Giá thực phẩm và giá dầu, hàng hóa đầu vào của một số ngành sản xuất đang tăng, ảnh hưởng tới khả năng hồi phục kinh tế toàn cầu, theo như cảnh báo của các nhà kinh tế.
Giá dầu đang lặp lại kịch bản hồi tháng 10.2008 khi tiến dần tới mốc mỗi thùng dầu có giá 100USD. Trong khi đó, giá thực phẩm thế giới đã trở lại mức đỉnh của tháng 7.2008. Giá đồng biến động và đã tăng khoảng 17% kể từ đầu tháng 11.2010.
Giá thực phẩm, rau ở Trung Quốc từ tháng 12 tăng vọt, khiến người dân lo lắng. Ảnh: Reuters |
Xét trên tổng thể, giá hàng hóa cao có tác động giống như một loại thuế để chuyển lợi nhuận từ gia đình và công ty sử dụng tài nguyên sang những công ty và các nước sản xuất chúng. Trong khi nhà sản xuất có khuynh hướng tiết kiệm thu nhập, việc hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn sẽ làm giảm mức cầu. Trong quá khứ, giá dầu đã đẩy thế giới vào suy thoái, rõ rệt nhất là trong thập niên 1970. Nguyên nhân suy giảm kinh tế toàn cầu trong ba năm qua thường bị qui cho khủng hoảng tài chính, nhưng một năm trước khi xuất hiện ngòi nổ, sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu suy giảm.
Chuyên gia James Hamilton tại ĐH California cho rằng, giá dầu tăng từ đầu năm 2007 là nguyên nhân giải thích kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại từ cuối năm 2007 đến quí 3 năm 2008. Các hộ gia đình Mỹ siết chặt hầu bao khi khoảng chi nhiên liệu chiếm 7% tổng chi tiêu. Trước đợt tăng giá dầu mới nhất, tỉ lệ này đã giảm còn 5,5%.
Trong những nước đang phát triển, giá thực phẩm tăng được cho là nguyên nhân gây bất ổn kinh tế - xã hội. Ở châu Á, đầu năm 2008, giá gạo tăng đột ngột khiến nhiều chính phủ phải nỗ lực kiềm chế lạm phát, bảo đảm nguồn cung để tránh gây xáo trộn xã hội. Ví dụ như, vào tháng 12, ở Ấn Độ, giá thực phẩm đã tăng trung bình hàng năm 14%, và kéo theo sau là hành, sản phẩm cho người ăn kiêng.
Giá hàng hóa tăng là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tăng. Điều này khiến cho các nhà điều hành chính sách tiền tệ đau đầu. Trong khi kinh tế tăng trưởng chậm, ngân sách phải cắt giảm, thì sức ép tăng lãi suất lại xuất hiện. Nếu tăng lãi suất không đúng thời điểm, tuy mục tiêu kiềm chế lạm phát có thể đạt được nhưng lại đe dọa sự hồi phục của nền kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, tuy giá một số loại hàng hóa ở mức cao hơn nhưng vẫn chưa đạt đỉnh như thời kỳ 2008. Giá nông sản tăng 37% so với cách đây một năm, trong khi năm 2008 mức tăng cao nhất là 75%. Theo nhà kinh tế Jonathan Anderson của ngân hàng UBS, giá thực phẩm toàn cầu sẽ phải tăng khoảng 50% so với mức hiện tại.
Điều đáng lo là giá dầu mỏ tăng cao. Trong khi mức tăng giá gần đây của nhiều loại thực phẩm phản ánh những tai họa tạm thời tác động mức cung (như hạn hán và lũ lụt), việc tăng giá dầu tăng là do nhu cầu cao nhưng sản xuất đình trệ. Lutz Kilian tại ĐH Michigan cho rằng, nếu tiêu thụ năng lượng không giảm hoặc nguồn cung cấp mới không hoàn toàn hồi phục từ khủng hoảng tài chính, giá dầu sẽ bị đẩy trở lại mức cao của giữa năm 2008.
Nguồn: SGTT.VN