Dù cho châu Âu có tránh được khủng hoảng tài chính thì khu vực này cũng không thể tránh được suy thoái vì thỏa thuận đạt được trong tuần trước không thể đẩy lùi được các nguy cơ đối với nền kinh tế khu vực. Số liệu PMI sản xuất của Eurozone càng minh chứng cho điều này.
Thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được trong tuần trước nhằm giải quyết khủng hoảng nợ đã rơi vào bất ổn trong ngày thứ Ba khi Thủ tướng Hy Lạp bất ngờ kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về gói giải cứu mới nhất dành cho nước này. Nếu cử tri phản đối gói giải cứu do điều kiện kèm theo là các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt hơn, châu Âu có thể đối mặt với nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp.
Bên cạnh đó, thậm chí khi thỏa thuận trên có thể đem lại giải pháp dài hạn đối với cuộc khủng hoảng thì cũng không thể đẩy lùi được các nguy cơ đối với nền kinh tế châu Âu. Đó là các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh tay bởi các Chính phủ nợ nần, tỷ lệ thất nghiệp cao, hoạt động cho vay nhỏ giọt và sự sụt giảm của lĩnh vực xuất khẩu. Do đó, nhiều nhà kinh tế cho rằng châu Âu sắp rơi vào suy thoái và có thể tác động xấu đến Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực này.
Theo số liệu của Markit, hoạt động sản xuất tại 17 quốc gia Eurozone giảm mạnh hơn so với dự báo trong tháng 10. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất giảm từ 48.5 điểm trong tháng 9 xuống 47.1 điểm trong tháng 10, thấp hơn dự báo 47.3 điểm của các nhà kinh tế. Mức dưới 50 cho thấy sự sụt giảm của hoạt động này. Xét theo quốc gia, chỉ có lĩnh vực sản xuất của Ireland là đạt được sự tăng trưởng với chỉ số PMI sản xuất đứng ở mức 50.1 điểm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, PMI sản xuất đứng dưới ngưỡng 50 điểm, trong khi cả chỉ số về sản lượng và số đơn đặt hàng đều sụt mạnh xuống các mức chưa từng thấy kể từ giữa năm 2009. Số liệu ảm đạm này cho thấy cuộc khủng hoảng nợ Eurozone đang đẩy nền kinh tế khu vực rơi trở lại vào suy thoái.
Ông Bill Gross, Giám đốc điều hành PIMCO - quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới - cho rằng các ngân hàng Mỹ chưa thực hiện các biện pháp đủ mạnh để đảm bảo được nguồn vốn tốt và việc trở về hệ thống mà hoạt động ngân hàng đầu tư và bán lẻ được tách biệt là một kế hoạch khá hấp dẫn về mặt cải cách.
Theo báo cáo của Công ty xử lý số liệu việc làm tự động (ADP), số việc làm trong lĩnh vực tư nhân tăng thêm 110,000 trong tháng 10, cao hơn dự báo tăng 100,000 của các nhà kinh tế. Trong đó, số việc làm trong lĩnh vực dịch vụ tăng 114,000 còn số việc làm trong lĩnh vực sản xuất giảm 4,000.
Số người thất nghiệp tại Đức tăng tăng thêm 10,000 lên 2.94 triệu trong tháng 10, trái với dự báo giảm 10,000 người. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 6.9% lên 7%. Các doanh nghiệp Đức ngày càng lưỡng lự trong việc tuyển thêm nhân viên vì cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã làm lu mờ triển vọng kinh tế.
Lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã cung cấp USD cho các ngân hàng thông qua các hoạt động thị trường trong ngày thứ Tư. Đây là dấu hiệu cho thấy mức độ căng thẳng của thị trường do cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu có thể đang tăng cao. Theo đó, BOJ cung cấp USD thông qua hai hoạt động, một hoạt động đáo hạn trong một tuần và thu hút được lượng đặt mua trị giá 2 triệu USD, một hoạt động khác đáo hạn trong 3 tháng và thu hút được lượng đặt mua trị giá 100 triệu USD.
Các thị trường tiền tệ Nhật Bản vẫn còn ổn định nhưng trong bối cảnh việc cấp vốn bằng đồng USD ngày càng trở nên khó khăn đối với một số ngân hàng châu Âu nên BOJ sẽ cung cấp USD dồi dào cho thị trường nhằm đảm bảo rằng tình trạng này sẽ không lây lan sang Nhật Bản.
Theo ước tính của JPMorgan Chase, Nhật Bản có thể lỗ 510 tỷ USD do việc can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm ngăn chặn đà tăng của đồng JPY. Ông Tohru Sasaki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lãi suất và tỷ giá của JPMorgan tại Tokyo cho biết thua lỗ có thể tiếp tục tăng cao khi đồng JPY được dự báo tăng lên 72 JPY/USD vào tháng 9/2012. Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, mức thua lỗ từ nguồn dự trữ ngoại hối của Nhật Bản (trừ các khoản nợ phải trả bằng đồng JPY) đã lên tới 35.3 ngàn tỷ JPY vào cuối năm 2010.
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 2% lên 2.01%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD giảm so với đồng EUR và đồng JPY nhưng tăng so với bảng Anh.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 trên sàn NYMEX cộng 32 xu (0.4%) lên 92.51 USD/thùng.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York tăng 17.80 USD/oz (1%) lên 1,729.60 USD/oz.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 03/11: Australia - 07h30: Doanh số bán lẻ Mỹ - 19h30: Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp - 19h30: Số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp bình quân trong 4 tuần qua - 19h30: Năng suất và chi phí lao động - 21h00: Số đơn đặt hàng lâu bền, số đơn đặt hàng nhà máy Eurozone - 19h45: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố lãi suất - 20h30: Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát biểu |
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 03/11:
Australia
- 07h30: Doanh số bán lẻ
Mỹ
- 19h30: Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp
- 19h30: Số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp bình quân trong 4 tuần qua
- 19h30: Năng suất và chi phí lao động
- 21h00: Số đơn đặt hàng lâu bền, số đơn đặt hàng nhà máy
Eurozone
- 19h45: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố lãi suất
- 20h30: Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát biểu
Nguồn tin: (Vietstock)