Sáng 24-6, Bộ KH-ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Đánh giá sơ bộ cho thấy, trong 6 tháng qua, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi với tốc độ khá nhanh. GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 6-6,1%.
Kinh tế đang phục hồi nhanh (Ảnh minh họa)
Công nghiệp tăng vượt kế hoạch năm
Năm 2010, mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt 12%. Nhưng qua 2 quý đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 366,8 nghìn tỷ đồng. Riêng tháng 6, giá trị sản xuất công nghiệp có mức tăng mạnh, 14,6% so với cùng kỳ năm 2009 và tăng 2% so với tháng trước, đạt 66,15 nghìn tỷ đồng. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành là: điện sản xuất tăng 15,5%; sữa bột tăng 39,4%; bia tăng 16,6%, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, tủ đá… tăng hơn 20%.
Do lượng dầu thô khai thác giảm nên Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có mức tăng trưởng giảm sút hơn trong 6 tháng qua. Trong khi đó, các tỉnh khác vẫn tăng trưởng cao như: Hà Nội tăng 13,9%; Hải Phòng tăng 14,2%; Vĩnh Phúc tăng 39,6%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,7%...
Bộ KH-ĐT cho biết, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng lớn và có tốc độ tăng trưởng cao; trong khi đó, khu vực kinh tế Nhà nước vẫn có tốc độ tăng trưởng chậm nhất, thấp hơn kế hoạch tăng bình quân của toàn ngành. Theo đại diện của Bộ Công Thương, tỷ lệ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp so với tốc độ tăng trưởng của xây dựng cơ bản chênh lệch quá nhiều chứng tỏ hiệu quả sản xuất chưa cao.
Đại diện Tổng cục Thống kê nhận định, mặc dù sản xuất tăng nhưng báo cáo từ các địa phương, đơn vị cho thấy, lượng hàng hóa các loại còn tồn kho trong 6 tháng qua còn rất lớn. Điều này chứng tỏ tăng trưởng sản xuất chưa ổn định.
Cần “hàng rào” hạn chế nhập siêu
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện nay “lớn và gay go quá”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Việt Nam chưa xây dựng được hàng rào kỹ thuật đối với tiêu chuẩn các loại hàng hóa nhập khẩu. Vướng mắc ở chỗ, trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc lập “hàng rào” này chưa rõ ràng nên còn “đá bóng” trách nhiệm.
Vị đại diện này cho biết thêm, việc thành lập tổ điều hành xuất khẩu chưa chắc đã mang lại hiệu quả bởi số liệu tính toán kinh tế - xã hội được lập trong vòng 20 ngày đầu của tháng và ước thực hiện trong cả tháng. Dự đoán này có thể đúng hoặc sai. Ông đề nghị nên lùi thời hạn thống kê so với hiện tại để có điều hành phù hợp hơn.
Riêng trong tháng 6, Việt Nam ước nhập siêu 1,2 tỷ USD, bằng 20% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng, nhập siêu tháng 6 là 1,5 tỷ USD, bằng 26,3% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong tháng 6 ước đạt 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay lên 32,1 tỷ USD thì kim ngạch nhập khẩu trong tháng này đạt 7,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với tháng 5-2010. Kim ngạch nhập khẩu 2 quý đầu năm ước đạt 38,9 tỷ USD. Do vậy, tỷ lệ tăng xuất khẩu chỉ đạt 15,7% nhưng nhập khẩu đã tăng tới 29,4% so với cùng kỳ năm 2009.
6 tháng đầu năm nay, giá trị nhập siêu là 6,7 tỷ USD, bằng 20,9% kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ này hiện tại cao hơn mục tiêu trung bình nhập siêu bằng 20% kim ngạch xuất khẩu của cả năm nay. Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Singapore tiếp tục là các đối tác mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất.
Cũng liên quan đến vấn đề nhập siêu, tại một hội thảo mới được tiến hành, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khuyến cáo, nên nhanh chóng thay đổi cơ cấu kinh tế để hạn chế nhập siêu, giải quyết phần nào khó khăn nhập nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, dù giá hàng hóa xuất khẩu đang tăng nhưng kim ngạch nhập khẩu đang có xu hướng trở lại thời đỉnh điểm của 2 năm về trước. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến cán cân thanh toán. Bên cạnh đó, cần chú ý đến nghịch lý trong nhập khẩu máy móc thiết bị là càng đầu tư máy móc mới thì chi phí sản xuất và lượng điện tiêu thụ càng tăng khiến hiệu quả sản xuất giảm.
(ANTĐ)