Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Kinh tế TG khó rơi vào suy thoái kép"

Đó là nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Dominique Strauss Kahn tại một hội nghị ở thành phố Daejeon (Hàn Quốc) hôm 12/7.

Ông Dominique Strauss Kahn cho rằng, khả năng suy thoái kép là khó có thể có, vì châu Á đang dẫn đầu tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, người đứng đầu IMF kêu gọi giới tài chính châu Á đề cao cảnh giác trước nguy cơ xảy ra các "rủi ro về kinh tế" trên thế giới.

Tại cuộc họp báo sau một hội nghị quốc tế mang tên "Châu Á thế kỷ 21: Dẫn đầu con đường tiến lên phía trước”, Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn nhận định rằng, kinh tế toàn cầu ít có khả năng rơi vào suy thoái thêm một lần nữa, và rằng sự phục hồi của kinh tế thế giới đang diễn ra đúng hướng.

Ông Dominique Strauss-Kahn, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế: "Chúng tôi dự đoán mức độ tăng trưởng trong năm 2011 sẽ thấp hơn chút ít so với năm 2010, nhưng hoàn toàn không phải là một dạng của suy thoái kép. Cho dù tăng trưởng có cao hơn hay thấp hơn chút ít, thì vấn đề ở đây vẫn khác xa với bất kỳ dạng suy thoái kép nào”.

Ông Kahn đánh giá cao vai trò của châu Á như một "nhà máy điện kinh tế toàn cầu" sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới, và cho rằng, châu Á sẽ trở thành đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới đi lên.

"Tôi xin được nhấn mạnh vai trò đi đầu và ngày càng tăng của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu. Điều này có nguyên nhân từ sự phục hồi sau khủng hoảng, cùng thực tế rằng châu Á đang dẫn đầu sự phục hồi đó”. Ông Dominique Strauss-Kahn nói.

Mới đây nhất, hôm 8/7, IMF dự báo, tăng trưởng của châu Á trong năm nay đạt 7,5%, cao hơn 3% so với nhịp độ tăng trưởng trung bình của thế giới. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF cũng cảnh báo, các quốc gia châu Á cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những rủi ro trong quá trình phục hồi của kinh tế thế giới, như vấn đề nợ công chồng chất trong EU, đà phục hồi còn chậm tại Mỹ, những nguy cơ xuất hiện trong lĩnh vực tiền tệ khi mà nhiều quốc gia mới nổi nắm giữ quá nhiều ngoại tệ như đồng USD hay Euro.

IMF cho rằng, các yếu tố này có thể phương hại đến đà phục hồi của châu Á, nên khuyến khích các quốc gia châu lục này tăng cường đầu tư và tiêu thụ nội địa để thúc đẩy tăng trưởng, trong trường hợp xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu gặp trở ngại.

VTV

ĐỌC THÊM