Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế quý II được dự báo lạc quan

Các chuyên gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục trong tháng 4 và có thể hy vọng kinh tế quý II tăng trưởng gần 4%.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCEIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với những dự báo khả quan về diễn biến kinh tế quý II. Website Chính phủ mới đây trích dẫn dự báo của NCEIF tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II đạt 3,5-3,8%, so với mức 3,1% trong 3 tháng đầu năm. Hiện các cơ quan thuộc Chính phủ dự báo GDP cả năm tăng khoảng 5%.

Nhiều ý kiến cho rằng quý I đã là đáy khủng hoảng. Ảnh: Hoàng Hà

 

NCEIF đưa ra nhận định dựa trên khả năng khủng hoảng tài chính thế giới dịu lại và những giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế mà Việt Nam đang thực hiện. Các báo cáo do trung tâm này được thực hiện hàng tháng và nhằm phục vụ việc điều hành kinh tế của Chính phủ.

Theo báo cáo của NCEIF, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp trong quý II có thể đạt khoảng 2,1-2,5%; công nghiệp 3,8-4,1%; và dịch vụ 4-4,2%. Trung tâm này cũng cho rằng, kinh tế tháng 4 đã xuất hiện những điểm tích cực, với việc sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ, và gói kích cầu thứ hai đang bổ sung cho gói kích cầu thứ nhất. Song xuất khẩu vẫn tăng chậm và tình trạng lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 4, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của 3 tháng đầu năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng ước tính đạt 360.400 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2008. Giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực cũng tăng nhẹ.

Theo các chuyên gia thuộc NCEIF, việc điều hành kinh tế vẫn cần đề phòng những khả năng và tình huống xấu hơn để chủ động đối phó. Trong tháng 5 và quý II, phải có những chính sách mạnh mẽ hơn để đối phó với ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu. Đặc biệt, các cơ quan điều hành kinh tế cần cập nhật thông tin để chỉ đạo sát sao. Cùng với đó là cần nhanh chóng nghiên cứu và thực hiện các phương án tái cơ cấu nền kinh tế, một đề án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi động từ hơn một tháng trước.

NCEIF cũng kiến nghị, các gói kích cầu cũng cần thực hiện đúng mục đích, kiểm soát thường xuyên các dự án cho vay. Theo đó, các ngân hàng cần đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, đặc biệt là vốn năm 2009, đồng thời xem xét điều kiện để ứng vốn năm 2010.

VnE

ĐỌC THÊM