Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế tài chính trong nước tuần 29/03 - 02/04

Tài chính - ngân hàng: Sẽ hạ mặt bằng lãi suất. Quyết liệt kiềm chế lạm phát, sẽ tìm cách hạ mặt bằng lãi suất, đang trình Chính phủ việc thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu… là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2010 diễn ra chiều ngày 1/4.  

 Để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiên quyết chống lạm phát và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2010, Chính phủ thống nhất chủ trương sẽ thực hiện cho vay với lãi suất thương mại thỏa thuận đối với những dự án đạt hiệu quả kinh tế cao; dùng Quỹ bình ổn giá hoặc giãn thuế để điều chỉnh giá xăng dầu, cụ thể là Bộ Tài Chính kiến nghị Thủ tướng cho phép giãn thời gian giữa các đợt điều chỉnh giá lên 30 ngày (theo quy định tại Nghị định 84 là 10 ngày). Đồng thời giữ ổn định giá điện, giá than bán cho ngành điện; đặc biệt kiểm soát chặt chẽ giá một số mặt hàng chiến lược như xi măng, đường, thép.

Vay ngắn hạn sẽ theo cơ chế lãi suất thỏa thuận. Chủ trương này đã được thống nhất tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 (diễn ra từ 30/3 đến 1/4) và được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến tuyên bố. Cụ thể là với các dự án sản xuất kinh doanh vay vốn dưới 12 tháng nếu hiệu quả, ngân hàng có thể áp dụng cơ chế thỏa thuận lãi suất, thay vì bị khống chế bởi mức trần 12% một năm hiện nay.

Lãi huy động VND âm thầm phá rào: Sự phá rào âm thầm là điều được tiên đoán trước khi mà có nhiều ý kiến cho rằng nên xóa ngay trần lãi suất (LS) huy động nhằm thông luồng tăng trưởng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Với một loạt các phương thức tặng tiền khuyến mãi theo tỷ lệ % số tiền gửi, hay thưởng lớn cho người tái tục gửi tiền, LS huy động VND thực tế tại một số ngân hàng đã vượt qua trần quy định. Các NHTM cổ phần như Oceanbank, Eximbank… hiện đang là nhóm dẫn đầu khi đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn, với việc tăng thêm LS từ 0,24% đến 0,36%, khi khách hàng tái gửi tiền.

USD rơi xuống đáy giá cuối năm 2009: Tuần qua, đồng USD tại thị trường Việt Nam có nhiều biến động giảm. Sáng 2/4, giá USD tự do trên thị trường Hà Nội giảm mạnh, chạm mức 19.200 đồng/USD. Đây là mức thấp nhất từ cuối năm 2009. Trong khi đó, tỷ giá chính thức của hệ thống ngân hàng không có nhiều thay đổi. Tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn ở 18.544 đồng/USD, còn tại các ngân hàng thương mại là 19.070 - 19.100 đồng/USD.

Đề xuất lập SCIC của Hà Nội: Đề án lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Hà Nội vừa chính thức được trình lãnh đạo thành phố phê duyệt. Mục đích để hình thành một doanh nghiệp làm chủ đại diện sở hữu nhà nước đối với phần vốn của nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp, nhằm làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, tăng tính hiệu quả của phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của Hà Nội. Năm 2005, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC, trực thuộc Bộ Tài Chính với chức quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Tiếp tục “neo” giá xăng và bắt đầu xả Quỹ bình ổn: Sau 10 ngày ‟nín thở‟ chờ đợi với lệnh giữ giá bán xăng dầu đầu tiên, rốt cục, 1.500 tỷ đồng tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bắt đầu được ‟khơi thông‟ với lệnh của Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính bà Nguyễn Thanh Hương, cho phép doanh nghiệp tiếp tục trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định. Tuy nhiên, lệnh này của Bộ Tài Chính vẫn chưa nêu rõ mức trích quỹ tại từng doanh nghiệp được phép tối đa là bao nhiêu mà chỉ đề cập đến việc doanh nghiệp đầu mối chịu trách nhiệm về việc trích lập, sử dụng, hạch toán và quyết toán quỹ hàng năm theo quy định hiện hành. Ngày 02/04, Petrolimex cũng công bố, giá cơ sở mặt hàng A92 đã cao hơn 6,8% so với giá bán lẻ hiện hành. Tỷ lệ chênh lệch đối với dầu diesel 6,5%, đối với dầu hỏa là 6,3% và dầu madut chênh 2,6%.

Không tăng tiếp giá than bán cho điện: Đầu tháng 3, ngay sau khi giá điện năm 2010 được công bố tăng 6,8%, TVK đã mở cuộc họp báo bày tỏ mong muốn Chính phủ được tăng tiếp lần 2 giá bán than cho điện bằng giá thị trường ngày trong năm nay. Kiến nghị tăng thêm đợt 2 giá bán than cho điện ngay trong quý IV/2010 của TVK đã bị khước từ, bên cạnh đó đề xuất đòi tăng giá khí cho điện từ 1/4 của Tập đoàn Dầu khí VN vừa qua, Bộ Tài Chính cũng không đồng tình. Bởi giá điện mới đã chốt rồi. Hơn nữa, năm nay, cần ưu tiên kiềm chế lạm phát. Trước tình hình đó, TVK chỉ được tăng giá than cho điện một lần và tạm thời, phải lùi kế hoạch thị trường hóa giá than sang năm 2010. Khoảng trống chênh lệch giá của than bán cho điện sẽ được TVK tính toán, đưa vào giá than mới của năm sau.

