Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới năm 2011: Chỉ lo cho sân nhà

Những rủi ro năm nay có thể thấy được trước mắt là bất ổn kinh tế tại khu vực đồng euro, bế tắc trong chính sách của Mỹ. Thế nhưng, rủi ro lớn nhất chính là sự tan biến tinh thần hợp tác của nhóm các quốc gia G-20.

 

Tinh thần hợp tác mà các quốc gia nhóm G-20 đã thể hiện trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế nay đã không còn.

Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu năm, Eurasia Group, hãng tư vấn rủi ro có trụ sở tại New York, lại công bố danh sách các rủi ro toàn cầu trong năm mới. Những rủi ro năm nay có thể thấy được trước mắt như nguy cơ gia tăng bất ổn kinh tế tại khu vực đồng euro cũng như những bế tắc trong chính sách của Mỹ. Thế nhưng, rủi ro lớn nhất trong năm nay chính là sự tan biến của tinh thần hợp tác mà các quốc gia nhóm G-20 đã thể hiện trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Thay vào đó, năm 2011 sẽ chứng kiến nhiều quốc gia hành xử độc lập vì lợi ích của nước mình hơn là lợi ích chung của toàn cầu. Đó là cái mà Eurasia gọi là “G-Zero”.

Cái nhìn xuyên suốt cục diện năm 2011, theo Eurasia, là doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của một trật tự thế giới mới mà theo đó, cán cân tăng trưởng nghiêng về các nền kinh tế mới nổi trong khi các quốc gia công nghiệp hóa thể hiện sự chậm chạp trong quá trình phục hồi.

G-Zero

Trong G-Zero, các cường quốc gạt sang một bên những kỳ vọng về sự điều hành chung mang tính hợp tác toàn cầu và chỉ chăm bẳm vào chính sách riêng cho nước mình như các chính sách về thương mại, tiền tệ và tài khóa. Các tổ chức lớn chuyên coi sóc các vấn đề chung của thế giới (như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới) không trở thành nơi kết nối giữa các quốc gia mà là đấu trường giải quyết những tranh chấp. Những tranh chấp này tất yếu sẽ làm giảm tính hiệu quả trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa các quốc gia, từ đó kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bất ổn khu vực đồng Euro

2011 được dự báo là một năm bất ổn sẽ gia tăng đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu. Khu vực này có thể vẫn chưa rơi vào giai đoạn nguy hiểm, nhưng rủi ro sẽ gia tăng nếu cuộc khủng hoảng trở nên không thể kiểm soát được. Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng khá mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng các chính phủ châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai biện pháp cắt giảm lương và phúc lợi xã hội cũng như tăng thuế, vì đây là điều công chúng không vui vẻ đón nhận. Niềm tin của giới đầu tư đối với sự phục hồi của khu vực này sẽ càng suy giảm, dẫn đến việc các quốc gia như Tây Ban Nha và Ý sẽ gặp khó khăn trong việc vay nợ trên thị trường tài chính. Nếu điều này xảy ra, nguy cơ một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống sẽ tăng cao.

Sự hợp tác “không như ý” từ phía Trung Quốc

Với sự phục hồi khá ì ạch của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia công nghiệp hóa, nơi tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn đứng ở mức cao, Trung Quốc sẽ càng trở thành tâm điểm của sự chỉ trích. Bởi lẽ, với nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu (tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế), Trung Quốc đang có mức thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ với nhiều nước. Và năm nay, không chỉ Mỹ mà nhiều nền kinh tế khác như các nước châu Âu, Nhật và các nền kinh tế mới nổi sẽ gây áp lực lên Trung Quốc về vấn đề thâm hụt thương mại của nước họ. Vấn đề ở chỗ Trung Quốc có nói đến chuyện hợp tác toàn cầu để giải quyết vấn đề trên, nhưng có làm hay không là một chuyện khác.

Các nước ra tay kiểm soát vốn

Một rủi ro đang lên là một số quốc gia sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát vốn trong năm 2011. Xu hướng này xuất phát từ 2 lý do. Thứ nhất là sự phân hóa khá rõ rệt trong phục hồi giữa các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia công nghiệp hóa. Thứ 2 là triển vọng ngày càng lu mờ về sự ra đời của một chiến lược chung mang tính hợp tác giữa các nền kinh tế lớn thuộc nhóm G-20 để giải quyết vấn đề mất cân đối tài khoản vãng lai.

