Liên tiếp những tin tức không tốt lành trong nền kinh tế thế giới đã tạo nên một bầu không khí lo ngại bao trùm khắp nơi. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo "kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn nguy hiểm". Khối đồng tiền chung phân hóa sâu sắc Phản ứng của thị trường chứng khoán là thước đo nhạy cảm nhất đối với tình hình "sức khỏe" của kinh tế thế giới, chỉ cần một thông tin về một dấu hiệu không tốt ở châu Âu hay Trung Quốc cũng có thể khiến thị trường chao đảo. Thực tế, trong phiên giao dịch ngày 22/9, thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm khá mạnh, với Dow Jones giảm 3,5%, chỉ số phức hợp của thị trường Thượng Hải, Trung quốc giảm 4,9%, Standard & Poor's giảm 5%,… Sự tụt giảm các chỉ số thị trường chứng khoán toàn cầu phản ánh tâm lý hoang mang, lo ngại nơi các nhà đầu tư, khi nhìn vào những dự báo không mấy sáng sủa mà IMF đưa ra cho nền kinh tế thế giới và vài quốc gia chủ chốt. Chẳng hạn, dự báo của IMF đối với kinh tế Mỹ và khu vực đồng tiền chung euro là rất ảm đạm, với tỉ lệ tăng trưởng chỉ khoảng 1,5% trong năm nay. Với nước Anh, dự báo tăng trưởng năm 2011 đã giảm từ 1,5% xuống còn 1,1%, trong khi Đức và Canada có khá hơn chút đỉnh, với 2%. Dự báo chung cho kinh tế toàn cầu, năm 2012 sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 4% thay vì 5% như năm 2010. Ngày 22/9, lãnh đạo nhiều quốc gia (Anh, Canada, Australia, Hàn Quốc, Mexico,…) tham dự Hội nghị thường niên Đại hội đồng LHQ khóa 66 đã đồng loạt cảnh báo về nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới. IMF đã đưa ra một số nguyên nhân cơ bản khiến cho kinh tế tiếp tục lâm nguy và nguy cơ suy thoái đang rất cao. Đó là những vấn đề lủng củng về chính trị nội bộ ở Mỹ và châu Âu, khủng hoảng nợ ở châu Âu, khả năng hồi phục khó khăn của kinh tế Mỹ do nhiều yếu tố nội tại không ổn định và nợ công ở mức quá cao. ở châu Âu, khủng hoảng nợ công tiếp tục hoành hành chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Hy Lạp sẽ "hết tiền" vào tháng 10/2011, cho nên đang nỗ lực tối đa để tránh phá sản, đồng thời thực thi thêm những khoản cắt giảm chi tiêu theo yêu cầu bổ sung của EU và IMF nhằm tiếp nhận thêm 11 tỉ USD tiền cứu nợ. Nhưng chính sách thắt lưng buộc bụng lại gặp phải sự phản đối gay gắt của công chúng, những người hưởng phúc lợi xã hội, vì thế lại tạo ra thêm bất ổn xã hội. Hy Lạp chưa xong, đến lượt Italia chuẩn bị "khủng hoảng". Ngày 19/9, Italia đã bị hãng đánh giá tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor's hạ bậc tín nhiệm nợ công từ A+ xuống còn A. Việc hạ bậc tín nhiệm này cho thấy nợ của Italia đang ngày càng "xấu". Mặc dù Quốc hội Italia đã thông qua khoản cắt giảm chi tiêu trị giá lên đến 62 tỉ USD, giới phân tích vẫn dự báo Italia có khả năng biến thành một Hy Lạp thứ 2. Rồi sau Italia, sẽ có thêm những quốc gia nào nữa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Ailen sẽ tiếp tục trở thành những con nợ mất khả năng chi trả? Theo giới phân tích, những vấn đề của kinh tế các nước có nguyên nhân quan trọng từ những bất ổn trong hệ thống chính trị của khối. ở khu vực đồng tiền chung euro, thái độ thờ ơ, hoài nghi và sự thiếu quyết tâm của giới chức chính trị đã dẫn đến thất bại trong việc tạo ra một nền kinh tế chung liên kết chặt chẽ, từ đó cũng kéo theo thất bại trong việc ngăn ngừa và xử trí tình trạng khủng hoảng kinh tế trong 2 năm qua. Đến bây giờ, khi nguy cơ tan rã khu vực đồng tiền chung euro đã hiện rõ hơn bao giờ hết, lãnh đạo nhiều nước ở châu Âu bắt đầu nói đến việc "sa thải" Hy Lạp ra khỏi khối. