Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới: Nhìn lại năm 2011 và dự báo năm 2012

Đã bước qua năm 2011 nhưng châu Âu vẫn chìm trong khủng hoảng nợ, Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng chậm chạp, nước Nhật chưa hoàn toàn phục hồi sau thảm họa động đất, sóng thần hồi đầu năm, lạm phát hoành hành ở khắp mọi nơi. Triển vọng kinh tế toàn cầu 2012 sẽ là rất bếp bênh.

Nhìn lại năm 2011

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có những bước tiến cần thiết để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư như giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 8,6%, mức thấp nhất 2,5 năm, giữ giá tiêu dùng không tăng trong tháng gần đây nhất (tháng 11/2011).

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán, các kênh đầu tư truyền thống như vàng, USD, bất động sản lại trở nên quá mạo hiểm. Tốc độ phục hồi của lĩnh vực sản xuất cũng là điều mà các nhà kinh tế thực sự lo ngại. 

Số liệu của Thomson Reuters cho thấy, 62,9 tỷ USD đã bốc hơi khỏi các quỹ đầu tư trong 11 tháng qua trong khi các quỹ cổ phần đã giảm gần 21 tỷ USD, các quỹ mở cũng mất tới 51,35 tỷ USD. Chỉ riêng có các quỹ ETF chứng kiến dòng vốn chảy  vào tăng 30,5 tỷ USD. 

Còn nền kinh tế châu Âu gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái. Toàn bộ 17 nước khu vực đồng tiền chung Eurozone đều lần lượt bị các tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới cảnh báo hạ bậc xếp hạng, hoặc đã thực hiện việc hạ bậc xếp hạng trong chưa đầy 1 tháng qua. 

Gần đây nhất là việc Moody's đã hạ 2 bậc xếp hạng tín dụng của Bỉ từ AA1 xuống còn AA3 hôm 16/12. Trước đó, Fitch hạ xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha xuống mức "rác" từ hồi cuối tháng 11. Nhiều ngân hàng lớn của Mỹ, Đức, Pháp và châu Âu cũng đều lần lượt bị hạ xếp hạng tín dụng do nguy cơ mất khả năng kiểm soát tình hình nếu khủng hoảng nợ châu châu Âu diễn ra và nền kinh tế diễn biến xấu đi. 

Tại những nền kinh tế khác, tình hình có vẻ cũng không khả quan hơn nhiều. 

Ở Anh, nguy cơ sụt giảm đã tăng lên gấp đôi khi quốc gia này có nguy cơ bị cô lập khỏi EU vì đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để phản đối Hiệp ước châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh khu vực này hồi đầu tháng 12. 

Trong khi Đức, Pháp và 24 nền kinh tế khác trong Liên minh châu Âu hy vọng có thể thông qua 1 Hiệp ước để tăng cường sự hội nhập giữa các quốc gia nhằm nâng cao khả năng giải quyết khủng hoảng thì Anh đã một mình chống lại Hiệp ước trên. 26 quốc gia của EU có thể sẽ phải thảo luận một Hiệp ước ngoài Liên minh, còn Anh, có nguy cơ bị cô lập khỏi thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình. 

Trong khi đó, Nhật Bản chưa hoàn toàn khôi phục kinh tế sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3. Thậm chí, những thành quả mà chính phủ nước này đã đạt được cũng rất dễ bị bốc hơi nếu quá trình cải cách cơ cấu không được đẩy mạnh. 

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lại đang bộc lộ lỗ hổng quá lớn trong mô hình tăng trưởng của mình. Thị trường bất động sản đang bắt đầu chuỗi phản ứng tiêu cực đối với giới kinh doanh, các nhà đầu tư và nguồn thu thuế của chính phủ. Sự bùng nổ trong ngành xây dựng, từng là động lực của nền kinh tế này đã chững lại, xuất khẩu cũng chậm hơn khi nhu cầu từ Mỹ và châu Âu đều sụt giảm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát, dù đã có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao sẽ là những cản trở lớn đối với chính quyền Bắc Kinh khi muốn thực thi các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng tìm kiếm những biện pháp hữu hiệu nhất để cải thiện nền kinh tế quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều không dễ dàng để giải quyết. Các chỉ tiêu tăng trưởng GDP luôn bị điều chỉnh hạ thấp. Theo Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” do IMF công bố ngày 20/11/2011 đã hạ thấp tốc độ tăng trưởng GDP thế giới từ 4,2% xuống còn 4% trong năm 2011. Trong đó, các nước phát triển năm 2011 chỉ đạt 1,6% thay vì 2,2% dự đoán trước đó. Kinh tế Mỹ dự kiến chỉ tăng trưởng 1,5% năm 2011, giảm 1% so với dự kiến trước đó. Khu vực Châu Âu năm 2011 chỉ đạt 1,6%, giảm 0,4% so với đánh giá trước đó. Hãng Goldman Sachs điều chỉnh tăng trưởng GDP thế giới từ 4,2% trước đây xuống còn 3,8%. Kinh tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được coi là năng động nhất cũng giảm xuống chỉ còn 6,3% năm 2011 so với dự đoán 6,8% trước đó. GDP của Trung Quốc dự kiến 9,5% giảm xuống chỉ còn 9% trong năm 2011, của Ấn Độ chỉ đạt 7,8% so với dự kiến 8,5% trước đó. Nga, Brazil, Nam Phi dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2011 cũng giảm đáng kể, chỉ tăng trưởng ở mức từ 3,8% tới 4,1%.

