Theo số liệu thống kê chính thức được đưa ra, sự phục hồi của xuất khẩu Nhật Bản thời gian qua đã đóng góp cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới rất nhiều trong quý đầu năm nay.Nội các Nhật Bản đã công bố mức tăng trưởng 1,2% trong quý 1/2010 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tín hiệu đáng mừng sau thời gian dài Nhật chìm trong sự đình trệ. Nếu tính theo cơ sở năm, kinh tế Nhật có thể đạt mức tăng 4,9%, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích.
Bộ trưởng tài chính Nhật, ông Naoto Kan cảnh báo rằng khi đất nước đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi thì ngân hàng trung ương cần tìm kiếm thêm các biện pháp để hạn chế thiểu phát.
Xuất khẩu Nhật Bản tăng mạnh trong quý đầu năm nay nhờ vào nhu cầu lớn từ các nước châu Á mới nổi như Trung Quốc. Mặt hàng xuất chủ yếu là ôtô và các sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng xu hướng đó sẽ khó tiếp diễn trong thời gian tới.
Tầm quan trọng của xuất khẩu được nhấn mạnh khi nhu cầu tiêu dùng trong nước đang ở mức thấp. Nguyên nhân chính là tình trạng thiểu phát đã diễn ra từ lâu khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn mua sắm để chờ đợi giá rẻ hơn trong tương lai. Các biện pháp đối phó với tình trạng tăng giá đồng nội tệ hiện nay đang là ưu tiên số một của Ngân hàng trung ương Nhật.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng quý vừa qua khiến các định chế tài chính quốc tế lạc quan hơn với kỳ vọng lạm phát nhẹ sẽ trở lại Nhật trong cuối năm nay. IMF đã khuyến khích Nhật tăng thuế tiêu dùng nhằm giải quyết các khoản nợ công, hiện đang ở mức 230% GDP, mức cao nhất trong số các nước công nghiệp phát triển.
Khoản nợ khổng lồ mà chính phủ Nhật đang phải gánh chịu là hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khi các nước phải dồn tiền kích thích kinh tế và cứu vớt hệ thống tài chính đang lung lay bên bờ phá sản. Hiện nay tuy kinh tế đã ổn định và phát triển nhưng việc tăng thuế trả nợ của Nhật xem ra không hề dễ dàng vì nỗ lực mở rộng quy mô kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn.
BBC