Chuyện nghe tưởng phi lý mà lại có thật, không thấy đề cập đến trong lý thuyết kinh điển và sách giáo khoa kinh tế nào mà tồn tại trên thực tế: Đồng Yên của Nhật Bản tăng giá, trong khi theo biểu hiện lâm sàng của kinh tế Nhật Bản thì lẽ ra nó phải xuống giá.
Đồng Yên lên giá mạnh so với đồng đô la Mỹ đang làm cho kinh tế Nhật Bản điêu đứng và chỉ số chứng khoán Nikkei giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý 9000 điểm hôm 25/8.
Quá trình tăng giá của đồng Yên đã bắt đầu từ nhiều năm nay. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế thế giới làm cho các đồng tiền mạnh khác trên thế giới chao đảo: đồng USD chao đảo như sóng biển, đồng EURO bị đẩy đến bên bờ vực thẳm, đồng Franc của Thụy Sỹ hay đồng Bảng của Anh cũng chẳng ổn định. Chỉ có đồng Yên là tiếp tục chiều hướng tăng giá. Đến nay, tỷ giá hối đoái của đồng Yên đạt mức cao nhất so với đồng USD trong 15 năm qua, so với đồng EURO trong 9 năm qua và so với đồng Franc của Thụy Sỹ trong 5 năm qua. Chỉ riêng từ đầu năm 2010 đến nay, đồng Yên đã tăng giá 11%. Vô địch thế giới!
Trọng yếu
Trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản đang trì trệ, việc đồng Yên cứ mạnh thêm tác động rất tai hại. Bài toán kinh tế và tiền tệ mà chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương nước này hiện đang phải giải là can thiệp hay không can thiệp để đối phó với sự lên giá của đồng Yên, nếu can thiệp thì với mức độ nào và vào thời điểm nào.
Nhìn vào nước Nhật sẽ chẳng thấy có lý do nào khiến đồng Yên tăng giá mạnh đến như vậy. Không phải mãi đến tận bây giờ mà đã từ rất lâu rồi, mặt bằng lãi suất ở Nhật Bản thấp đến mức tưởng như không thể còn thấp hơn được nữa. Điều đó có nghĩa là “tiền rất rẻ” ở Nhật Bản. Kinh tế đất nước này có biểu hiện giảm phát từ khá lâu. Nền tài chính, ngân sách nhà nước rất tồi tệ khi mức độ vay nợ của nhà nước gấp đôi GDP - cao hơn nhiều so với mức độ vay nợ của nhà nước ở Hy Lạp. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn rất cao và có xu hướng gia tăng thêm. Xuất khẩu là một động lực tăng trưởng của Nhật Bản, vậy mà mức độ tăng trưởng này liên tục giảm trong 5 tháng gần đây.
Cuộc cải cách hệ thống y tế, bảo hiểm xã hội và lương hưu ở Nhật vẫn chưa đâu vào đâu trong khi cơ cấu dân số vẫn tiếp tục biến động theo hướng người già cứ nhiều thêm. Nếu không được cải tổ nhanh chóng và thích hợp thì Nhật Bản sẽ không thể đảm bảo được khả năng tài chính để duy trì hệ thống bảo hiểm này, và như vậy sẽ bùng nổ vấn đề chính trị xã hội phức tạp và nan giải.
Trong khi đó, chính trường và chính phủ lại không ổn định. Năm năm qua, đất nước này đã thay đổi thủ tướng tới 5 lần. Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) tuy lật đổ được hơn nửa thế kỷ trị vì của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) nhưng hiện đang sa đà vào cuộc tranh giành quyền lực nội bộ sâu sắc và không khoan nhượng. Thủ tướng Naoto Kan mới lên cầm quyền được mấy tháng nay nhưng đã phải đối phó với sự thách thức công khai của ông Ichiro Ozawa, nguyên Chủ tịch và Tổng thư ký DPJ, với sự hậu thuẫn của cựu thủ tướng Yukio Hatoyama. Những điều kiện và bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội và tiền tệ như vậy lẽ ra làm đồng Yên phải mất giá, chứ không thể tăng giá.
