Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới phục hồi, dầu có thể lên giá

Trong thời gian tới, giá dầu tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới cộng với tâm lý đầu cơ của các nhà đầu tư nên rất có thể sẽ đạt mốc 75 USD/thùng trong những phiên giao dịch sắp tới.

Mỹ: Những dấu hiệu kinh tế quý II chưa rõ ràng.

 

Các định chế tài chính ở Mỹ  được dự báo nằm trong danh sách được hoàn trả vốn
(Ảnh: aquasite.net)


Ngày 9/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner đã ra quyết định cho phép 10 ngân hàng được trả lại khoản vay trị giá 69 tỷ USD được Chính phủ cho vay hồi tháng 10/2008 trong kế hoạch giải trừ tài sản xấu TARP (quy mô của kế hoạch này lên đến 700 tỷ USD).

Theo số liệu thống kê, gần 200 tỷ USD hỗ trợ từ TARP đã được giải ngân cho 600 ngân hàng trên toàn nước Mỹ. Khoảng 22 ngân hàng nhỏ đã hoàn trả đủ các khoản vay. Mặc dù Bộ Tài chính Mỹ không công bố đích danh 10 định chế tài chính nào nhưng những cái tên như Goldman Sachs Group, JPMorgan Chase, American Express, Morgan Stanley, State Street, U.S. Bancorp hay Bank of New York Mellon Corp, BB&T Corp, Capital One Financial Corp, Northern Trust Corp được dự báo là nằm trong danh sách được hoàn trả vốn.

Theo số liệu thống kê của Reuters và Đại học Michigan, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp, leo lên mốc 69 điểm trong nửa đầu tháng 6. Điều này cho thấy niềm tin của người dân vào khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ phát tín hiệu phục hồi vào quý III/2009.

Theo thông báo của Bộ Lao động Mỹ ngày 11/6, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần đầu tháng 6/2009 đã giảm mạnh so với tuần cuối tháng 5 (giảm 24.000 người) xuống còn 601.000 người. Đây là mức thấp nhất kể từ 24/1 và là tháng thứ hai liên tiếp sô lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm. Như vậy, tính đến ngày 30/5/2009, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ là 6,82 triệu.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố, tổng doanh thu bán lẻ trong tháng 5/2009 tăng nhẹ 0,5%. Đây là tháng đầu tiên doanh thu bán lẻ tăng sau 3 tháng sụt giảm liên tiếp. Dẫn đầu là các mặt hàng năng lượng và vật liệu xây dựng. Doanh thu bán xăng tăng 3,6%, doanh thu bán nguyên vật liệu xây dựng tăng 1,3%.

Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 4 đã lên đến 29,2 tỷ USD, cao hơn so với mức dự báo 28,5 tỷ USD của giới phân tích. Theo đó, xuất khẩu của nước này trong tháng 4/2009 đã giảm 2,3% xuống 121,1 tỷ USD (mức thấp nhất kể từ tháng 6/2006). Nhập khẩu trong tháng 4 cũng giảm 1,4% xuống còn 150,3 tỷ USD (giảm tháng thứ 9 liên tiếp)

Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố phát hành thành công trái phiếu vay nợ đợt đầu tháng 6, trị giá 19 tỷ USD với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 3,99%/năm. Lãi suất trúng thầu lần này cao hơn nhiều so với mức 3,19% trong đợt phát hành của FED hồi tháng 5. Giới đầu tư lo ngại về cán cân thánh toán của Chính phủ, khi Quốc hội Mỹ công bố mức thâm hụt ngân sách trong tháng 5 tăng lên 189,65 tỷ đôla. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp Mỹ rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách.

 

Châu Âu: Sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh

Theo số liệu do Ủy ban châu Âu công bố, sản xuất công nghiệp toàn khu vực Eurozone sụt giảm 21,6% trong tháng 4. Đây là mức sụt giảm mạnh với biên độ suy thoái lớn nhất kể từ khi các số liệu được tiến hành thống kê năm 1986.

EU cũng cho biết đã chi 5.300 tỷ USD cho những gói kế hoạch giải cứu ngành tài chính của các quốc gia trong khu vực trong giai đoạn khủng hoảng hơn 1 năm vừa qua.

