Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) R.Zoellick, hôm 15.9 cảnh báo kinh tế thế giới đang bước vào “vùng nguy hiểm mới”. Ông kêu gọi Châu Âu, Nhật, Mỹ chung tay đưa ra những quyết định cứng rắn để tránh nguy cơ kìm hãm kinh tế toàn cầu.
Kinh tế thế giới đang gặp khó khăn.
“Nếu không đối mặt với trách nhiệm, các nước trên không chỉ kéo lùi chính mình mà còn cả nền kinh tế toàn cầu” - ông Zoellick khuyến cáo. Theo ông Zoellick, các quốc gia Châu Âu đã chối bỏ sự thật khó khăn về trách nhiệm chung của họ, Nhật Bản không thực hiện những cải tổ xã hội và kinh tế cần thiết, trong lúc khác biệt chính trị tại Mỹ đã cản trở nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách kỷ lục. “Mỹ, Châu Âu, Nhật đã trì hoãn một thời gian quá dài trong việc đưa ra quyết định, dẫn đến thu hẹp các lựa chọn và giờ đây chỉ còn lại một vài khả năng cuối cùng” - Chủ tịch WB phát biểu.
Bài phát biểu trên của ông Zoellick đã nhấn mạnh đến những quan ngại trong các nhà hoạch định chính sách toàn cầu về sự leo thang của khủng hoảng nợ công ở Châu Âu, vốn giờ đây đang phủ bóng xuống niềm tin của các nhà đầu tư về cả tài chính công và cải cách tại Mỹ và Nhật.
Chủ tịch WB cho rằng, hiện các nền kinh tế đang phát triển đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế thế giới, nhưng các quốc gia phát triển vẫn chưa nhận thức đầy đủ về sự chuyển hướng này, mà vẫn vận hành theo cách “làm theo những gì tôi nói, không phải theo những gì tôi làm”. Các nước phát triển thuyết giảng về kỷ luật tài chính, nhưng lại không kiểm soát được chính khoản nợ của mình. Họ tuyên truyền về bền vững nợ, nhưng lại để nợ công của mình tăng cao ở mức kỷ lục.
Theo ông Zoellick, đây cũng là lúc nghĩ lại về viện trợ nước ngoài, bởi viện trợ mặc dù là vấn đề sinh tử cho hàng triệu người trên thế giới, song cũng là công cụ để giúp đỡ các nước nghèo phát triển và tăng trưởng. “Sự trợ giúp có thể gắn với các chiến lược tăng trưởng toàn cầu, được định hướng bởi đầu tư tư nhân và các doanh nghiệp - ông nói - Mục đích của viện trợ không chỉ là từ thiện, mà vì lợi ích của cả hai bên tạo thêm các cực về tăng trưởng”.
Tại hội nghị thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuần sau, cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu và nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp sẽ trở thành trọng tâm. Những thông điệp thiếu nhất quán từ các nhà lãnh đạo Châu Âu đã làm leo thang quan ngại về việc 17 thành viên khu vực đồng euro khó có thể đoàn kết để đi đến cùng một giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Chủ tịch WB cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu đã lên đến điểm mà các nhà lãnh đạo chính trị cần quyết định về tương lai của khu vực đồng euro, thay vì “giải quyết vấn đề một cách chắp vá từng ngày”.
Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou bày tỏ quyết tâm thực hiện tất cả các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cần thiết để giảm thâm hụt ngân sách và duy trì vị trí thành viên trong khu vực đồng euro. Cam kết trên – được đưa ra tại hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy – phần nào đã trấn an các thị trường đang xáo trộn trước tin đồn Hy Lạp sẽ phá sản hay phải rời bỏ khu vực đồng euro. Cũng trong nỗ lực giải cứu Hy Lạp, ngày 14.9, Hội đồng Điều hành IMF đã nhóm họp để xem xét tiếp tục giải ngân hỗ trợ nước này.
Nguồn tin: Reuters