. Với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng.

Năm ngoái, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 10 nước ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á), thay thế vị trí mà Nhật Bản giữ một thời gian dài. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông gần đây khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN trở nên căng thẳng, phương pháp xử lý của Trung Quốc khiến thế giới bên ngoài phải lên tiếng báo động. Điều đó sớm muộn cũng sẽ ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, khiến Trung Quốc khó mà duy trì được quy mô thương mại hiện nay với ASEAN.

Nguồn: TBKTSG

ĐỌC THÊM