Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới: Những tia hy vọng mong manh

Kết quả bầu cử Hy Lạp tạm thời giải tỏa cuộc khủng hoảng Eurozone; kinh tế thế giới được phao cứu hộ khiêm tốn từ G-20; FED đưa ra gói cứu trợ khiêm tốn cho kinh  tế Mỹ.

Cuộc bầu cử lần hai tại Hy Lạp vừa kết thúc cuối tuần trước với thắng lợi nghiêng về Đảng Dân chủ mới, vốn ủng hộ gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã giúp đồng euro bật tăng lên trên ngưỡng 1,27 USD/euro và 100 yên/euro. Đồng tiền chung châu Âu cũng duy trì xu hướng đi lên so với đồng nội tệ Nhật Bản, tăng từ mức 99,45 yên/euro lên 99,54 yên/euro. Trong khi đó, đồng bạc xanh lại trượt giá so với đồng yên khi giảm từ mức 79,11 yên đổi 1 USD, xuống còn 78,97 yên/USD.

Trong phiên giao dịch ngày 19/6 tại thị trường Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ quay đầu đi lên nhờ những kỳ vọng của giới đầu tư rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới sau cuộc họp bàn về chính sách dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 20/6, nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế còn khá trì trệ của nền kinh tế số 1 thế giới.


Các thị trường chứng khoán tăng nhẹ sau cuộc bầu cử lội ngược dòng của
lực lượng chủ trương Hy Lạp ở lại Eurozone và những đóng góp cho "bức tường
lửa" kinh tế thế giới

Chốt phiên này, tại Niu Yoóc, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2012 tăng 83 xu, lên 84,10 USD/thùng.

Ngày 20/6, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa đưa ra gói cứu trợ khiêm tốn – chương trình mua trái phiếu trong 6 tháng – để tạo ra một kích thích khiêm tốn cho nền kinh tế Mỹ. FED cho biết có dấu hiệu kinh tế Mỹ đang đối mặt với đe dọa mới từ các bất ổn tài chính trên thế giới.Gói kích thích này được giới đầu tư quốc tế chờ đợi từ lâu, nhưng chắc cũng chỉ đáp ứng phần nào kỳ vọng.

Việc Hy Lạp ở lại Eurozone tạm thời giải tỏa cuộc khủng hoảng lớn, nhưng không giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu. Tâm lý lạc quan không duy trì được lâu, do lãi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm đã lập kỷ lục mới 7%, làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu và Tây Ban Nha có thể trở thành tâm điểm của cơn  bão mới.

G-20 đưa phao cứu hộ cho kinh tế thế giới

Giới đầu tư dồn sự chú ý vào Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) vừa diễn ra tại Los Cabos (Mexico), với hy vọng rằng thông qua hội nghị lần này, các nước G-20 sẽ nhất trí góp sức xây dựng bức tường lửa tài chính nhằm giúp nền kinh tế thế giới thoát khỏi nguy cơ rơi trở lại vào suy thoái, với mục tiêu cụ thể là ngăn chặn cơn bão nợ đang hoành hành tại Eurozone.

Sau hai ngày làm việc, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) lần thứ 7 đã bế mạc, thông qua Tuyên bố Los Cabos, nhấn mạnh ưu tiên tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Hội nghị đã có những hành động cụ thể nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và việc bơm thêm tiền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Trước khi bế mạc, Hội nghị thượng đỉnh G-20, các nhà lãnh đạo đã đưa ra “tối hậu thư” đối với EU yêu cầu các nước này làm tất cả những gì cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện đang là mối đe dọa đối với toàn thế giới. G-20 bày tỏ sự ủng hộ đối với những chương trình cải cách mà EU dự định tiến hành trong thời gian tới, đồng thời chỉ rõ hai biện pháp cụ thể mà EU cần thực hiện ngay, đó là cải thiện quá trình hoạt động của thị trường tài chính, xử lý nợ xấu giữa các ngân hàng tại các quốc gia thành viên EU. Về phần mình, các nước EU thuộc G-20 đã nhất trí bắt đầu hội nhập hệ thống ngân hàng trong Eurozone, nhằm hướng tới một cơ cấu tài chính hội nhập hơn. 

Một trong những điểm sáng tại Hội nghị G20 lần này là cam kết của các nền kinh tế đang phát triển đóng góp khoảng 95,5 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giúp thể chế tài chính này nâng nguồn lực quỹ cứu trợ lên 456 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 430 tỷ USD của chính IMF. Cụ thể, Trung Quốc cam kết đóng góp 43 tỷ USD, chỉ thấp hơn mức cam kết đóng góp trước đó 60 tỷ USD của Nhật Bản và 54,7 tỷ USD của Đức. Braxin, Nga, Ấn Độ và Mexico mỗi nước góp 10 tỷ USD. Mỹ vẫn chưa đóng góp vào bức tường lửa của IMF.


Các số liệu thương mại toàn cầu của các nền kinh tế thuộc nhóm G-20: Tổng buôn bán quốc tế 2011, GDP 2011 và dân số hiện tại của các nước này

Thị trường Mỹ thành nơi “tránh bão” của giới đầu tư quốc tế

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lan rộng và tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi đi xuống, vai trò “tránh bão” của thị trường Mỹ càng trở nên nổi bật với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào đây ngày một tăng.

Theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố vào cuối tuần qua, Mỹ thu hút được tổng cộng 28,7 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây đều là các khoản đầu tư lâu dài của các công ty và cá nhân nước ngoài dưới hình thức như mua cổ phần tại các công ty và tài sản bất động sản của Mỹ, không tính các khoản đầu tư mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán Mỹ.

Tổng đầu tư nước ngoài vào Mỹ năm 2011 là 234 tỷ USD, tăng 14% so với con số 205,8 tỷ USD của năm 2010, trong đó 2/3 là đến từ châu Âu. Vốn đầu tư nước ngoài vào Mỹ năm 2010 và năm 2011 đã vượt mức trung bình của 10 năm qua cho thấy sức hấp dẫn đối với dòng vốn của Mỹ đã tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và vai trò “tránh bão” của thị trường Mỹ một lần nữa trở nên nổi bật.

Mỹ có thể trở thành nhà sản xuất dầu khí nhiều nhất thế giới 2020

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế khu vực châu Mỹ, diễn ra tại Montreal (Canada), Ủy viên Ban Tài nguyên thiên nhiên bang Alaska (Mỹ), Daniel Sullivan, cho biết Mỹ đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất khí đốt và dầu mỏ, nhằm thực hiện mục tiêu vượt qua hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới là Nga và Arập Xêút trong thập niên tới.

Trong quý I/2012, Mỹ đã sản xuất được 6 triệu thùng dầu các loại mỗi ngày, điều mà họ đã không thể thực hiện được trong 15 năm. Kể từ năm 2008, sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng thêm 1,6 triệu thùng. Năm 2011, mức tăng sản lượng dầu mỏ của nước này cũng đứng ở mức cao nhất trong các quốc gia nằm ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Trong khi đó, theo thống kê của Joint Organizations Data Initiative, trong tháng 3/2012, sản lượng dầu mỏ của Arập Xêút, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC, vào khoảng 9,923 triệu thùng dầu/ngày; còn của Nga là 9,920 triệu thùng dầu/ngày.

Ông Sullivan cho hay công ty tư vấn có tiếng PFC Energy đã dự báo đến năm 2020 Mỹ có thể trở thành nhà sản xuất hydrocarbon (dầu mỏ và khí đốt) lớn nhất thế giới.

Nguồn tin: Toquoc

ĐỌC THÊM