GDP quí 3 tiếp tục đà tăng cao hơn hai quí trước. Dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm nay đang về đích hoặc cao hơn năm trước. Nhưng quí còn lại của năm 2010 sẽ phải vượt qua những chướng ngại vật từ lạm phát, nhập siêu đến nợ công, bội chi ngân sách... Quả thực, phía sau sự ổn định còn nhiều những lực cản.
Lực đẩy - lực cản giằng co
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí 3 tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn quí trước. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng của quí 3 là 7,18% (quí 1 tăng 5,83; quí 2 tăng 6,4%). Tính chung chín tháng GDP tăng 6,52%.
Thậm chí ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, tăng trưởng chín tháng bứt phá mạnh, trên 10%. Đó cũng là nguyên nhân khiến Hà Nội mới đây đã điều chỉnh chỉ tiêu GDP năm nay tăng thêm 0,5 điểm phần trăm so với kế hoạch trước đó.
Bộ cũng đánh giá, giá trị sản xuất công nghiệp chín tháng đầu năm đạt mức tăng 13,8% là kết quả của sự tăng trưởng ổn định kể từ tháng 4 trở đi (mỗi tháng tăng 2,67%). Với đà này, giá trị sản xuất công nghiệp năm nay có thể cán đích với tốc độ tăng 14%, cao hơn 2 điểm phần trăm so với kế hoạch đề ra.
Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 23,2% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu tăng 22,7% khiến cho nhập siêu chín tháng không có đột biến, ở mức 8,58 tỉ đô la, bằng 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức phải phấn đấu (20%).
Dù những con số trên là khả quan, song lực đẩy quan trọng này dường như cũng không thể khỏa lấp được sự lo ngại cho nền kinh tế trong thời gian tới. Cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng đột biến (1,31%), cao nhất trong các tháng 9 của 10 năm trở lại đây, và sau năm tháng được kiềm chế ở mức tăng 0,3%.
Điều đáng nói là cứ vào tháng 9 hàng năm, mức chi tiêu cho giáo dục tăng mạnh nhưng ít khi sự tăng giá của nhóm dịch vụ lại tăng mạnh như năm nay, tới 12,02%, khiến cho chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A lo ngại: “Nền giáo dục, nơi đáng lẽ cần được Nhà nước hỗ trợ tối đa, lại đang bị phó mặc quá nhiều cho thị trường”.
Mức tăng đột biến này cũng khiến CPI chín tháng đầu năm tăng 6,46%, phần nào ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm là 7%. Lạm phát tăng sẽ có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, đến giá cả nhập khẩu các mặt hàng trong quí 4. Trong khi đó, quí cuối cùng trong năm thường là thời điểm doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu để chuẩn bị cho vụ sản xuất năm tới.
Vấn đề thiếu điện cũng là một lực cản cho sự ổn định kinh tế vĩ mô. Dù không phải là mùa cao điểm thiếu điện nhưng nguồn cung lại hụt từ 5-10% không khác gì những tháng mùa khô.
Không phải vô tình mà đích thân Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng đưa một số tờ báo đi thị sát thủy điện Hòa Bình, nơi mà lần đầu tiên trong vòng 23 năm, không cần mở cửa xả lũ như thông lệ do thiếu nước. Việc thiếu nước ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và nhiều hồ thủy điện khác trong cả nước là cái cớ để EVN tiếp tục đề nghị tăng giá điện, kêu lỗ và báo hiệu nhiều trường hợp cắt điện chắc chắn sẽ xảy ra với những tác hại khó lường đến tình hình sản xuất và môi trường đầu tư.
Nhưng vấn đề thiếu điện không thể chỉ đổ cho thiên tai hay thời tiết. Hàng loạt các nhà máy không kịp tiến độ vì những vấn đề trong quá trình chọn thầu, công nghệ lạc hậu... không phải mới xuất hiện gần đây. Đó là chưa kể trong giai đoạn phát triển “nóng” của các tập đoàn, EVN còn quan tâm đến việc rót vốn đầu tư ra ngoài ngành điện.
Tổn thất do thiếu điện từ đầu năm đến nay chưa được thống kê đầy đủ. Trong khi đó, để đạt được mức tăng trưởng thêm 1% GDP, mức điện năng tiêu thụ phải tăng thêm 2%. Ở hoàn cảnh hiện nay, điện không thể tăng thêm mà trái lại còn bị thiếu đi từ 5-10% khiến cho giá trị của tăng trưởng phải được cân nhắc lại. Nó đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Và phần nào đó, việc thiếu điện cũng có liên quan đến tình hình đăng ký vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chín tháng qua, chỉ bằng 87,3% so với cùng kỳ và vốn tăng thêm ở các dự án có sẵn cũng giảm sút.
Ngoài ra còn những lực cản khác là vấn đề hạ lãi suất cho vay vốn được kêu gọi từ đầu năm đến nay nhưng chưa được cải thiện bao nhiêu khiến cho doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn
Minh bạch thông tin và tuân thủ nguyên tắc thị trường
Trong cuộc đối thoại với lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam trên kênh truyền hình VITV mới đây, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Lê Đức Thúy có nhắc đến hai ý. “Muốn ổn định kinh tế vĩ mô phải minh bạch thông tin và tuân thủ việc điều hành nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường”. Thậm chí ông Thúy còn nhấn mạnh việc phải chấp nhận những bất ổn tạm thời để nhận lấy sự ổn định lâu dài. Các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng nhất trí với quan điểm này.
Như vụ việc Vinashin, dù mới “vỡ lỡ” hồi đầu quí 3 nhưng đã âm ỉ từ nhiều năm qua. Nếu minh bạch thông tin, có thể Vinashin đã không “vỡ” với quy mô và ảnh hưởng lớn đến như vậy. Nếu minh bạch thông tin, đã không xảy ra sự chênh lệch rất lớn trong việc dự báo và thực tế thâm hụt cán cân thanh toán của năm 2009 chênh lệch tới 6,9 tỉ đô la khiến cho năm 2010 phải thực hiện đồng loạt các biện pháp ổn định tỷ giá, cân bằng cán cân thanh toán để giữ ổn định vĩ mô.
Việc tuân thủ điều hành nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường và các chính sách nhất quán cần phải được thực thi một cách nghiêm túc và không phải là vấn đề của một quí. Như chuyện điều chỉnh tỷ giá, ông Thúy nói không có ngân hàng trung ương nước nào tuyên bố trước họ sẽ điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm nào và đến đâu để không gây rối loạn thị trường. Càng không nên để xảy ra chuyện người lãnh đạo ngân hàng trung ương tuyên bố giữ ổn định tỷ giá nhưng chưa đầy một tuần sau thì tỷ giá chính thức được thay đổi.
Nguồn: TBKTSG