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng đây không phải là giải pháp hiệu quả để đối phó với khủng hoảng nợ. Khủng hoảng nợ của Hy Lạp (và một số quốc gia khác) chỉ là một biểu hiện "hậu quả" của những vấn đề dã tồn tại từ nhiều năm qua nhưng giới chức chính trị châu lục đã không động chạm đến. Trong khi đó, ở Mỹ, sự trì trệ của nền kinh tế là hậu quả của sự đấu đá chính trị giữa 2 đảng trong mùa bầu cử. Đảng Cộng hòa chỉ trích các chính sách điều hành kinh tế của Tổng thống Obama nhưng lại không đưa ra được giải pháp nào hiệu quả hơn. Chỉ có một điều duy nhất buộc cả 2 đảng cùng nhau thỏa hiệp là quyết định nâng mức trần nợ công vừa qua. Điều này tạm thời giúp nước Mỹ tránh "phá sản", nhưng về lâu dài nguy cơ suy thoái vẫn treo lơ lửng. Nếu Hy Lạp vỡ nợ, nhiều khả năng khu vực đồng tiền chung euro sẽ tan rã, kinh tế thế giới sẽ bước vào suy thoái. Viễn cảnh nguy hiểm này khiến các lãnh đạo trên thế giới không thể khoanh tay đứng nhìn. Tất cả đều cùng quan điểm cho rằng châu Âu đang ở thời điểm hoặc là phải hành động ngay và hành động quyết liệt hoặc là chấp nhận thất bại, để cho đồng tiền chung tự động tan rã. Và tất cả đều đưa ra những giải pháp "cấp tiến" cho tình hình nguy ngập hiện nay. Tham gia một hội nghị các bộ trưởng tài chính châu Âu tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner đã kêu gọi huy động một "nguồn lực cực lớn" để cứu đồng euro. Thủ tướng Trung Quốc ôn Gia Bảo đã lên tiếng "hứa giúp đỡ", trong khi Bộ trưởng Tài chính Nga Alaxei Kudrin kêu gọi EU hành động quyết liệt, kịp thời nhằm ngăn chặn khủng hoảng tiến sâu thêm. Chủ tịch ủy ban châu Âu José Manuel Barroso đưa ra giải pháp phát hành trái phiếu euro (eurobond) nhằm chia sẻ trách nhiệm chung trong 17 quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung, nhưng giải pháp này đã từng bị Thủ tướng Đức Angela Merkel bác bỏ hồi đầu tháng 9/2011. IMF nhấn mạnh, lãnh đạo mạnh mẽ, quyết tâm cao là yếu tố quyết định việc ngăn chặn nguy sơ suy thoái kinh tế ở Mỹ và khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung euro. Phản ứng chậm chạp, sự thiếu liên kết và hoài nghi lẫn nhau trong giới chính trị sẽ chỉ làm cho khủng hoảng nặng thêm, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu càng gần hơn.
Chứng khoán toàn cầu ngày 22/9 giảm mạnh do những quan ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Thất nghiệp - căn bệnh trầm kha
Hơn 22,7 triệu người dân châu Âu đang thất nghiệp, trong đó có 5,1 triệu người dưới 25 tuổi. Riêng khu vực đồng euro có đến 15,7 triệu người thất nghiệp, trong đó có 3,1 triệu thanh niên. Đó là số liệu do Phòng Thống kê Eurostat của EU công bố vào ngày 31/8 vừa qua.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2008, một số người đã đưa ra dự báo lạc quan. "Sự ổn định tỉ lệ thất nghiệp tại châu Âu diễn ra trong 6 tháng cuối năm 2010 có thể cho ta hy vọng một sự cải thiện vào năm 2011 - tức 1 năm rưỡi sau khi nền kinh tế thế giới hồi phục - bởi vì biến chuyển của sự tăng trưởng luôn tác động đến việc làm" - Stefano Scarpetta, trợ lý giám đốc Sở Lao động Xã hội của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE), cho biết.
Nhưng sự cải thiện đó đã không diễn ra. Tỉ lệ thất nghiệp trong khu vực vẫn ở mức 10% từ hơn một năm nay. Và trong quý II năm 2011, sự tăng trưởng của Pháp lại trở về mức 0 trong khi tại Đức chỉ số PIB chỉ là 0,1% so với 1,3% trong quý trước. S.Scarpetta giờ lại đưa ra nhận định: "Những con số thất nghiệp tệ hại đó không phải là một bất ngờ".
Tình trạng việc làm trong khu vực đã xấu đi ngoài dự đoán của OCDE. Tất nhiên là có một sự khác biệt giữa các nước trong khu vực và tình thế cũng khác nhau. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng này: cơ cấu của thị trường lao động, thời cơ kinh tế và sự thích nghi với chính sách lao động.
Ở một bên người ta thấy có Ailen và Tây Ban Nha. Hai quốc gia này do ảnh hưởng của bong bóng địa ốc nên có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong khu vực, tương ứng là 14,5% và 21,2% trong tháng 7. Hai nước này bị ảnh hưởng của thời cơ và cơ cấu. Tây Ban Nha dựa vào sự linh hoạt của thị trường lao động để thúc đẩy sự tăng trưởng và đã thành công, trong năm 2008 có 1/3 lao động hợp đồng có thời hạn. Nhưng cuộc khủng hoảng đã khiến họ bị thất nghiệp, hơn thế nữa một nửa trong số đó lại làm việc trong lĩnh vực địa ốc vốn bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng.