Bắt đầu cơ cấu lại EVN. Với việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập 5 tổng công ty điện lực miền hoạt động trong lĩnh vực quản lý và phân phối điện năng là: Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Tp.HCM, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Trung, Nam, việc tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có bước khởi động tích cực. Là một trong 5 tổng công ty điện lực nói trên, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) ra mắt ngày 2/4/2010 được đánh giá là một bước nhằm trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp. Mô hình quản lý của công ty sau khi thành lập sẽ là mô hình Cty mẹ- Cty con, hạch toán độc lập. Trong đó, Công ty mẹ (EVN NPC) sẽ được tổ chức lại trên cơ sở Công ty Điện lực 1 (trước đây) và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của Tập đoàn Điện lực - EVN tại các Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình. Công ty mẹ sẽ hoạt động đa ngành, đa sở hữu, trong đó ngành nghề chính vẫn là kinh doanh điện năng. Riêng khâu bán điện, sẽ giao cho các công ty thành viên điện lực tỉnh bán điện trực tiếp hoặc qua các đại lý để bán điện đến các khách hàng tiêu thụ điện trên địa bàn quản lý. Đây cũng chính là tiền đề cho việc thực hiện chuyển hoá khâu phân phối điện theo cơ chế thị trường, phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện trong thời gian tới.

Lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động vì mất điện. Theo bản báo cáo nhanh cho Thủ tướng về sự cố mất điện hôm 28/3, nguyên nhân sơ bộ được xác định là hệ thống cung cấp điện cho các bơm dầu bôi trơn của những máy phát điện bị chạm đất gây dừng các bơm này, dẫn tới dừng toàn bộ hoạt động nhà máy. Ngay sau sự cố, các chuyên gia, kỹ sư nhà thầu tập trung khắc phục bằng cách nối hệ thống điện nhà máy với EVN để dùng điện lưới quốc gia. Sau hơn một giờ khắc phục sự cố, một số phân xưởng phụ trợ đã bắt đầu khởi động trở lại. Đến nay nhà máy đã nạp nguyên liệu vào các phân xưởng công nghệ chính. Dự kiến, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được khánh thành vào tháng 4, mặc dù vẫn còn 7 tồn tại kỹ thuật chưa xử lý triệt để.

Vật liệu xây dựng:

Giá thép, xi măng có thể tăng cao trong tháng 4. Dự báo trong tháng 4, giá xi măng tăng khoảng 5%, tương đương 50.000 - 70.000 đồng/tấn so với tháng 3.

Đối với thép, Cục Quản lý giá dự báo, giá thép bán trong nước cũng sẽ tăng cao và chỉ có thể ổn định trong tháng 6 tới. Ngoài tác động của giá xăng, dầu và than, lý do thép trong nước tăng giá còn do giá phôi thép thị trường thế giới có xu hướng tiếp tục tăng theo đà hồi phục của kinh tế thế giới. Tuy lượng tồn kho của các doanh nghiệp lớn, khoảng 66.000 tấn thép thành phẩm và phôi nhưng giá thép đã tăng trong tháng 3, giá thép vẫn tăng mạnh: Miền Bắc tăng 1,2 triệu đồng/tấn, miền Nam tăng 900.000 đồng/tấn.

Đối với xi măng, dự báo trong tháng 4, giá xi măng cũng tăng cao, khoảng 5%, tương đương 50.000 - 70.000 đồng/tấn so với tháng 3. Dù trong quý I, giá xi măng tại các nhà máy đã hai lần tăng: Tháng 1, giá xi măng tăng 5%; tháng 2, lại tăng tiếp khoảng 4%. Hơn nữa tháng 4 cũng là mùa cao điểm của xây dựng nên lượng vật liệu xây dựng tiêu thụ lớn khiến giá cũng đẩy cao so với ba tháng của quý I.

Thuỷ sản:

Cá tra, basa Việt Nam lại gặp rào cản khi vào Mỹ. Cá phải nuôi ở ao nông, sử dụng nước giếng khoan... là những quy định của Đạo luật Nông nghiệp Mỹ 2008 (Farm Bill 2008) buộc người nuôi cá VN tuân theo. Farm Bill 2008 được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua vào năm 2008. Tuy nhiên việc xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết cho đạo luật này đến nay chưa hoàn tất và đang trong tiến trình lấy ý kiến của công chúng. Dự kiến các quy định chi tiết mới sẽ đưa ra những tiêu chuẩn nuôi trồng khắt khe cho cá tra, cá basa bán vào Mỹ, giống như điều kiện nuôi cá tại Mỹ trong trường hợp hai loại cá này xếp vào loài cá da trơn (catfish). Nhưng theo các chuyên gia, những tiêu chuẩn này khá áp đặt vì điều kiện nuôi mỗi nước khác nhau, chưa kể khác nhau cả về con giống, thức ăn, môi trường tự nhiên… Thời hạn áp dụng đạo luật hiện vẫn chưa được xác định, song cũng đã dấy lên mối lo cho những doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam.

stockbiz

 

  

 

  

ĐỌC THÊM