Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới đang sáng dần

Trong mấy năm gần đây, hiếm có khi nào dự báo về triển vọng kinh tế thế giới của các tổ chức và thể chế kinh tế, tài chính khu vực cũng như thế giới lại giống nhau và lạc quan như hiện tại.
 

Kinh tế thế giới thời gian qua đã chứng tỏ khả năng đề kháng trước sự gia tăng của giá dầu

Dù là Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo cũng đều gặp nhau ở điểm - kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tìm lại đà tăng trưởng của thời kỳ trước khủng hoảng.

Những số liệu khả quan

Trong dự báo được công bố mới đây nhất, IMF cho rằng, kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng 4% và năm 2012 thậm chí còn tới 4,5%. OECD đánh giá rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế đã qua và kinh tế thế giới bước vào một thời kỳ phục hồi và tăng trưởng mới, mức độ tăng trưởng hiện tại còn thấp, nhưng dần dần sẽ tăng lên. OECD thậm chí còn đi đến nhận định là sự phục hồi và tăng trưởng này đã bền vững tới mức trên thực tế không cần đến những chương trình kích cầu phát triển kinh tế từ phía các chính phủ. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng tỏ ra rất lạc quan về mức độ tăng trưởng kinh tế nói chung của các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt ở các nước mới nổi và các nước đang phát triển. Cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng hàm ý tương tự khi dự báo thương mại thế giới năm nay ít nhất cũng sẽ đạt được mức độ tăng trưởng trước khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều khả năng có thể còn cao hơn thế và nếu như thương mại thế giới năm nay tăng ít nhất 6,5% như WTO nhận định thì mức độ đó cũng còn cao hơn cả mức tăng trưởng trung bình hàng năm của thương mại thế giới trong thời gian từ 1990 đến 2008 (với 6%).

Từ những số liệu dự báo của các tổ chức và thể chế tài chính quốc tế và khu vực này có thể phác họa nên bức tranh về kinh tế thế giới trong tương lai với gam màu sáng đang lấn át dần gam màu tối. Tuy bầu trời kinh tế thế giới chưa hẳn đã hết mây đen, nhưng cái quang quẻ đang ngày càng lan rộng và không chỉ ở phía chân trời xa.

Không chỉ đồng điệu trong các dự báo, các tổ chức và thể chế tài chính quốc tế và khu vực nói trên cũng khá giống nhau về nguyên nhân và lập luận đưa đến những dự báo khả quan ấy. Nguyên nhân trước hết được chỉ ra là tác động của giá dầu tăng và chính biến đã và đang diễn ra ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông đã không tiêu cực đến mức độ như những lo ngại ban đầu. Kế đó là hiệu quả thực tế của những biện pháp đối phó kiên quyết từ phía các chính phủ và các ngân hàng trung ương đuợc thực hiện kiên trì từ sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ đến nay. Nổi bật nhất và đáng chú ý nhất là việc thực thi những chương trình tiết kiệm chi tiêu và giảm dần thâm hụt ngân sách cũng như mức vay nợ công. Giới kinh tế và đầu tư, thị trường và dư luận đều nhận thấy được quyết tâm của các chính phủ và ngân hàng trung ương cũng như đã chấp nhận một thực tế là hiện chưa có sự lựa chọn thay thế nào khác ngoài việc phải kiên định thực hiện những biện pháp chính sách ấy. Đây cũng là nhân tố quyết định nhất đối với việc khôi phục và dần củng cố lòng tin vào tương lai. Ở đâu cũng vậy, muốn tăng nội nhu và coi việc kích cầu là một trong những động lực quan trọng nhất của phục hồi và tăng trưởng kinh tế thì không thể không gây dựng và tăng cường lòng tin của giới kinh doanh và người tiêu dùng.