Với sự kỳ vọng của giới đầu tư về tốc độ tăng trưởng cao hơn tại các nền kinh tế mới nổi, một lượng vốn lớn đã, đang và sẽ tiếp tục hướng vào các nền kinh tế này. Xu hướng này đang tạo ra áp lực tăng giá đồng nội tệ của các nền kinh tế mở cửa cho các dòng vốn từ bên ngoài. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa vì khiến cho hàng hóa xuất khẩu của họ trở nên đắt đỏ hơn và làm gia tăng cạnh tranh giữa các mặt hàng nhập khẩu ở thị trường trong nước.

Để đối phó, các nhà làm chính sách tại nhiều quốc gia đã can thiệp trực tiếp vào thị trường qua công cụ quản lý tiền tệ để bảo vệ nhà sản xuất trong nước. Nếu áp lực trên tiếp tục gia tăng, các chính phủ sẽ phải nghĩ đến biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn đà tăng giá của đồng nội tệ. Trên thực tế, đã có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ phát đi tín hiệu là sẽ thực hiện biện pháp này như Brazil, Hàn Quốc, Đài Loan.

Theo Eurasia, các quốc gia có nhiều khả năng thực hiện biện pháp kiểm soát vốn năm nay nếu áp lực gia tăng là Colombia, Malaysia, Peru và Thái Lan. Một khi ngày càng nhiều quốc gia can thiệp bằng biện pháp này thì những quốc gia khác không thể đứng yên chịu trận.

Bế tắc trong chính sách tại Mỹ

Tình trạng bế tắc mà không đảng nào có thể thông qua hay bác bỏ một dự luật nào là rủi ro chính Mỹ phải đối mặt trong năm nay. Đó là vì Quốc hội Mỹ hiện nay do Đảng Cộng hòa chi phối trong khi Nhà Trắng lại do Đảng Dân chủ cầm đầu. Đây là chuyện thường tình và dĩ nhiên khiến nhiều chương trình không được chấp thuận. Điều này sẽ không tốt cho một nền kinh tế đang tăng trưởng ì ạch như Mỹ vì họ cần phải đưa ra các chính sách, biện pháp nhanh chóng và dứt khoát.

Sự bế tắc này sẽ dẫn đến 3 rủi ro lớn cho các thị trường trong năm 2011. Thứ nhất, không có sự chuyển động nào về mặt chính sách, đặc biệt là cải cách tài chính trên thị trường nhà đất. Nếu vấn đề trên không sớm được giải quyết thì quá trình phục hồi kinh tế Mỹ, vốn dĩ đã yếu ớt, sẽ càng chậm lại. Thứ hai là cả hai đảng có thể xúc tiến nhanh các chương trình mà họ ưu tiên và bế tắc trên sẽ khiến cho không có chương trình nào được thực hiện. Chẳng hạn, đảng Cộng hòa muốn sửa đổi dự luật cải cách tài chính Dodd-Frank nhưng không có đủ quyền lực để làm. Kết quả vẫn là sự bế tắc. Rủi ro thứ 3 là Nhà Trắng có thể quay sang sử dụng các biện pháp hành chính mạnh tay hơn, khó có thể dự đoán trước. Và điều này có thể sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực khó lường lên nền kinh tế thế giới.

Dậy sóng từ các thị trường mới nổi

Sự tăng mạnh của dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi mang lại những rủi ro cho các nền kinh tế này. Nhưng các kịch bản rủi ro lại rất khác nhau và không phải thị trường nào cũng sẽ vận hành tốt trong năm nay. Các rủi ro những thị trường này đối mặt có thể là sự ra đời của các chính sách kinh tế khá tiêu cực (chẳng hạn, một số nước có thể sẽ triển khai chính sách bảo hộ thương mại như áp thuế chống bán phá giá, đặt ra các giới hạn mới đối với hoạt động đầu tư trực tiếp, gián tiếp), hay những rủi ro về mặt chính trị như bạo lực chính trị, bầu cử. Khi những rủi ro này hiện hữu trong năm 2011, chúng sẽ góp phần tạo nên những mảng tối trong môi trường đầu tư, hay dẫn đến lối điều hành chính sách theo kiểu giật cục, càng gây thêm bất ổn cho nền kinh tế.

Nguồn: Vinacorp

ĐỌC THÊM