Theo thông báo của Cơ quan Thống kê Pháp, chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 5 sụt giảm lần đầu tiên trong vòng 13 năm qua kể từ năm 1996. Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,3% sau khi tăng 0,1% hồi tháng 4/2009. Theo đó, giá các mặt hàng năng lượng giảm 17,1%; giá dầu giảm 26,1%; giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm 4,1%.

Ngân hàng Trung ương Pháp tuyên bố giữ tỷ lệ lãi suất cơ bản dưới 1% và sẽ thực hiện kế hoạch mua trái phiếu trị giá 60 tỷ EUR (tương đương 82 tỷ USD) trong tháng tới.

Theo dự báo của Uỷ ban Châu Âu, tăng trưởng kinh tế của Pháp có thể giảm còn 3% và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng đến 9,6% trong năm 2009.

 

Nhật: Chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt mức cao

Theo công bố mới nhất của Văn phòng Nội các Nhật, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng từ mức 32,4 trong tháng 4 lên mức 35,7 trong tháng 5. Chỉ số này tăng hàng tháng kể từ mức thấp nhất 26,2 hồi tháng 12/2008.

Cũng theo Văn phòng Nội các Nhật, GDP của nước này trong quý 1/2009 tăng trưởng âm 14,2% - thấp hơn so với mức âm 15,2% được công bố hồi tháng 4. Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chịu mức suy thoái 3,8% trong quý I/2009. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật sẽ phát đi tín hiệu phục hồi đầu tiên vào quý II/2009 khi GDP tăng trưởng trở lại ở mức dương 0,5%.

Trong tháng 4, xuất khẩu của nước này tăng 7,2% so với tháng 3. Sản xuất ở các nhà máy trong tháng 4/2009 tăng lên mức cao nhất trong vòng 56 năm. Theo báo cáo của Tokyo Shoko Research, số doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản giảm mạnh 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.203 trường hợp. Đây là mức giảm đầu tiên trong vòng 12 tháng qua. Tuy vậy, vốn đầu tư trong tháng 4/2009 đã giảm 5,4% xuống còn 688,8 tỷ Yên (7,1 tỷ USD). Ngân hàng Trung ương Nhật cho biết chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) trong tháng 5/2009 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Trung Quốc: Dư nợ tín dụng tăng gấp đôi

 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 5/2009 giảm 1,4% so với cùng
 kỳ năm ngoái (Ảnh: daylife.com)

Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 5/2009 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu toàn ngành bán lẻ nước này tăng 15,2% trong tháng 5. Đây được xem là những tín hiệu tốt cho Chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực duy trì chính sách lãi suất thấp nhằm kích cầu nền kinh tế mà không quá lo ngại đến vấn đề lạm phát.

Cục Hải quan Trung Quốc cho hay trong tháng 5/2009 xuất khẩu nước này giảm 26,4%, nhập khẩu giảm 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 đạt 13,4 tỷ USD- thấp hơn so với mức dự báo 14,9 tỷ USD mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng tăng gấp đôi so với tháng 4 và đạt 97 tỷ USD. Đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng cơ bản tăng mạnh 6,8% trong 5 tháng đầu năm 2009 do gói kích thích kinh tế 585 tỷ USD của quốc gia này đang được giải ngân mạnh mẽ và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trên.

 

Chứng khoán thế giới: Tiếp tục duy trì đà tăng điểm

 

Chứng khoán phố Wall

Với 4 phiên lên điểm và 1 phiên giảm điểm, chứng khoán phố Wall đã kết thúc một tuần giao dịch vẫn duy trì được đà lên điểm nhưng tính thanh khoản của thị trường đã giảm hơn nhiều so với những tuần trước đó.

Trong tuần này, khối lượng giao dịch bình quân/ngày chỉ đạt 1,087 tỷ cổ phiếu - thấp hơn 22% so với khối lượng giao dịch trung bình/ngày của tuần trước. Một điểm đáng chú ý khác chính là diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ đã kém sôi động đi nhiều khi biên độ dao động trong ngày chỉ tăng/giảm dưới 0,6%.

