Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới năm 2017: Những mảng màu đan xen

 2017 được coi là một năm có nhiều thăng trầm không chỉ với nền kinh tế vĩ mô nói chung, mà còn đối với cả giới doanh nghiệp – vốn được coi là “ xương sống” của nền kinh tế quốc dân. Hãy cùng nhìn lại bức tranh đa sắc với những mảng màu sáng – tối đan xen của các tập đoàn lớn trên toàn cầu trong năm vừa qua.

Các Chaebol sảy chân

Cú sốc đầu tiên trong năm 2017 diễn ra tại “xứ Kim Chi”, với sự kiện Phó Chủ tịch Samsung Electronics là ông Lee Jae-yong bị bắt từ tháng 2 do được cho là có liên quan đến vụ bê bối chính trị đã khiến cựu Tổng thống Park Geun-hye mất chức và bị kết án. Đến tháng 8/2017, ông Lee Jae-yong chính thức bị kết án 5 năm tù vì nhiều tội danh, trong đó có đưa hối lộ, tham nhũng và khai man.


Bitcoin làm mưa làm gió trên các sàn giao dịch thế giới

Đây được coi là một vết nhơ lớn đối với tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc, khiến không chỉ Samsung mà cả “xứ Kim Chi” chấn động mạnh vì nó đã phơi bày mối quan hệ mờ ám giữa một Chaebol (tên gọi chung cho các tập đoàn tài phiệt lớn của Hàn Quốc) hàng đầu và tầng lớp chính trị gia cao cấp.

Trong khi đó, một “đại gia” khác là Hyundai Motor Group cũng vừa có một hành trình đầy gian nan trong năm khi trở thành mục tiêu chính trong chính sách cải cách các tập đoàn gia đình trị mà chính phủ mới của Hàn Quốc đề ra.

Vận xui của các “đại gia” Nhật Bản

Hãng sản xuất túi khí ô tô lớn nhất thế giới Takata của Nhật Bản ngày 26/6/2017 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, qua đó đánh dấu vụ sụp đổ doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất của “xứ hoa anh đào” kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Theo hãng Bloomberg, Takata phá sản do sức ép nợ nần quá lớn từ việc phải thu hồi hàng triệu túi khí ô tô do túi khí hãng sản xuất bị cho là có liên quan tới nhiều cái chết của người dùng ôtô.

Tiếp đó, đến tháng 10/2017, làng công nghệ thế giới lại một lần nữa chấn động khi nghe tin tập đoàn sản xuất thép của Nhật Bản Kobe Steel Ltd. đã làm giả dữ liệu chất lượng sản phẩm và chuyển giao các sản phẩm không đáp ứng đủ quy cách về kỹ thuật mà khách hàng đưa ra.

Chưa dừng lại ở đó Tập đoàn Mitsubishi Matertials cũng bị “nhúng chàm” khi thông báo hồi cuối tháng 11/2017 rằng ba công ty con của họ đã gian lận thông số kỹ thuật của các sản phẩm sử dụng cho các ngành hàng không vũ trụ, ô tô và điện năng.

Cơ quan Sáp nhập, Công nghệ và Logistics thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, một số sản phẩm không đảm bảo được yêu cầu chất lượng đã được sử dụng trong bộ phận thủy lực của máy bay và các động cơ tàu thủy. Các vụ bê bối này đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm tại Nhật Bản.

Uber bị “sờ gáy”

Khởi đầu với một loạt scandal liên quan đến các cáo buộc về việc phân biệt giới tính và quấy rối tình dục, trong năm 2017, Uber tiếp tục đối mặt với thay đổi mang tính cốt lõi khi Giám đốc điều hành (CEO) kiêm nhà sáng lập của công ty này là Travis Kalanick bị buộc phải từ chức hồi tháng 3/2017 sau hàng loạt khủng hoảng.

