6 tháng cuối năm, những bất ổn chưa thể chấm dứt.
Sau nửa đầu năm đầy trắc trở, các chuyên gia phân tích đầu tư hàng đầu thế giới sẽ sàng lọc kỹ các số liệu đối lập để công bố những dự báo chính xác nhất về tình hình 6 tháng cuối năm tại Hội nghị Thượng đỉnh về Triển vọng Đầu tư (IOS) do Reuters tổ chức từ ngày 7-10/06.
Khi 2010 mới bắt đầu, không ai cho rằng đây sẽ là một năm suôn sẻ đối với thị trường chứng khoán cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và điều đó đã trở thành sự thật.
Đà sụt giảm khủng khiếp của chứng khoán Mỹ trong Tháng 5, tháng “đen tối” nhất trong vòng 15 tháng qua, là minh chứng mới nhất của một năm đầy biến động.
Sau khởi đầu bằng cả niềm lạc quan và tâm lý thận trọng, nhà đầu tư đang cố gắng tìm hướng đi giữa các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, khủng hoảng và cải tổ chính sách.
Khủng hoảng nợ ngày càng lan rộng tại châu Âu đã khiến đồng EUR rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua so với đồng USD tại 1.2 USD/EUR. Đồng thời, làm dấy lên nghi ngờ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý đồng tiền này.
“Các cú sốc tiêu cực, đặc biệt là từ eurozone, sẽ tiếp tục khiến đồng tiền chung này ngày càng lún sâu vào vòng xoáy giảm giá. Trong khi đó một môi trường ổn định sẽ khiến đồng EUR giảm có chừng mực hơn nhưng đà mất giá vẫn còn rất đáng kể.”, nhận định của BNP Paribas trong báo cáo tư vấn tới khách hàng công bố hôm Thứ Năm.
Tình trạng mất giá của đồng EUR cùng với sự lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán và bức tranh ảm đạm xuất phát từ thảm họa sinh thái tại vịnh Mexico (Mỹ) đã khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Trong bối cảnh đó, khó lòng để đổ thừa cho nhà đầu tư về những hành vi thái quá của họ.
Hai lần trong Tháng 5 vừa qua, chỉ số đo lường trạng thái biến động Wall Street - VIX, thước đo độ sợ hãi của nhà đầu tư, đã tích tắc vượt mốc 40 điểm trước khi lùi bước vào cuối phiên, dấu hiệu cho thấy mức độ bất ổn khá cao trên thị trường.
Mô hình phục hồi theo hình răng cưa xen lẫn trong các đợt bán tháo đã nhấn mạnh đến sự thiếu thuyết phục của các thị trường toàn cầu.
Số liệu thống kê của Công ty Nghiên cứu EPFR Global cho thấy dòng tiền mặt tiếp tục đổ vào các kênh đầu tư có thu nhập cố định và làm giảm lượng tiền đổ vào cổ phiếu, trong khi dòng tiền cũng tiếp tục đổ vào các quỹ kinh doanh tiền tệ.”
Đâu là nơi trú ẩn an toàn?
Dù các nền kinh tế mới nổi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng thị trường chứng khoán của các quốc gia này thậm chí còn sụt giảm mạnh hơn so với thị trường của các quốc gia phát triển đang ngập trong nợ nần. Trong khi đó, các kênh đầu tư an toàn như vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn luôn là sự lựa chọn của nhà đầu tư.
Điều này khiến việc lựa chọn kênh đầu tư thích hợp càng trở nên quan trọng hơn.
“Trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu hiện nay, nhà đầu tư sẽ tiếp tục cắt giảm tỷ trọng đầu tư tại châu Âu cũng như các nước phát triển, đồng thời tăng cường giải ngân vào cổ phiếu các công ty vốn hóa nhỏ và trung bình tại Mỹ, các nước mới nổi và hai thị trường nhạy cảm với hàng hóa là Canada và Australia.”, trích nhận định của Morgan Stanley Smith Barney trong báo cáo tư vấn cho khách hàng.
Cuộc thăm dò gần đây nhất của Reuters đối với 47 nhà đầu tư tổ chức hàng đầu thế giới cho thấy trong một danh mục đầu tư, tỷ lệ cổ phiếu trung bình giảm từ mức 52.8% trong Tháng 4 xuống 52.3% trong Tháng 5.
Theo số liệu từ Thomson Reuters StarMine, tăng trưởng lợi nhuận toàn cầu đạt 32% trong vòng 12 tháng tới. Lợi nhuận cùng kỳ của các doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh hơn với tốc độ 36% nhờ sự dẫn dắt của ngành nguyên vật liệu và tài chính.
Barclays Capital nhận định, đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, sự bùng nổ của lợi nhuận doanh nghiệp là một dấu hiệu lạc quan cho hoạt động kinh tế.
Theo thống kê của ngân hàng này, kể từ năm 1950, chỉ có 6 lần tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp đạt 30%.
“Thường thì theo sau mỗi giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GDP đạt ít nhất 3% trong năm tiếp theo và tăng trưởng việc làm đạt 1.9%.”, Barclays nhận định.
Rủi ro tiềm ẩn khắp nơi
Con đường phía trước nhiều khả năng không suôn sẻ hơn mấy so với tình hình 6 tháng qua.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào các mặt tích cực thì nền kinh tế số 1 thế giới đang bộc lộ một số dấu hiệu hồi sinh với thị trường việc làm tăng trưởng tháng thứ năm liên tiếp.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I được điều chỉnh giảm từ 3.2% xuống 3%. Dù vậy đây cũng là tốc độ tăng trưởng khả quan bất chấp khủng hoảng nợ Hy Lạp.
Tuy nhiên, những rủi ro kinh tế và chính trị vẫn đang tìm ẩn.
20 tháng sau vụ sụp đổ lịch sử của Lehman Brothers, đạo luật cải cách quy định thị trường tài chính của Mỹ sẽ sớm phê chuẩn. Theo dự đoán thì kết quả duy nhất mà đạo luật này mang lại chính là cắt giảm lợi nhuận của các ngân hàng, công ty môi giới và nhà quản lý quỹ trên thị trường tài chính Wall Street.
Các biện pháp khắc nghiệt tại châu Âu với nỗ lực ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ công nhiều khả năng làm giảm đà phục hồi của nền kinh tế trong các năm tới và khiến nhà đầu tư rút lui khỏi khu vực này.
Gói giải cứu 1,000 tỷ USD của Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ là một giải pháp mang tính tình thế.
Hoạt động sản xuất toàn cầu, dù cải thiện, nhưng đã chậm lại trong Tháng 5. Do đó, các chính phủ không tỏ ra vội vã trong việc rút lui khỏi các biện pháp kích thích kinh tế. Điều đó đồng nghĩa với việc rủi ro đối với các doanh nghiệp đi vay sẽ được dỡ bỏ.
Lãi suất toàn cầu dự đoán vẫn đứng ở mức thấp. Tại Mỹ, cơ hội nằm ở việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ nguyên lãi suất siêu thấp cho đến hết năm 2010 với mục đích duy trì đà phục hồi của nền kinh tế.
Vietstock