Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế tài chính trong nước tuần qua

Lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn sau một thời gian ngắn triển khai được một số NHTMCP đẩy lên mức khá cao: 18-20%/năm

GDP Quý I/2010 của Hà Nội dự kiến tăng 8,7%: Năm 2010, tổng vốn đầu tư xã hội Hà Nội dự kiến khoảng 170 nghìn tỷ đồng với 352 dự án đang triển khai và 206 dự án trong giao đoạn chuẩn bị đầu tư do Thành Phố trực tiếp quản lý. Để phấn đấu kết quả cao nhất mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chính phủ đặt ra mục tiêu GDP tăng 6,7%; quý I/2010 dự kiến tăng 8,7%, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội từ 9,5% đến 10%, triển khai tốt các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính: CPI tháng 3 có thể tăng 0,5%: Theo Bộ trưởng Ninh, CPI 2 tháng đầu năm 2010 tăng cao không có gì bất thường so với các năm trước, trừ các năm 2008, 2009 là những năm có biến động kinh tế lớn. Nguyên nhân chủ yếu là thời điểm có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhu cần và sức mua tăng; ngoài ra còn do tác động giá thế giới tăng nhẹ, tỷ giá USD/VND tăng… Dựa trên con số chưa được công bố chính thức nhưng CPI của Hà Nội tháng này có thể tăng khoảng 0,3-0,4%, CPI của Tp.HCM có thể thấp hơn, thì CPI cả nước tháng 3/2010 có thể tăng khoảng 0,5%. Về nguyên nhân dẫn tới mức tăng khá cao của CPI tháng này, ngoài nguyên nhân giá tăng trong dịp rằm tháng Giêng còn do nhiều loại nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất đã tăng khá mạnh như xăng dầu, điện, nước…

Tp.HCM và HN Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 08% và 0,7%: Theo thông tin của Cục Thống Kê Tp.HCM, trong tháng 3 chỉ số CPI trên địa bàn đã tăng 0,7% so với tháng trước. Tính đến đầu năm nay, chỉ số đã có mức tăng 3,78% bình quân tăng 1,26%/tháng. So với cách đây một năm, CPI tại thành phố có mức tăng 10,27%. Trong khi đó CPI tháng 3 của Hà Nội dự báo có thể tăng từ 0,5% đến 0,7% so với tháng 2. Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến CPI tháng này là do giá xăng tăng 590 đồng/lít ngày 21/1; giá vận chuyển ở hầu hết các doanh nghiệp cũng tăng; nhiều mặt hàng thuốc tây tăng giá; giá gas tăng bình quân 3%, giá thép bình quân 3%, giá sữa tăng từ 8% đến 10%...

Đã bán được trái phiếu: Ngày 10/3/2010 đợt 3 phát hành trái phiếu Chính phủ của năm nay bất ngờ thành công ngoài dự kiến khi 3.020 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 200 tỉ đồng kỳ hạn 3 năm đã bán được. Yếu tố làm nên sự bất ngờ lần này của trái phiếu chính là lãi suất. Bộ Tài Chính đã chấp nhận lãi suất trúng thầu của cả 2 kỳ hạn nói trên là 12%/năm, đúng bằng trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà Nước quy định, cao hơn mức lãi suất ấn định cho đợt phát hành lần trước vào tháng 2/2010 tới 1 điểm phần trăm. Người mua là các ngân hàng Hàng Hải, Vietinbank, Techcombank, ACB, Quốc tế, Eximabank, BIDV… nhiều nhất là 800 tỉ đồng, ít nhất là 20 tỉ đồng.

Kinh tế tài chính trong nước tuần qua, Tiền-Vàng-Chứng khoán,

Bộ Tài Chính đã chấp nhận lãi suất trúng thầu của cả 2 kỳ hạn nói trên là 12%/năm, đúng bằng trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà Nước quy định.

Lãi vay VND chạm ngưỡng 20%/năm: Lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn sau một thời gian ngắn triển khai được một số NHTMCP đẩy lên mức khá cao: 18-20%/năm, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngưỡng lãi suất này khó có thể bị phá bỏ và đạt ngưỡng cao hơn trong thời gian tới. Trong khi cho vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh theo quy định vẫn ở mức 12%/năm. Một số ý kiến cho rằng việc bỏ trần lãi suất đối với các khoản cho vay trung và dài hạn có thể làm cho lãi suất trong giai đoạn đầu sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bố trí sản xuất, thêm vào đó nó cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động tài chính của ngân hàng.