Đến tháng 9/2017, Uber tiếp tục nhận tin sét đánh khi Cơ quan Giao thông London (TfL) của Anh thông báo sẽ rút giấy phép hoạt động tại thành phố này từ cuối tháng 9 với lý do là “gã khổng lồ” trong ngành dịch vụ gọi xe không phù hợp để cung cấp dịch vụ taxi tại đây vì đã không báo cáo tội phạm hình sự nghiêm trọng hay việc thực hiện kiểm tra đầy đủ về lái xe cũng như những vấn đề an ninh khác.

Quyết định được cho là sẽ ảnh hưởng đến hơn 40.000 lái xe tham gia mạng lưới cung cấp dịch vụ và hàng triệu khách hàng của Uber này đã khiến CEO mới của Uber là Dara Khosrowshahi phải đích thân đến London để đàm phán với các đại diện của TfL. Hiện vẫn còn quá sớm để nói quá trình kháng cáo sẽ kéo dài bao lâu, song Uber vẫn có thể tiếp tục hoạt động tại Anh và mặc dù công ty này đã cam kết sẽ thay đổi, TfL vẫn không có dấu hiệu cho thấy họ sẽ nhượng bộ.

Nhiều hãng hàng không điêu đứng

Mối đe doạ kéo dài của chủ nghĩa khủng bố, cùng sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng hàng không giá rẻ, là những yếu tố khiến nhiều hãng hàng không lớn phải điêu đứng trong năm 2017. Trong đó phải kể đến trường hợp của hãng hàng không Anh quốc Monarch Airlines đã dừng hoạt động từ ngày 2/10/2017 sau một thời gian dài làm ăn thua lỗ.

Vụ phá sản của Monarch được cho là hậu quả của sự sụt giảm nhu cầu đi lại đến những nơi như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia đầy bất ổn, kết hợp với sự mất giá của đồng bảng Anh trong bối cảnh Brexit, cùng sự thống trị của các hãng đối thủ giá rẻ như easyJet hay Ryanair. Năm 2017 cũng là năm chứng kiến hai hãng hàng không của châu Âu là Air Berlin của Đức và Alitalia của Italy đệ đơn xin phá sản do kinh doanh thua lỗ.

Sự thống trị của công nghệ AI

Bên cạnh những mảng màu xám trong bức tranh kinh tế thế giới năm 2017 lại là những sắc màu tươi sáng, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến điện tử. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục có bước tiến mạnh mẽ trong năm 2017. Hàng loạt dự án được mở rộng với nhiều nguồn lực từ cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp và cả chính phủ các nước, cùng nhiều sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực, từ giao thông vận tải đến các loại máy móc tối ưu hóa trong y học, các ứng dụng AI trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, tình báo, an ninh, giám sát, nghiên cứu vũ trụ thu hút sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trên thế giới như Facebook, Google…

Robot thế hệ mới có hình dáng, giọng nói, tư duy, biểu cảm như con người. Đặc biệt, Saudi Arabia chính thức cấp quyền công dân cho “cô” người máy Sophia có khả năng nghe nói trôi chảy và khôn ngoan như con người. Mặc dù vậy, AI cũng đang đặt ra những thách thức lớn cho nhân loại, đặc biệt là nguy cơ về mất an ninh và ổn định toàn cầu.

“Đế chế” bitcoin

Được tạo ra từ năm 2009 bởi một hoặc một nhóm nhà phát triển bí ẩn mang biệt hiệu Satoshi Nakamoto, không ai nghĩ rằng 8 năm sau, từ khóa “bitcoin” lại trở thành một hiện tượng làm mưa làm gió trên các sàn giao dịch thế giới.

Khởi điểm với mức giá chỉ 1.000 USD đầu năm nhưng đến giữa tháng 12, đồng tiền này đã tiến gần đến ngưỡng 20.000 USD, một tốc độ tăng chóng mặt, gây ra những lo ngại về nguy cơ “bong bóng” bitcoin có thể vỡ vào bất cứ lúc nào, đặc biệt là sự trồi sụt của đồng tiền này khi trượt đến 20% hôm 22/12/2017 sau một khoảng thời gian ngắn phi mã.

Nguồn tin: Thời báo ngân hàng

ĐỌC THÊM