Giới trẻ và người lớn tuổi luôn là những kẻ bị sa thải đầu tiên khỏi thị trường lao động. Tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ Tây Ban Nha hiện nay là 46,2%.
“Trong khu vực đồng euro, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất được ghi nhận ở những nơi nào có chính sách thắt lưng buộc bụng mạnh nhất như Tây Ban Nha, Ailen hay Hy Lạp" - nhà kinh tế học Mathieu Plane phân tích. Chỉ trong vòng một năm, tỉ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp đã tăng từ 11% lên 15%.
NGƯỜI NGHÈO Ở MỸ VƯỢT QUÁ 1/6 DÂN SỐ Theo báo cáo mới được công bố của Viện Chính sách kinh tế Hoa Kỳ có trụ sở tại thủ đô Washington D.C, thì lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ qua, số người Mỹ lâm vào cảnh nghèo khó đã lên tới 46,2 triệu người, chiếm 15,1% hay quá 1/6 tổng số dân. “Chuẩn nghèo” ở Mỹ quy định cho một gia đình 4 người có mức thu nhập là 22.314USD/năm (16.300euro/năm), còn hộ gia đình độc thân là 11.139USD/năm. Người Mỹ gốc Phi chiếm tỉ lệ đông đảo nhất với 27,4% tổng số hộ nghèo khó, kế đến là người Mỹ gốc Latinh chiếm 26,6%. Số người không có bảo hiểm y tế cũng tăng thêm 900 nghìn người trong vòng một năm qua, lên đến gần 50 triệu người chiếm 6,25% dân số. Còn theo Quỹ Casey chuyên về trẻ em cho biết hiện có hơn 20% trẻ em Mỹ sống trong cảnh nghèo đói, tương ứng với con số thống kê là 14,5 triệu trẻ em. Được biết, trong 34 nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hoa Kỳ xếp thứ 31 về tỉ lệ người nghèo trong xã hội, chỉ đứng trên 3 quốc gia khác là Chile, Israel và Mexico. Ngoài ra báo cáo cũng so sánh trong 3 thập niên qua kể từ năm 1980 đến nay, tuy mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ đã tăng 11% nhưng đà lạm phát lại tăng tới 155% làm tăng số hộ nghèo khó. Thu Hường (theo EPA) |
Ở phía ngược lại, trong số các tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu, Hà Lan nổi bật với chỉ 4,3%. "Hà Lan có thời gian làm việc trong năm thấp nhất EU, chính cơ chế chia sẻ thời gian lao động đó đã giúp nước này hạn chế sự gia tăng thất nghiệp dù gặp khủng hoảng" - Plane nhận xét.
Tỉ lệ thất nghiệp thấp của Đức (6,1% trong tháng 7, liên tục giảm từ một năm nay) một phần là do tính năng động, vì người Đức đã nhanh chóng biết thích nghi với chính sách lao động trước cuộc khủng hoảng bằng cách kêu gọi các xí nghiệp sử dụng công nhân một phần thời gian thay vì sa thải. "Trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất, Đức có 1 triệu rưỡi công nhân làm việc một phần thời gian so với Pháp chỉ có 300.000 người" - Plane giải thích.
Tại Italia, giới trẻ không còn hy vọng vào tương lai nữa. Hiện nay chỉ có 47% thanh niên Italia mơ có được một hợp đồng làm việc toàn thời gian. Chỉ còn 20% thanh niên so với 50% vào năm 2007 mong nhận được mức lương 1.000 euro/tháng. Nguyên nhân của sự mất niềm tin đó là tỉ lệ thất nghiệp tại nước này luôn nằm trong số những nước cao nhất châu Âu. Ngày 28/8 vừa qua, Liên đoàn Thủ công nghệ Italia cho biết có 1,138 triệu người dưới 35 tuổi không có việc làm. Tổng cộng từ năm 2008 đến 2011, số lượng công nhân dưới 35 tuổi đã giảm bớt 926.000 người.
Theo Michele Pasqualotto thuộc Trung tâm Nghiên cứu về giới trẻ Italia DataGiovani: "Giới trẻ ngày càng gia nhập thị trường lao động trễ do thời gian học hành dài. Và dù các xí nghiệp bắt đầu tuyển dụng lại nhưng luôn ưu tiên cho những người có kinh nghiệm". Từ năm 2005 đến nay, số lượng các xí nghiệp chịu tuyển dụng thanh niên đã giảm từ 42% xuống còn 35%.
Để cải thiện lại tình hình, Trung tâm DataGiovani đề nghị đặt ra quota công nhân dưới 35 tuổi trong các xí nghiệp, đồng thời cải cách đại học bằng việc đặt ra một sĩ số tối đa trong những ngành có nhiều người học nhưng lại không có ích cho thị trường lao động
Nguồn tin: Cand