Kinh tế Mỹ tiếp tục đón tin tốt trong khi đó kinh tế Nhật được dự báo tiếp tục chìm sâu trong khó khăn, chính phủ sẽ phải vay tiền nhiều chưa từng có trong năm 2012.
Năm tài khóa 2012, Nhật sẽ vay tiền nhiều chưa từng có
Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành khối lượng trái phiếu mới trị giá 44.200 tỷ yen trong tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2012, chất cao thêm "núi" nợ công hiện đã gần gấp đôi Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của nước này và biến Nhật Bản thành quốc gia ghi nhận mức nợ công lớn nhất trong số các nước công nghiệp phát triển.
Dự thảo ngân sách mới cũng dự báo một thời kỳ khó khăn về tài chính đối với Nhật Bản, khi thu nhập từ thuế chỉ đạt trên 42.300 tỷ yen. Trong khi đó, phí tổn vay mượn ước tính là gần 22.000 tỷ yen, tương đương 1/4 tổng ngân sách tài khóa mới và khoảng 51,8% thu nhập từ thuế. Giới phân tích cho rằng ngân sách tài khóa mới của Nhật Bản giảm 2,2% so với ngân sách tài khóa hiện nay.
Nhật Bản tăng ngân sách ODA trong tài khóa 2012
Theo dự toán ngân sách tài khóa 2012 (bắt đầu từ tháng 4/2012) được nội các của Thủ tướng Yoshihiko Noda nhất trí ngày 24/12, tổng ngân sách ODA, bao gồm các khoản đóng góp cho một số tổ chức quốc tế, là 1,85 nghìn tỷ yen (tương đương 23,7 tỷ USD), tăng 2% so với tài khóa 2011.
Ngân sách được cấp cho các chương trình phát triển do Bộ Ngoại giao Nhật Bản chủ trì là 418 tỷ yen (5,35 tỷ USD), tăng 0,3%, trong khi các khoản viện trợ không hoàn lại là 161,6 tỷ yen (2,06 tỷ USD), tăng 6,4%.
Nhà đầu tư đang rút tiền khỏi khu vực Đông Nam Á
Theo FT, vài tháng gần đây, lượng vốn rút khỏi nhóm nước thuộc khu vực Đông Nam Á đang tăng cao hơn bởi nhà đầu tư nước ngoài giảm nắm giữ trái phiếu đồng nội tệ của nhiều nước trong khu vực.
Ví dụ tại Indonexia, lượng sở hữu trái phiếu chính phủ đồng nội tệ đã giảm 51% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11/2011 (theo số liệu từ JP Morgan Chase). Đồng nội tệ của Indonexia đã giảm tới 7% so với đồng USD. Tại Thái Lan, nhà đầu tư nước ngoài giảm sở hữu trái phiếu đồng bath, mức sụt lên tới 24% trong cùng kỳ. Trong báo cáo quý gần đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) nhấn mạnh châu Á dễ chịu tác động nhất từ khả năng dòng vốn bị rút đi đột ngột bởi tiền từ các ngân hàng nước ngoài chủ yếu đến từ hoạt động cho vay liên biên giới chứ không phải hoạt động tín dụng nội địa.
Thị trường lao động Mỹ bất ngờ tiến triển tốt
Bộ Lao động Mỹ công bố số lượng người thất nghiệp lần đầu giảm 4 nghìn xuống 364 nghìn trong tuần kết thúc ngày 17/12/2011. Các chuyên gia đã dự báo số lượng người thất nghiệp lần đầu tăng lên mức 380 nghìn.
Hoạt động sa thải chậm lại có thể giúp số lượng việc làm tăng, tiêu dùng người dân phục hồi. Tiêu dùng người dân hiện đóng góp khoảng 70% vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, khả năng kinh tế châu Âu suy thoái và bế tắc chính trị tại Washington có thể khiến một số công ty ngại ngần tuyển dụng.
Một số công ty đang sa thải bớt nhân viên. Morgan Stanley, ngân hàng lớn thứ 6 tại Mỹ, trong tuần trước công bố ngân hàng có kế hoạch sa thải khoảng 1.600 việc làm khi doanh thu kinh doanh từ bộ phận ngân hàng đầu tư và tự doanh giảm.
Các ngân hàng châu Âu vay mượn quá nhiều từ ECB
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 21/12 cho biết các ngân hàng khu vực trong hơn một năm qua đã vay gần 500 tỷ euro từ ngân hàng này với lãi suất thấp.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khoản vay kỷ lục này chưa đủ để dập tắt cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ làm tan vỡ đồng tiền chung châu Âu và đẩy kinh tế thế giới vào thời kỳ suy thoái mới.
Khoảng 523 ngân hàng đã vay ECB khoản tiền 489,2 tỷ euro (641 tỷ USD) với lãi suất chỉ 1% và với kỳ hạn 3 năm, dài hơn nhiều so với kỳ hạn tối đa một năm được áp dụng trước đó.
Mark Mobius: Khủng hoảng nợ châu Âu sẽ kết thúc vào tháng 6/2012
Ông Mark Mobius, nhà điều hành quỹ Franklin Templeton luôn đi đầu trong các hoạt động đầu tư vào thị trường mới nổi, cho rằng khủng hoảng nợ châu Âu có thể sẽ được giải quyết trước thời điểm giữa năm 2012.
Chủ tịch Franklin Templeton's Emerging Markets Group hiện đang quản lý tổng tài sản khoảng hơn 50 tỷ USD khẳng định nhà đầu tư đã nói quá về tác động của khủng hoảng nợ châu Âu. Ông tuy nhiên cảnh báo các hợp đồng phái sinh liên quan đến khủng hoảng nợ tiềm ẩn rủi ro với nhà đầu tư.
Ông Mobius nói: “Khủng hoảng châu Âu không tồi tệ như người ta tưởng. Các nước đang trong quá trình bàn thảo và điều đó cần đến thời gian.”
Nguồn tin: TTVN