Cơ sở cho những dự báo khả quan nói trên còn là những dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng kinh tế khả quan ở cả khu vực các nước công nghiệp phát triển lẫn ở các nền kinh tế mới nổi và ở nhiều nước đang phát triển. Kinh tế Mỹ, EU nói riêng và trong khối OECD nói chung tuy mới đạt được mức độ tăng trưởng còn thấp hơn mức độ dự báo chung cho cả kinh tế thế giới, nhưng chiều hướng tăng đã được duy trì liên tục từ nhiều quý nay. Mức độ tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ vẫn khá cao. Một khi những nhân tố hay cơ sở nói trên có triển vọng được duy trì, thậm chí còn tăng cường hơn, trong tương lai thì sẽ có đủ lý do chính đáng để tin vào triển vọng tăng trưởng khả quan hơn nữa của kinh tế thế giới nói chung trong thời gian tới.

Những rủi ro chính

 

Không có khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ, nhưng bất đồng quan điểm về tiền tệ ở khu vực và trên thế giới vẫn rất sâu sắc

Lạc quan có cơ sở như thế, nhưng lo ngại vẫn chưa hẳn đã hết và cũng không phải vô cớ bởi kinh tế thế giới nói chung và ở nhiều nền kinh tế nói riêng vẫn ẩn chứa không ít rủi ro mà nếu không được khắc phục hay phòng ngừa kịp thời thì rất có thể sẽ đe dọa thực sự tới tăng trưởng kinh tế thế giới trong thời gian tới. Những rủi ro ấy có thể được khái quát lại thành ba nhóm: tiền tệ, nguyên vật liệu và cơ cấu. Thâm hụt ngân sách nhà nước và vay nợ công ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới hiện vẫn ở mức độ cao không bình thường và các nền kinh tế này đều cần đến nhiều thời gian nữa mới giảm bớt đi được đáng kể. Cứ nhìn vào khu vực sử dụng đồng Euro có thể thấy ngay được ví dụ điển hình. Sau Hy Lạp và Ireland, Bồ Đào Nha là thành viên thứ ba trong nhóm Euro buộc phải cầu viện EU để tránh bị phá sản. Cũng có thể nói cuộc khủng hoảng chưa hẳn đã qua đối với đồng Euro. Thâm hụt ngân sách ở Mỹ đã lớn đến mức độ cho dù tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện thành công kế hoạch cắt giảm chi tiêu ở mức độ chưa từng thấy như mới tuyên cáo thì ngân sách này cũng chưa thể cân bằng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa thể sớm từ bỏ chính sách đồng USD yếu để chuyển sang thời kỳ nâng dần tỷ giá hối đoái của đồng USD. Liên quan đến thực trạng tài chính và tiền tệ nói trên ở các nước công nghiệp phát triển là chiều hướng lạm phát gia tăng và tăng trưởng quá nóng ở nhiều nền kinh tế khác. Đó là thách thức lớn đối với việc điều tiết kinh tế vĩ mô ở gần như tất cả các nền kinh tế.

 

Tuy kinh tế thế giới thời gian qua đã chứng tỏ khả năng đề kháng trước sự gia tăng của giá dầu, nhưng chiều hướng và mức độ gia tăng của giá nguyên vật liệu lại có thể trở thành rủi ro lớn đối với kinh tế thế giới vì như vậy động chạm trực tiếp tới cung ứng và sản xuất, đến chi phí sản xuất và khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Bao trùm lên cả hai rủi ro nói trên là rủi ro nảy sinh từ những mất cân đối về tài chính, tiền tệ, thương mại, năng lượng và cung ứng bên trong các nền kinh tế và giữa các nền kinh tế với nhau. Không có khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ, nhưng bất đồng quan điểm về tỷ giá hối đoái, về mặt bằng lãi suất và về kiểm soát, quản lý hệ thống ngân hàng và tài chính ở khu vực và trên bình diện thế giới vẫn còn rất sâu sắc và chưa thấy có triển vọng được khắc phục trong thời gian tới. Cũng vì thế mà bên cạnh những dự báo khả quan nói trên còn có không ít cảnh báo. Đối với chính phủ tất cả các nước, xem ra chỉ kiên định đường lối chính sách như trong thời gian qua chưa thể đủ, mà còn cần phải lưu ý thỏa đáng đến những rủi ro nêu trên.

Nguồn: DDDN

ĐỌC THÊM