Mặc dù vậy, trong tuần này chỉ số Dow Jones tăng 0,41% chốt ở mức 8.799,26; chỉ số S&P 500 lên 0,65% đóng cửa ở mức 946,21 và chỉ số Nasdaq tiến thêm 0,51% chốt ở mức 1.858,8. So với đầu năm 2009, chỉ số Dow Jones tăng 0,26% - lần đầu tiên tăng cao hơn so với đầu năm, chỉ số S&P 500 tăng 4,76% và chỉ số Nasdaq lên 17,87%. Bên cạnh đó, so với thời điểm thị trường xuống mức thấp nhất trong gần 6 tháng đầu năm - được thiết lập ngày 9/3, chỉ số Dow Jones tăng 34,4%, chỉ số S&P 500 lên 39,86% và chỉ số Nasdaq tiến thêm 46,52%.

 

Chứng khoán Châu Âu

Trong tuần qua, chứng khoán Châu Âu vẫn duy trì được đà tăng điểm. Các chỉ số chứng khoán chính tại khu vực đều lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Đóng góp đáng kể nhất cho đà tăng của thị trường chứng khoán khu vực Châu Âu là cổ phiếu khối ngân hàng với biên độ tăng điểm dao động ở mức 2,2-5,6%

 

Chứng khoán Châu Á

Trong tuần này, điểm đáng chú ý nhất trên thị trường chứng khoán Châu Á đó là chỉ số Nikkei 225 đã vượt ngưỡng 10.000 điểm, kết thúc tuần giao dịch ở mức 10.135,82 điểm- mức cao nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây. Các chỉ số chứng khoán trên các thị trường khác đều giữ được đà tăng điểm nhẹ so với tuần trước, khép lại một tuần giao dịch thành công cho thị trường chứng khoán khu vực Châu Á.

 

Như vậy, hiện nay chứng khoán thế giới vẫn thể hiện những bước tiến vững chắc khi duy trì được đà tăng điểm liên tục. Tuy nhiên, hiện tượng thanh khoản giảm trong tuần qua cho thấy dường như thị trường đang thiếu những động lực mạnh mẽ để thu hút sự tham gia của giới đầu tư. Nếu trong tuần tới, nếu tính thanh khoản không được cải thiện thì rất có thể chứng khoán thế giới sẽ có một tuần điều chỉnh giảm nhẹ sau một thời gian dài lên điểm.

 

Thị trường vàng: Giảm giá tuần thứ hai liên tục

Tuần này, giá vàng giao ngay thị trường thế giới giảm 1,7%, sau khi đã trượt 2,5% trong tuần trước còn 939,3 USD/oz. Giá vàng kỳ hạn trong tuần giảm 2,3% còn 940,7 USD/oz.

 

Với sự phục hồi của USD, trong những phiên giao dịch tới đây, vàng sẽ khó có thể vượt ngưỡng kháng cự 965 USD/oz. Tuy nhiên, trước nỗi lo lạm phát đang tăng lên ở các nước phát triển, giá vàng sẽ vẫn có thể phục hồi trở lại trong thời gian tới.

 

Dầu tiếp tục lên giá

Dự đoán dầu có thể đạt mức 75 USD/thùng trong thời gian tới
(Ảnh: congnghedaukhi.com)


Trên thị trường nhiên liệu, dầu thô tiếp tục lên giá và sắp chạm ngưỡng 75 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 giao dịch tại thị trường New York đóng cửa ngày giao dịch cuối tuần ở mức 72,04 USD/thùng. Tuần này, giá dầu tại New York tăng 5,3%, sau khi đã tăng 3,2% trong tuần trước. Tính chung từ đầu năm tới nay, giá dầu kỳ hạn tại New York đã tăng 62%.

 

Trong thời gian tới, giá dầu tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới cộng với tâm lý đầu cơ của các nhà đầu tư nên rất có thể sẽ đạt mốc 75 USD/thùng trong những phiên giao dịch sắp tới.

 

Đồng USD giảm nhẹ so với tuần trước

Kết thúc tuần giao dịch, 1 EUR đổi được 1,4 USD. Tính chung cả tuần, USD vẫn mất giá 0,3% so với Euro. Tuy nhiên, trong tuần có những phiên đồng USD lên giá tới 1,5% so với EUR.

Trong thời gian tới, đồng USD chỉ có thể mạnh lên trong ngắn hạn, còn trong dài hạn, khả năng trượt giá sâu hơn của đồng tiền này là rất lớn.

(TuanVietNam)

ĐỌC THÊM