Tốc độ sụt giảm của lĩnh vực chế tạo ở Mỹ đã chậm lại trong tháng 6, nhưng những báo cáo việc làm ảm đạm ở Mỹ và các số liệu kinh tế từ châu Âu và châu Á cho thấy sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm nay, nếu có, sẽ vẫn rất bấp bênh.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ các nước trên thế giới đã và đang nỗ lực đưa ra mức lãi suất thấp, đồng thời bơm rất nhiều tiền mặt vào nền kinh tế.
Viện Quản lý Cung của Mỹ ngày 1/7 cho hay lĩnh vực chế tạo của nước này giảm trong tháng thứ 17 liên tiếp trong tháng 6/09, tuy với tốc độ chậm hơn. Thêm vào đó, số nhà đất sắp hoàn tất việc mua bán tăng trong tháng thứ tư liên tiếp đã tiếp thêm hy vọng rằng sự suy sụp của thị trường nhà đất Mỹ trong 3 năm qua cuối cùng cũng sẽ kết thúc trong năm 2009.
Tình hình tiêu thụ ôtô ở Mỹ trong tháng 6/2009 cũng cho thấy người tiêu dùng lo ngại như thế nào về việc giá trị tài sản giảm và khả năng bị mất việc làm. Hãng chế tạo ôtô Ford Motor Co vừa thông báo doanh số bán ôtô của hãng trong tháng 6/09 giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy thế, hoạt động kinh doanh của Ford vẫn thuộc hàng tốt nhất trong số các hãng chế tạo ô tô lớn trên thế giới. Doanh số bán ôtô của Toyota giảm tới 31,9% trong cùng thời gian này.
Trong khi đó, hoạt động chế tạo của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) tiếp tục giảm trong tháng 6/09, mặc dù thấp hơn so với dự báo ban đầu. Chỉ số các Nhà quản lý mua Lĩnh vực chế tạo của eurozone tăng lên 42,6 điểm, so với 40,7 điểm trong tháng 5/09 - mức cao nhất kể từ tháng 9/09, tuy vẫn còn cách khá xa ngưỡng 50 điểm, danh giới giữa tăng trưởng và suy giảm.
Các số liệu kinh tế từ châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, có vẻ khả quan hơn so với châu Âu. Lĩnh vực chế tạo ở Trung Quốc đang tăng vững, trong khi xuất khẩu của Hàn Quốc giảm thấp hơn dự báo. Tại Nhật Bản, tâm trạng kinh doanh trong tháng 6/09 cải thiện thấp hơn dự báo. Nhà kinh tế chủ chốt thuộc Calyon Capital Markets Japan cho hay các công ty Nhật Bản đang vấp phải tình huống nghiêm trọng hơn so với các bên tham gia thị trường dự đoán.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong việc khôi phục tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đang nổi lên như là thách thức lớn nhất.
Theo báo cáo mới nhất của Automatic Data Processing, trong tháng 6 tại Mỹ có 473.000 việc làm trong lĩnh vực tư nhân bị cắt giảm, cao hơn con số dự báo của các nhà kinh tế nhưng thấp hơn so với số việc làm bị cắt giảm trong tháng 5 và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008.
Chủ tịch hãng Libertyview Capital Management tại New York, Rick Meckler, nhận định phục hồi kinh tế "là một quá trình lâu dài" và việc làm có thể sẽ là một trong những nhân tố phục hồi sau cùng.
Ngày 1/7 vừa qua đã đánh dấu thời điểm bắt đầu những tháng cuối của năm 2009 và như vậy dự báo cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục trước năm 2010 cũng sẽ được "thử lửa".
Axel Weber, thành viên Hội đồng Giám sát Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho rằng kinh tế thế giới sẽ chưa thể tăng trưởng trở lại trước thời điểm giữa năm 2010./.
Vietstock