Ngân hàng tìm cách “lách” trần lãi suất huy động. Nhiều ngân hàng đang tung ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, không chỉ tặng tiền mặt, vàng hay lãi suất tương ứng với số tiền và kỳ hạn gửi, mà còn đưa ra những hình thức rút thăm trúng thưởng với giá trị giải thưởng rất lớn. Với mức lãi suất huy động chạm đỉnh như hiện nay, nếu cộng thêm lãi suất khuyến mại thì lãi suất huy động thực tế tại một số ngân hàng đang vượt trần lãi suất huy động cho phép. Phải chăng các ngân hàng đang tìm cách “lách” luật để huy động vốn nhằm cung ứng cho các khoản vay theo lãi suất thỏa thuận.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước tuần qua, lãi suất cho vay theo cơ chế thỏa thuận tại các ngân hàng đang ở mức từ 15% đến 20%, nếu so sánh với lãi suất đầu vào hiện nay tại các ngân hàng, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra (NIM) đang rất lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng bất chấp quy định trần lãi suất cho vay để huy động vốn. Để giải quyết những bất hợp lý trên, một số chuyên gia kinh tế nhận định, bỏ trần lãi suất huy động là cần thiết để lãi suất vận động theo cơ chế thị trường và tạo ra sự cân bằng trong các hoạt động của ngân hàng.

Xăng dầu: Lỗ hơn 800 đồng, giá xăng có thể sắp tăng. Sau 10 ngày giảm giá các mặt hàng dầu và 22 ngày tăng giá xăng, đến nay, bốn mặt hàng xăng dầu lại tiếp tục lỗ. Cũng bắt đầu từ ngày 18/3, Petrolimex chính thức đăng tải trên website của Công ty bảng số liệu kết cấu giá thành của 4 mặt hàng xăng, dầu.

Theo các số liệu đầu vào, cập nhật mới nhất là đến ngày 12/3, Petrolimex cho biết, hiện, đối với xăng A92, giá thành phẩm bình quân 30 ngày qua trên thị trường Singapore là 86,339 USD/thùng. Giá cơ sở của mặt hàng này là 17.816 đồng/lít. Như vậy, so với mức 16.990 đồng/lít, xăng A92 đang “âm” 826 đồng/lít. Tương tự, sau khi cộng đủ các yếu tố chi phí đầu vào, giá cơ sở của dầu hỏa và dầu mazut cũng đều cao hơn so với giá bán lẻ, khiến hai mặt hàng này hiện cũng đang lỗ 619 đồng/lít và 390 đồng/kg. Chiểu theo Nghị định 84, các thông tin trên cho thấy, mức tăng giá thành của các mặt hàng xăng dầu đều dưới 7% và đến nay, đã quá giới hạn cách nhau 10 ngày giữa 2 lần điều chỉnh. Do đó, nhiều khả năng, các đơn vị xăng dầu sẽ tăng giá bán lẻ trong nay mai.

Điện: PVN đề nghị tăng giá khí bán cho ngành điện. Theo Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ tăng giá bán khí cho ngành điện. Theo đó, từ 1/4/2010, PVN xin tăng giá bán khí khai thác từ bể Nam Côn Sơn và giá khí khai thác từ bể khí Cửu Long. Tuy nhiên, phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại phản đối đề nghị này do giá điện vừa tăng từ 1/3, chưa tính đến yếu tố tăng giá khí bán cho ngành điện. Hơn nữa, giá khí bán cho ngành điện đã được tăng từ cuối năm 2009. Kiến nghị tổ chức lại đơn vị phát điện của EVN. Ngày 17/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án tổ chức lại các đơn vị phát điện của EVN nhằm tiến tới thực hiện cải tổ mô hình tổ chức và chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh. Theo ba phương án đề xuất của EVN, các nhà máy điện (gồm các công ty cổ phần phát điện do EVN nắm giữ cổ phần chi phối, các công ty phát điện do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ và các dự án đầu tư nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư tính đến năm 2015) sẽ được nhóm lại thành hai, ba hoặc bốn công ty phát điện độc lập (gọi tắt là GENCO). EVN sẽ tiếp tục quyết định các vấn đề quan trọng, các chủ trương, định hướng, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính, tổ chức nhân sự.

Thép: Thép xây dựng tăng giá và sẽ cạnh tranh khốc liệt. Tình trạng giá phôi thép và thép phế trên thị trường thế giới tăng liên tiếp trong thời gian qua cùng với việc tăng giá xăng dầu, điện than... từ đầu tháng 3 đến nay khiến giá bán thép xây dựng trong nước đã tăng thêm 250.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và tăng 150.000 đồng/tấn đối với thép cây. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mặc dù giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng mạnh nhưng nguồn cung rất hạn chế do tình hình kinh tế các nước đã bắt đầu hồi phục, nhu cầu cho xây dựng ngày càng tăng cao. Hiệp hội cũng nhận định, giá thép trong nước sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động từ chi phí đầu vào như xăng, điện, than, tỷ giá ngoại tệ... Ngoài ra, thép trong nước vẫn còn phải cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là từ các nước ASEAN được nhập khẩu miễn thuế. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép cần áp dụng các biện pháp ổn định sản xuất, củng cố hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh giá bán linh hoạt hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm ngay trên thị trường trong nước.

Stocknews

ĐỌC THÊM