Trong khi đó tỉ lệ thất nghiệp ở các nước Châu Âu và Mỹ vẫn duy trì ở mức cao,  lạm phát tăng cao, đời sống khó khăn, nên nhiều cuộc biểu tình của dân chúng luôn nổ ra ở nhiều nước.

Tiền tệ mất giá là một trong những vấn đề lớn. Các quốc gia không thể đồng loạt giảm giá tiền tệ và cải thiện cán cân xuất khẩu. Bởi vậy, mỗi quyết định của một quốc gia sẽ tác động đến nhiều đối tác thương mại toàn cầu và chắc chắn sẽ vấp phải những phản đối không nhỏ. 

Trong bối cảnh lạm phát, hầu hết các quốc gia lựa chọn chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế tốc độ tăng phi mã của chỉ số này. Tuy nhiên, những chính sách tiền tệ đang ngày càng trở nên ít hiệu quả hơn. Vấn đề này đã thực sự nghiêm trọng đối với những nền kinh tế phát triển và cũng là vấn đề khó đối với các quốc gia còn lại. 

Dự đoán cho năm 2012

Bước sang năm 2012, hầu hết các phân tích đều đánh giá bi quan triển vọng kinh tế thế giới và các nước, như tăng trưởng GDP tiếp tục bị giảm sút, trong đó tăng trưởng GDP thế giới ở mức xấp xỉ 4%, của các nước phát triển chỉ ở mức 1,9%, trong đó Mỹ chỉ đạt 1,8%, của Châu Âu chỉ đạt 1,1%. Theo dự báo của các nhà kinh tế, một số nước xuất hiện tăng trưởng âm. Các nước trong Nhóm BRICS (Viên gạch vàng) cũng suy giảm như Trung Quốc có thể chỉ đạt 8%, Ấn Độ 7,5%, Braxin 3,6%, Nga 4,1%, Nam Phi 3,6%. Các nước Trung Đông- Bắc Phi đạt 4%, thấp hơn mức 5% trong năm 2011.

Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 họp đầu 11/2011 tại Cannes (Pháp), Thủ tướng Đức Merkel cho rằng sau cuộc khủng hoảng tiền tệ này Châu Âu phải mất 10 năm mới có thể khôi phục được tình hình trở lại như trước khủng hoảng.

Ngày 9/11/2011, phát biểu trong Hội thảo tiền tệ quốc tế tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Giám đốc IMF bà Lagarde cũng cho rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Âu lần này đã làm kinh tế thế giới mất đi thời gian 10 năm phát triển.

Phát biểu trong “Hội thảo sức cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc” tổ chức ở Bắc Kinh ngày 10/11/2011, Phó Giám đốc Viện khoa học xã hội Trung Quốc Lý Dương nói, nhìn lại một số cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra trong thế kỷ 20 cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ít nhất phải mất 10 năm mới khôi phục được mức trước khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng đã xảy ra được 3 năm, bởi vậy phải 7 năm nữa thì kinh tế thế giới mới trở lại mức trước khủng hoảng. Ông Lý Dương cho rằng thời gian tới đây các nước Âu-Mỹ sẽ bận tâm vào tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế  trên 4 mặt: một là xác định lại phương thức tăng trưởng kinh tế; hai là tái cơ cấu nền kinh tế; ba là tái cơ cấu hệ thống tiền tệ và bốn là tái cơ cấu chính sách thuế vụ.

Ông cho rằng, tái cơ cấu là một quá trình, đòi hỏi có thời gian chứ không thể làm trong một sớm một chiều. Bởi vậy, các nhà phân tích cho rằng tình hình kinh tế thế giới năm 2012 vẫn mịt mù, u ám chứ chưa thể lạc quan.

Nguồn tin: GCVT

ĐỌC THÊM