Ngoài cũng chẳng mạnh
Nguyên nhân khiến đồng Yên tăng giá mạnh mẽ như trên chỉ có thể là từ bên ngoài và trong cuộc ganh đua tay đôi giữa đồng Yên và các đồng ngoại tệ khác. Tình hình kinh tế ở Mỹ và những điểm yếu của đồng EURO có thể được coi là những nhân tố chính. Kinh tế Mỹ phục hồi rất chậm và chưa thể bền vững và đồng EURO đang được cả EU gồng mình “cứu sống”. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tuy đang vẫn mạnh, nhưng được chính phủ Trung Quốc giữ giá, chưa có khả năng chuyển đổi và cũng chưa được sử dụng làm công cụ thanh toán và phương tiện dự trữ tiền tệ phổ biến như những đồng ngoại tệ mạnh kia. Lòng tin của giới kinh doanh quốc tế và người tiêu dùng vào đồng USD và EURO chưa được phục hồi. Bởi thế mới nói, đồng Yên mạnh lên trước hết vì những đồng tiền khác yếu đi trong cùng thời gian ấy, bởi lòng tin vào mức độ ổn định giá trị của các đồng tiền ấy bị suy giảm trên thị trường tài chính quốc tế.
Thực trạng và triển vọng kinh tế Mỹ như vậy, số phận đồng EURO còn long đong, sự phối hợp chính sách và hành động giữa chính phủ các nước trên thế giới trong khuôn khổ Nhóm G20 để đối phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, kiểm soát thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng, tiến tới một trật tự tài chính thế giới mới vẫn chưa ra khỏi tình trạng nói nhiều hơn làm, bàn nhiều hơn quyết, đã giúp cho đồng Yên trở thành bến cảng an toàn hơn cả cho thế giới tài chính và tiền tệ neo đậu.
Thêm vào đó, trong khi các nhà đầu tư Nhật Bản tận dụng cơ hội đồng Yên lên giá để tăng cường đầu tư ra nước ngoài thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng tận dụng dịp này để đẩy mạnh đầu tư và đầu cơ vào đồng Yên Nhật. Đồng Yên phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế và lợi tức trái phiếu ở Mỹ. Kinh tế Mỹ thì ốm yếu, lợi tức trái phiếu Mỹ lại rất thấp nên cuộc chạy trốn vào đồng Yên gần như là đương nhiên. Thêm vào đó, không ít nhà đầu tư bán những khoản đầu tư vào các đồng tiền khác để mua đồng Yên nhằm tận dụng lãi suất thấp để trả nợ… Những tác động và tính toán từ bên ngoài ấy khiến cho nhu cầu về đồng Yên tăng chứ không giảm, và vì thế cũng góp phần làm nó tăng giá.
Tiến thoái lưỡng nan
Chính thực trạng như một nghịch lý ấy khiến chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ứng phó rất khó khăn. Chính phủ Nhật Bản muốn Ngân hàng Trung ương can thiệp mạnh mẽ và quyết liệt hơn vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn đà và chiều hướng tăng giá của đồng Yên. Sự tăng giá của đồng Yên sẽ kìm hãm xuất khẩu của Nhật Bản và bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. Nhưng khả năng đối phó của Ngân hàng Trung ương Nhật lại rất hạn chế vì mặt bằng lãi suất đã quá thấp, có mở rộng các chương trình tín dụng cho giới kinh doanh Nhật Bản thì cũng đâu có được đáp ứng mặn mà, in thêm tiền để tung vào thị trường thì đâu có khác gì trút vào cái thùng không đáy. Hơn nữa, chưa ai dám chắc là đồng Yên đã tăng giá lên tận đỉnh điểm rồi.
Kinh tế Nhật Bản đang bị xô đẩy trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Bóng ma giảm phát ám ảnh đất nước này từ lâu nay dường như đang dần từ ảo trở thành thật. Rồi chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ phải can thiệp vào thị trường và có biện pháp ứng phó dài hơi hơn. Những biện pháp ấy có thành công hay không hoặc thành công đến mức độ nào thì cũng lại còn phụ thuộc vào các đối tác kinh tế và thương mại chính của Nhật Bản nữa. Đồng Yên là của nước Nhật thật đấy, nhưng đâu chỉ có riêng nước Nhật quyết định được giá trị của nó.
Nguồn: DDDN