Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro

Vốn đang phải gánh chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, kinh tế toàn cầu nay lại đứng trước rủi ro từ sự phát triển chậm lại ở những nền kinh tế đầu tàu của thế giới như Mỹ, châu Âu và châu Á.

 

Thị trường lao động Mỹ èo uột

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trải qua tháng thứ ba liên tiếp thị trường lao động tăng trưởng rất yếu trong tháng 5, khi các nhà tuyển dụng chỉ bổ sung được 69.000 việc làm mới, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 252.000 việc làm mới trong giai đoạn từ tháng 12/2011 đến tháng 2/2012. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng từ mức 8,1% lên 8,2% trong tháng 5.

Cảnh xếp hàng dài xin việc ở Mỹ khi thị trường lao động rơi vào cảnh èo uột. Ảnh: internet

 

Trước đó, chính phủ Mỹ thông báo kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 1,9% trong quý I/2012, mức thấp nhất trong gần 3 năm qua kể từ sau khi suy thoái kinh tế chính thức kết thúc vào tháng 6/2009. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế này cũng là quá chậm để tạo thêm việc làm mới cho người lao động, cũng như hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp.

Trước tình hình này, nhiều công ty Mỹ cho rằng đầu tư vào máy móc tự động còn hiệu quả hơn là thuê mướn nhân công. Giám đốc công ty sản xuất nguyên liệu Glenn Metalcraft tại Princeton ở bang Minnesota cho biết, họ chỉ giữ lại khoảng 35 nhân viên và đầu tư hết vào máy móc và rôbốt tự động. Nhiều công ty khác cũng lưỡng lự trong kế hoạch tuyển dụng mới, cho đến khi họ cảm thấy tự tin hơn khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên.

 

Châu Âu vẫn chìm trong khủng hoảng

Tại châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp tại 17 nền kinh tế sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện ở mức bình quân 11%, mức cao nhất kể từ khi Eurozone được thành lập năm 1999. Trong 3 năm qua, các nước châu Âu đã và đang vật lộn với khủng hoảng nợ, trong đó ba mắt xích yếu là Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha đã phải xin cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vì không thể tự giải quyết khủng hoảng nợ. Để nhận cứu trợ, đổi lại các nước này phải thực thi các gói thắt lưng buộc bụng, song cắt giảm chi tiêu và tăng thuế lại khiến chính họ chìm sâu hơn vào khủng hoảng.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi tuần qua đã cảnh báo rằng cơ chế xây dựng đồng tiền chung châu Âu hiện nay là không bền vững và khu vực này cần xây dựng quan hệ chính trị và tài chính vững chắc hơn nữa. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất là nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone thì những quốc gia khác như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có thể theo gót, và khi đó sự hỗn loạn và khủng hoảng tài chính sẽ lan rộng trên toàn "Lục địa Già".

Khó khăn của ba “đầu tàu"Kể từ sau cuộc suy thoái năm 2009, kinh tế thế giới được tiếp sinh khí tăng trưởng từ nhóm các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới, tiêu biểu là Trung Quốc, Braxin và Ấn Độ. Tuy vậy, ba đầu tầu kinh tế này lại đang phải trải qua những khó khăn riêng.

Tại Trung Quốc, hoạt động chế tạo đã yếu đi trong tháng 5 vừa qua, trong khi sản lượng công nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. Một số chuyên gia dự báo, kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 8% trong quý II này, mức thấp nhất trong gần 3 năm qua, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 10,4% của năm 2010 và 9,2% năm 2011.

Ấn Độ thậm chí phải chịu sự sụt giảm tăng trưởng lớn hơn nhiều so với Trung Quốc, khi nhịp độ tăng trưởng chỉ đạt 5,3% trong quý đầu năm nay, mức thấp nhất trong 9 năm qua. Tỷ lệ lạm phát tại quốc gia Nam Á này cũng tăng vọt lên mức 9,2% kể từ đầu năm 2010, trong khi lương thực tế mà người lao động được hưởng lại đang giảm. Trong những năm qua, các chính trị gia Ấn Độ luôn tự tin rằng quốc gia này có thể cạnh tranh cùng Trung Quốc với mức tăng trưởng 2 con số. Thế nhưng, Ấn Độ đang phải trải qua cuộc khủng hoảng lòng tin sâu sắc, nhất là khi hàng loạt cải cách kinh tế và chính trị tại nước này thường xuyên trong tình trạng bế tắc và chưa đủ mạnh để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài tới quốc gia này.

Còn tại Braxin, kinh tế quốc gia Nam Mỹ này cũng chững lại kể từ cuối năm 2011, khi tăng trưởng chỉ đạt 0,2% trong quý IV/2011, thấp hơn cả dự đoán tăng 0,5%. Cũng như Trung Quốc, Braxin đang "ngấm" những tác động kinh tế từ bên ngoài, nhất là cuộc khủng hoảng tại châu Âu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu của Braxin.

Những kết quả trên cho thấy trong một thế giới đang ngày càng hội nhập hơn trong xu thế toàn cầu hóa thì rắc rối ở một khu vực cũng sẽ ảnh hưởng đến các khu vực còn lại trên thế giới.

Nguồn tin: baotintuc

ĐỌC THÊM