Tháng đầu tiên của năm 2018 kinh tế Việt Nam đã đạt những kết quả khá tích cực trên nhiều mặt. Đây sẽ là những bậc thang vững chắc đầu tiên để phấn đấu đi đến kết quả tăng trưởng như mục tiêu.
Chính phủ, các bộ, ngành xác định xây dựng thể chế chính sách là ưu tiên hàng đầu để tạo
đột phá cho huy động nguồn lực phát triển trong năm 2018. Ảnh: Trần Hải
Tiếp đà tăng trưởng cao của năm 2017
Tại phiên họp Chính phủ đầu tiên của năm 2018 diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá tháng 1/2018 tiếp đà của năm 2017, với sự chỉ đạo chủ động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,9%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đây là những động lực cho tăng trưởng GDP. Khách du lịch quốc tế tăng đến 42%, đạt trên 1,4 triệu lượt người. Doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao, trong đó có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới (cùng kỳ năm trước có gần 9.000 doanh nghiệp), và có thêm trên 4.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Dự trữ ngoại hối tăng lên gần 57 tỷ USD. “Mở đầu năm mới tốt hơn cùng kỳ năm 2017 với ấn tượng mạnh mẽ về một số chỉ tiêu, nhất là những trung tâm kinh tế lớn”, Thủ tướng đánh giá.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nhiều chỉ tiêu kinh tế có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 1/2018, nguyên nhân cơ bản là các ngành có đà từ tăng trưởng cao cuối năm 2017 và Chính phủ đã rút kinh nghiệm từ năm 2017. Bài học nhãn tiền của năm 2017 là quý I tăng trưởng rất thấp, dồn sức ép lớn vào các quý sau. Năm nay, Chính phủ đã quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng ngay từ cuối năm 2017. Đầu năm 2018, sau khi ban hành Nghị quyết 01, Chính phủ đã đưa ra các mốc thời gian cụ thể triển khai Nghị quyết, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bắt tay đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 ngay từ đầu năm. Ông Long cho rằng, đó là một dấu hiệu tốt trong điều hành và dự báo dù sẽ có sụt giảm trong tháng 2 do có dịp Tết Nguyên đán nhưng quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ cao hơn cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh, sự quyết tâm của Chính phủ là không đủ, đòi hỏi sự chuyển động nhanh chóng, kịp thời của tất cả các cấp và toàn xã hội. Hai chữ đầu tiên trong khẩu hiệu 10 chữ của Chính phủ năm nay là “kỷ cương” cho thấy lãnh đạo Chính phủ đã nhận diện được vấn đề lớn nhất trong điều hành của năm 2018, cho phép hy vọng sẽ có sự chuyển động kịp thời của toàn hệ thống trong năm nay. “Song đây là vấn đề rất khó, sức ì rất lớn, cần thiết phải có chế tài xử lý đủ sức răn đe mới có thể có chuyển động thực chất”, ông Long nhận định
Lưu ý lạm phát
Trong bức tranh kinh tế tháng 1, Thủ tướng Chính phủ lưu ý chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,51%, là mức tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, đặt ra đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa trong điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế để bảo đảm CPI tăng dưới 4% như mục tiêu đặt ra trong năm nay. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt những trung tâm lớn trước mắt chưa tăng các loại giá, phí có liên quan, phải quản lý tốt giá cả tiêu dùng với giải pháp cụ thể, căn cơ hơn.
Ông Ngô Trí Long cho rằng, lạm phát tháng 1 cao hơn cùng kỳ năm trước một phần do yếu tố thời vụ vì là tháng trước Tết Nguyên đán. Theo chu kỳ, thông thường lạm phát cao vào quý I và quý IV, đồng thời có thể bị tác động bởi việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, vì vậy thách thức lớn nhất trong quý I năm nay vẫn là kiểm soát lạm phát. Đồng thời lưu ý đến chất lượng tín dụng, kiểm soát tín dụng vào bất động sản và chứng khoán, tránh để xảy ra bong bóng sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho nền kinh tế.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 1, Thủ tướng nhấn mạnh, không thể lơ là, chủ quan, thỏa mãn với kết quả của tháng 1/2018. Tinh thần và cách làm như những tháng cuối năm 2017 phải được thể hiện trong quý đầu năm 2018. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận thẳng thắn về những vướng mắc, những rào cản về thể chế pháp luật, về sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành để tháo gỡ sớm nhất, nhanh nhất cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vì mục tiêu phát triển. Chính phủ, các bộ, ngành xác định xây dựng thể chế chính sách là ưu tiên hàng đầu để tạo đột phá cho huy động nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho phát triển trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Nguồn tin: Đấu thầu